Bệnh nhân bướu cổ cần đến các cơ sở chuyên khoa về nội tiết để được tư vấn và điều trị |
Hoại tử vì… đắp lá thuốc thầy lang “vườn”
Mới đây, bệnh nhân Lê Thị Th. (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa) được gia đình đưa đến BV Nội tiết T.Ư cấp cứu trong tình trạng người mệt mỏi, suy nhược, gầy yếu chỉ vỏn vẹn 38kg, mạch nhanh, cổ to nhiều lở loét và vết sẹo lớn nhăn nhúm, mắt lồi, tay run… Với sự nỗ lực của các y bác sĩ sau 4 ngày nhập viện, bệnh nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bệnh nhân Th. cho biết đã phát hiện mắc basedow (bướu cổ) gần 10 năm. Trước đây, bệnh nhân đã từng đến khám tại BV Nội tiết T.Ư, BV Bạch Mai. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân không theo phác đồ điều trị của các bệnh viện, mà lại nghe theo lời rỉ tai tìm đến điều trị ở các cơ sở khám chữa bệnh của thầy lang “vườn” tại Hải Dương, Hưng Yên... Tại đây, bệnh nhân được cho uống, đắp các loại thuốc nam lên vùng cổ và hậu quả là các loại thuốc này đã gây bỏng rát, hoại tử nghiêm trọng vùng da cổ của người bệnh. “Sau khoảng 5- 10 ngày, tại vị trí đắp thuốc, vùng da bị hoại tử bong ra, các thầy lang quả quyết rằng đã “bóc được bướu, tan được chân”, bệnh nhân Th. cho biết.
Để phòng ngừa bệnh bướu cổ, người dân nên ăn các thức ăn giàu i-ốt như cá, mắm tôm, nước mắm..., nhất là các thức ăn có nguồn gốc từ biển. Dùng nước sạch, cải thiện điều kiện nhà ở. Khi phát hiện các bệnh tiêu hóa, cần chữa trị kịp thời, dùng thuốc hợp lý... Dùng muối i-ốt là phương pháp phòng bệnh rất tốt. Ngoài ra, có thể dùng các loại dầu i-ốt đường tiêm hoặc đường uống (lipiodol) theo chỉ định của bác sĩ để phòng bướu cổ đơn thuần. |
Cùng theo lời bệnh nhân Th., để được điều trị, các bệnh nhân phải ăn ở ngay tại nhà riêng của các thầy lang từ 5 - 10 ngày (từ ngày đắp thuốc cho đến ngày bong da), với chi phí trên dưới 10 triệu đồng/đợt điều trị.
Theo nhận định của BS. Trần Văn Đồng, Khoa Điều trị tích cực, BV Nội tiết T.Ư, thời gian gần đây, những trường hợp như bệnh nhân Th. nhập viện điều trị khá nhiều. Các bệnh nhân bướu cổ do tin tưởng những lời rỉ tai của bạn bè, người thân đã bỏ điều trị tại viện mà chuyển sang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép. Tại đây, họ được các ông lang, bà lang vườn tư vấn uống thuốc nam, đắp thuốc lá, cao dán lên cổ điều trị bệnh. “Không may là dù tiền mất nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Các vết đắp thuốc trên da xảy ra tình trạng bỏng rát, hoại tử da, để lại di chứng là những vết sẹo lớn, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tự ti khi giao tiếp. Thậm chí, có những trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu; ý thức lơ mơ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, phải đặt nội khí quản, thở máy, nguy cơ tử vong cao do không được điều trị đúng phương pháp, kịp thời”, BS. Đồng thông tin.
Nữ giới mắc bướu cổ với tỷ lệ 95%
Theo BS. Đồng, bướu cổ là một bệnh cường giáp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến từ 20 - 50 tuổi và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn với gần 95%. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bướu cổ là mệt mỏi, gầy sút, tay run, mạch nhanh, cổ to, mắt lồi.
Các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ phổ biến gồm có phương pháp nội khoa dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, điều trị bằng Iod 131 và phẫu thuật.
Để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, BS. Đồng khuyến cáo: “Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa về nội tiết để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng”.
Cũng theo các bác sĩ nội tiết, bướu cổ là một bệnh lí tuyến giáp tương đối phổ biến. Nguyên nhân là do tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone, gây đọng hormone trong tuyến, dần dần làm xơ hóa mô gây ra bệnh. Bệnh có thể gặp ở cả 2 giới, nhưng 95% là nữ. Phạm vi độ tuổi cũng rất rộng, tập trung chủ yếu vào từ 20 - 50. Bệnh bướu cổ để lâu không điều trị cũng dễ dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, nặng hơn có thể dẫn đến mù mắt và suy tim; đồng thời, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư tuyến giáp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận