Hơn 10 năm qua, đội xây dựng cầu đường của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang với 32 thành viên đã xây dựng hàng trăm cầu bê tông, hàng ngàn mét đường giao thông nông thôn. Đây là điều kiện quan trọng để người dân, tín đồ phật giáo Hoà Hảo ở tỉnh Tiền Giang phát triển, vươn lên trong cuộc sống.
Thi công cầu xuyên dịch
Giữa tháng 11, chúng tôi có dịp về xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè. Đi qua cây cầu vừa mới được xây dựng bắc qua sông Cổ Cò, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu vui từ cuộc sống của người dân nơi đây.
Cầu Cổ Cò đưa vào sử dụng người dân, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Mảnh, Đội trưởng đội thi công cầu đường, Ban trị sự Phật giáo Hoà Hảo tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là cây cầu do Ban trị sự vận động để xây dựng với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Cầu dài 72m, rộng 3,5m được xây dựng bằng bê tông, cốt thép vừa mới đưa vào khai thác đầu tháng 11.
Theo ông Mảnh, suốt 4 tháng mùa dịch vừa qua, anh em trong đội liên tục làm việc không ngừng nghỉ để thi công hoàn thành cây cầu đúng tiến độ. Cầu được xây dựng 3 nhịp, nhịp giữa được thiết kế dây văng, có tải trọng 3,5 tấn phục vụ người dân, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo các xã Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, An Thái Trung, huyện Cái Bè vận chuyển hàng hóa, nông sản và đi lại của học sinh không phải lụy đò.
Ông Nguyễn Văn Nhơn (58 tuổi, người dân xã Mỹ Lợi A) vui mừng cho biết, có cầu nên việc đi lại của người dân trong vùng thuận tiện hơn. “Ngày trước muốn đi lên huyện phải đi qua đò cách cầu khoảng 1km, ra tới nơi mất gần tiếng đồng hồ. Việc đưa nông sản đi tiêu thụ, hay có người nhà bệnh tật đưa đến bệnh viện rất cực. Giờ có cầu chỉ hơn 10 phút là có thể đến trung tâm huyện Cái Bè, ra Quốc lộ 1”, ông Nhơn nói.
Ông Lê Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè cho biết, ngoài cây cầu bắc qua sông Cổ Cò này, đội cầu đường Ban trị sự Phật giáo Hoà Hảo còn xây dựng 7 cây cầu trên địa bàn xã, mỗi cầu trị giá từ 300 triệu đồng trở lên, góp phần việc đi lại của người dân được an toàn. Khi đưa cầu Cổ Cò vào sử dụng giúp cho hơn 1.000 hộ dân, tín đồ của 3 xã nói trên đi lại, giao lưu với người dân trong huyện được nhanh hơn, nhất là việc mua bán nông sản được thuận lợi.
Ngoài xây cầu ở Tiền Giang, Đội xây cầu đường của Ban trị sự Phật Giáo Hòa Hỏa còn xây nhiều cầu các tỉnh An Giang, Long An...
Xóa cầu khỉ, đường bê tông ô tô đến tận xã
Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội xây dựng cầu đường của Ban trị sự phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang đã vận động mạnh thường quân, tín đồ xây dựng 14 cây cầu trên địa bàn Tiền Giang, 6 cầu ở tỉnh An Giang, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Thượng, Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là một trong các hoạt động từ thiện của Phật giáo Hòa Hảo, góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh.
Theo ông Thượng, khi các xã thông báo có cây cầu bị xuống cấp hoặc cần xây dựng mới, Ban trị sự xuống khảo sát, lấy thông tin về đưa qua đội xây cầu lên dự toán kinh phí, sau đó tìm nhà tài trợ để vận động kinh phí hỗ trợ xây cầu. Hay như, mạnh thường quân nào đó muốn hỗ trợ xây cầu ở địa phương trong và ngoài tỉnh thì báo Ban trị sự và đội xây dựng cầu để thi công ngay.
“Từ năm 2009 đến nay, đội thi công cầu đường đã xây dựng trên 600 cây cầu giao thông nông thôn bằng bê tông, hơn 4km đường bê tông, góp phần xóa cầu khỉ, bê tông hóa các tuyến đường nông thôn tạo thuận lợi cho người dân, tín đồ đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện. Mục đích của mình là giúp cho giao thông ở các địa bàn phát triển tốt hơn", ông Thượng nói.
Huyện Cái Bè, Tiền Giang không còn cầu khỉ, đường bê tông đến 100% xã vùng sâu của huyện.
Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, huyện Cái Bè, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, cầu khỉ, cầu thô sơ rất nhiều. Ngoài việc huyện đầu tư, còn có sự chung tay hỗ trợ về ngày công, kinh phí của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo tỉnh đã giúp địa phương sớm đạt tiêu chí giao thông.
Đến nay, huyện không còn cầu khỉ, đường giao thông cũng được nhựa hóa, bê tông đến 100% xã vùng sâu của huyện. Các tuyến đường do xã quản lý, bảo đảm đạt chuẩn và quy định của Bộ GTVT, nâng cấp cơ bản cầu cống dân sinh. Có 100% đường thôn, xóm được cứng hóa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Qua đó, góp phần phát triển vào kinh tế - xã hội và kéo giảm TNGT khu vực nông thôn.
Không chỉ phá thế “ốc đảo”, thỏa ước nguyện bao đời của người dân vùng sông nước, các cầu, đường bê tông giúp cho việc buôn bán, đi lại của nhân dân, tín đồ phật giáo Hòa Hảo của tỉnh Tiền Giang nói chung, huyện Cái Bè nói riêng được thuận lợi hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận