Chuyện dọc đường

Tiền gửi Ngân hàng bốc hơi: Dễ dãi, cả tin!

25/08/2016, 09:41
image

Trong lúc vụ việc khách hàng của Vietcombank bị “bốc hơi” 500 triệu đồng trong tài khoản chưa được điều tra, làm rõ...

6

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Quang Huân làm việc với PV Báo Giao thông

Trong lúc vụ việc khách hàng của Vietcombank bị “bốc hơi” 500 triệu đồng trong tài khoản chưa được điều tra, làm rõ, dư luận một lần nữa xôn xao trước thông tin chủ một DN tố cáo tài khoản công ty tại Ngân hàng VPBank bị "bốc hơi" 11,3 tỷ đồng song ngân hàng thoái thác trách nhiệm!

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ai phải chịu trách nhiệm về số tiền bị tố bỗng dưng “bốc hơi”? Chủ tịch Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức cho rằng, đây là vụ việc tranh chấp dân sự giữa DN và ngân hàng. Theo trình tự, DN khiếu nại ngân hàng, nếu ngân hàng không trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng có thể kiện ra tòa. Nếu vụ việc xuất hiện dấu hiệu vi phạm, sẽ phải yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ có hay không hành vi phạm tội, thuộc trách nhiệm của DN hay ngân hàng… từ đó làm cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Tuy nhiên, đến nay, giữa đơn tố cáo ban đầu của DN với phản hồi của ngân hàng sau đó, rõ ràng có nhiều dấu hỏi mà chỉ có cơ quan công an mới đủ nghiệp vụ xác minh, làm rõ. Chẳng hạn, DN tố bị làm giả chữ ký, con dấu, song phía ngân hàng khẳng định chứng từ hợp lệ; DN nói không nhận được thông tin giao dịch qua tin nhắn SMS, nhưng ngân hàng cho biết vẫn lưu giữ… Song, các chuyên gia tài chính cũng như luật sư đều cho rằng, vụ việc xảy ra có nguyên nhân “hớ hênh” của cả DN và ngân hàng.

Theo trình bày của “bị đơn”, ngay từ khi mở tài khoản, chủ DN đã “dễ dãi” giao cho nhân viên ngân hàng chữ ký khống của mình và đây chính là mấu chốt phát sinh sự việc sau đó. Một điểm lạ nữa là tài khoản mở và giao dịch từ tháng 3, song đến tháng 9/2015, chủ tài khoản mới kiểm tra số dư, phát hiện mất tiền và đến gần đây mới tố cáo vụ việc ra cơ quan công an?

Dẫu kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan công an, song vụ việc là bài học cho cả DN và các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, cả hai phía đều phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc thay vì thực hiện qua loa, đại khái, dễ dãi, cả tin như nhận ký khống, phó thác cho nhân viên từ đầu tới cuối… Bài học từ vụ Huyền Như hay gần đây là một loạt DN gỗ tố bị Công ty Global Home lừa đảo cũng có nguyên nhân từ sự dễ dãi, cả tin.

Mặt khác, từ nhiều vụ tranh chấp dân sự tương tự, cũng cho thấy những lỗ hổng pháp lý liên quan đến trách nhiệm của các pháp nhân. Bởi, theo quy định hiện hành (Bộ luật Dân sự), pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm khi nhân viên của mình vi phạm. Song, Bộ luật này cũng “thòng” thêm nội dung, nếu nhân viên làm quá phạm vi được ủy quyền thì phải tự chịu trách nhiệm. Từ đây phát sinh vấn đề mức độ, phạm vi nào được coi là “quá”; Mặt khác, các tổ chức, cá nhân bên ngoài, đơn cử như khách hàng khi giao dịch với ngân hàng, làm sao tường tận được quy định của nội bộ ngân hàng để biết “quá” hay chưa?

Do vậy, các chuyên gia về pháp luật cho rằng, cần chỉnh sửa lại quy định, theo đó pháp nhân phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến nhân viên của mình, từ đó mới nâng cao trách nhiệm, năng lực quản trị nội bộ. Và khi có vụ việc xảy ra, nội bộ phải chịu trách nhiệm thay vì đẩy ra ngoài, các pháp nhân mới đảm bảo lòng tin, uy tín của mình, nhất là trong trường hợp pháp nhân là các tổ chức tài chính, ngân hàng.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.