Sáng 8/5, tại TP Mỹ Tho, UBND tỉnh Tiền Giang và Doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) cùng các Liên doanh các Nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng của Hợp đồng Đầu tư xây dựng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Tại buổi ký kết này dưới sự chứng kiến của các bên liên quan, hai bên đã cùng xác nhận Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) của dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là UBND tỉnh Tiền Giang (được tiếp nhận chuyển giao từ Bộ GTVT). Đây là một bước xác nhận trách nhiệm của các bên trong việc tháo gỡ các “nút thắt đã đình trệ gây chậm tiến độ 10 năm qua” của dự án, xác định cụ thể trách nhiệm của các bên trong thời gian tiếp theo của dự án.
Đồng thời, điều chỉnh một số điều khoản không còn phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc đã tồn tại nhiều năm qua, để thúc đẩy triển khai tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Thông qua lễ ký kết các bên cũng đã cam kết sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành để tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thời gian tới nhằm đảm bảo các mốc chính tiến độ của dự án.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không chỉ phục vụ cho tỉnh Tiền Giang mà cả vùng ĐBSCL. Tỉnh Tiền Giang cũng cảm thấy rất áp lực khi nhận dự án từ Bộ GTVT, vì từ trước đến nay chưa quản lý dự án nào lớn như vậy. Đặc biệt là dự án đã trải qua một giai đoạn khó khăn.
Từ khi có chỉ đạo tiếp nhận dự án, tỉnh đã rất nỗ lực để thực hiện các bước, phối hợp với nhà đầu tư để tháo gỡ các khó khăn. Phụ lục hợp đồng là cơ sở pháp lý đầu tiên để tiếp tục triển khai dự án. Tỉnh nỗ lực đẩy nhanh GPMB, trong 3 tháng qua đã giải phóng được thêm 2%, đến nay đã đạt trên 98%, tỉnh sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tới. Đối với các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, địa phương sẽ làm việc với nhà đầu tư, sớm trình Bộ GTVT thẩm định các biện pháp kỹ thuật để thực hiện nhanh tiến độ dự án.
Về nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, tỉnh cũng đã có kiến nghị đến Chính phủ sớm giải quyết vấn đề này, bởi trong hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách, đến nay mới ghi được hơn 500 tỷ. Nếu không giải quyết được sớm, tỉnh kiến nghị cho ứng vốn để triển khai các bước trong năm 2019. Về nguồn vốn GPMB, tỉnh cam kết ứng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng đạt 100% sớm.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đề cao trách nhiệm và đặc biệt quan tâm để tháo gỡ các khó khăn, tìm các giải pháp để dự án hoàn thành và coi đây là nhiệm vụ chính trị.
Trước đó, để góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc tiến tới hoàn thành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tại kỳ họp của Thường trực Chính phủ vào tháng 2/2019 đã có Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019, chấp thuận chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Quyết định này nhằm giúp dự án đẩy nhanh các giải quyết các vấn đề pháp lý đã vướng mắc trước đây, giải quyết tình trạng GPMB xôi đỗ nhanh chóng.
Việc điều chỉnh Dự án nhằm thực hiện mục tiêu thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020, đưa dự án vào khai thác năm 2021 như kỳ vọng của người dân ĐBSCL cũng là mong muốn của Chính phủ mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày 6/5 vừa qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận