Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được Bộ GTVT phê duyệt tháng 9/2021, tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước, trong đó chi phí GPMB là 1.279 tỷ đồng.
Mô hình cầu Rạch Miễu 2.
Chiều 22/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện hai địa phương Tiền Giang, Bến Tre cho biết đã có báo cáo chi tiết, trong đó phần tăng nhiều nhất là về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Cụ thể, tổng chi phí GPMB cập nhật đến thời điểm hiện tại, phía Bến Tre tăng lên gần 355 tỷ đồng và Tiền Giang tăng khoảng 1.257 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân, hai địa phương này cho biết, thời điểm lập dự án áp dụng khung chính sách theo Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của Tiền Giang và Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND của Bến Tre năm 2020.
Ông Trần Thanh Bá, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang, cho biết quá trình thực hiện thuê tư vấn khảo sát, lập đơn giá đất để tính bồi thường, đến khi áp giá đền bù thì giá đất của tỉnh có sự biến động mạnh.
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, giá đất bồi thường tăng từ 8 triệu đồng/m2 lên 26,1 triệu đồng/m2 tuỳ loại đất.
Trong khi đó, tại Bến Tre, ông Mã Xuân Thuận, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bến Tre cho biết giá đất cũng có đơn giá và hệ số tăng gấp 6 đến 20 lần.
Nhà thầu đang huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công cầu Rạch Miễu 2. Tuy vậy, việc mặt bằng chưa giải phóng xong khiến tiến độ tổng thể của dự án đang bị ảnh hưởng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến của giá đất nêu trên, ông Bá cho biết, thời điểm bắt tay vào áp giá đền bù để đầu tư cầu Rạch Miễu 2, tỉnh cũng đầu tư các dự án lớn như Quảng trường Trung tâm tỉnh, một số tuyến đường giao thông huyết mạch.
Cùng với đó, nhu cầu mua đất nền để ở của người dân, nhất là những hộ mới chuyển về TP.Mỹ Tho định cư cũng đã nhích lên. Trong khi nguồn đất tự nhiên để cung ứng cho các khu vực đông dân như TP.Mỹ Tho dần trở nên khan hiếm hơn.
Một điểm cũng không kém phần quan trọng khác là do hiệu ứng từ các dự án giao thông, hạ tầng đầu tư lớn đang triển khai trên địa bàn khiến giá đất cũng tăng theo trong 2 năm qua.
Về hiện trạng vị trí các thửa đất thu hồi, diện tích và loại đất (nhất là thổ cư) có thay đổi. Nhiều thửa đất có vị trí trước đây không tiếp giáp với đường giao thông nhưng nay có tiếp giáp đường giao thông do quá trình phát triển, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Qua kiểm kê từng chủ sử dụng đất, thực tế có tăng về số lượng và cấp loại so với khung chính sách của Tiền Giang, Bến Tre. Số lượng cây cối, vật nuôi thực tế cũng có thay đổi về khối lượng, chủng loại, mật độ so với khung chính sách.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đã bàn giao cọc GPMB cho các địa phương từ 31/12/2021 để triển khai công tác GPMB.
Lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp làm việc với địa phương và có nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao cho dự án.
Tuy nhiên, tình hình triển khai công tác GPMB đến nay phía Bến Tre mới bàn giao được 7,38/9,65km (đạt 80%); phía Tiền Giang mới bàn giao được 2,18 Km/7,95 km (đạt 27,42%).
Ông Thi cũng cho biết, dự án cầu Rạch Miễu 2 đã khởi công dự án từ ngày 29/3/2022, tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 8/2022 mới đủ điều kiện về mặt bằng để khởi công 2 gói thầu và 1 gói khởi công trong tháng 12/2022. Các gói còn lại sẽ sớm khởi công khi đầy đủ các điều kiện về mặt bằng thi công.
Hiện tại, trên công trường, các đơn vị đang triển khai ồ ạt các mũi thi công, tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư trên các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Theo kế hoạch, cầu Rạch Miễu 2 sẽ hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên đến nay nhiều phạm vi chưa có mặt bằng thi công sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận