Công trình thủy nông nhân tạo đầu tiên, lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp ngăn lũ, trữ nước, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho nhiều địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.
Công sức tiền nhân
Mỗi năm một lần, Ban liên lạc Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng hồ Đại Lải lại tập hợp các hội viên sinh hoạt, thăm quan tại hồ Đại Lải. Đa phần những TNXP ngày ấy giờ đều đã ở độ tuổi ngoài 80, nhưng những tháng ngày hăng say đào đất, đắp đập tạo nên công trình hồ Đại Lải 60 năm về trước là một phần ký ức tự hào mà họ không thể nào quên.
Năm 1959, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định triển khai xây dựng công trình thủy nông hồ Đại Lải. Công trình này nhằm giải quyết vấn đề thoát lũ, chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059ha đất nông nghiệp thuộc 2 huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là một số địa phương của Vĩnh Phúc và Hà Nội).
Công trình hồ Đại Lải khởi công ngày 26/10/1959 và hoàn thành ngày 25/7/1963. Đây là công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt 60 năm qua.
Để thực hiện công trình thủy nông này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đông đảo, trong đó chủ lực là 1.200 TNXP làm việc liên tục trong 4 năm mới hoàn thành. Ông Lê Đức Thịnh, Trưởng Ban liên lạc TNXP xây dựng hồ Đại Lải là một trong những người có mặt đầu tiên ở công trường.
Ông Thịnh cho biết: “Hồ Đại Lải trước năm 1959 chỉ là một thung lũng ngập bùn đất được bao quanh bởi dãy núi Thằn Lằn và những quả đồi thấp bao quanh. Khi đó, lực lượng TNXP với 1.200 người đảm nhiệm tất cả các khâu phá đá, nổ mìn, đổ bê tông… Công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt khó khăn, ở lán trại, nằm sàn nứa, chỗ ngồi ăn cơm mịt mù gió và cát… Tuy vậy, khí thế thi đua lúc nào cũng hừng hực; kẻ cuốc, người đào, rồi gánh gồng, đẩy xe nhộn nhịp hòa với tiếng hát khiến cho công trường như ngày hội lớn, góp phần tăng năng suất lao động, hoàn thành đúng tiến độ”.
Nay đã 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Tỵ ở xã Định Trung (Vĩnh Yên) vẫn không quên những ngày tháng tham gia xây dựng hồ Đại Lải. Ông Tỵ nhớ lại: “Ngày ấy tuy khó khăn, vất vả, nhưng rất vui, ban ngày hăng say làm việc, ban đêm, chúng tôi chia thành từng nhóm thi hát văn nghệ, kể chuyện tiếu lâm, rồi tổ chức các lớp học văn hóa. Vui nhất là những ngày công trường có thao diễn đổ bê tông, gánh đất đá, đẩy xe cút kít, kè bờ đập hay gánh đất… Đã có nhiều kiện tướng gánh đất, kiện tướng đẩy xe cút kít được tôn vinh trong những đợt thi đua đặc biệt này”.
Sau 4 năm miệt mài lao động của các lực lượng dân quân, công trình hồ Đại Lải đã được hoàn thành với diện tích mặt nước hơn 500ha, dung tích hơn 30 triệu m3; hệ thống cống có đường kính từ 0,75 - 1,8m và kênh dẫn nước dài tới 11km; đập xả lũ tràn rộng 32m.
Đó là một cuộc trường chinh lấy sức người đè sức thiên nhiên. Sau gần bốn năm nỗ lực, chỉ bằng sức lao động chân tay, người ta đã đắp chặn 3 dòng suối từ Tam Đảo và Thái Nguyên chảy về, đồng thời đắp đập quanh thung lũng để tạo thành hồ chứa nước. Với hơn 2,2 triệu ngày công, chủ yếu của TNXP được huy động, 121.900m2 đất được đào đắp đã tạo nên một đại công trình thủy nông lớn nhất miền Bắc XHCN thời điểm đó.
Hậu thế “xẻ thịt”
Đứng ven hồ Đại Lải, nhìn những công trình nguy nga lấn hồ mọc lên, bà Nguyễn Thị Nga, 80 tuổi ở huyện Mê Linh (Hà Nội) - một trong những TNXP xây dựng hồ Đại Lải năm xưa trầm ngâm: “Hồ Đại Lải khi chúng tôi hoàn thành xây dựng còn hoang sơ lắm, xung quanh là đồi núi, rừng cây. Giờ đây xung quanh hồ mọc lên những công trình lớn, đẹp mắt nhưng người ta lại đổ đất lấp hồ. Những nơi mà họ đã lấp hồ ấy, ngày xưa chúng tôi với sức người phải đào đắp với hàng vạn ngày công mới tạo nên. Trước đây, chúng tôi có thể đi bộ xung quanh hồ nhưng giờ đây thật khó để tìm ra một chỗ đứng ngắm hồ bởi xung quanh hồ đất đều có chủ là những khách sạn, khu nghỉ dưỡng... chỉ những người có tiền mới vào được”.
Đúng là trước năm 2003, hồ Đại Lải vẫn là một vùng non nước hữu tình, chưa bị tác động gì nhiều. Từ năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy hoạch chung về việc phát triển du lịch hồ Đại Lải, cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp làm dự án biệt thự, nghỉ dưỡng, sân golf... ven hồ và cho phép các doanh nghiệp san lấp tới tận lòng hồ.
Lạ lùng hơn nữa, cùng với “phong trào” lấp hồ Đại Lải thì những mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ được cắm từ năm 1995 đã thất lạc một cách… bí hiểm. Tới nay, dù UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo đo đạc, cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình hồ Đại Lải, nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn lùng nhùng, triển khai ì ạch.
“Kể từ khi các dự án du lịch nghỉ dưỡng đổ về ven hồ Đại Lải thì xuất hiện hàng loạt vấn đề nảy sinh. Diện tích hồ bị lấp, có sự tranh chấp quyết liệt giữa những người lấp hồ. Cũng vì những sai phạm trong công tác quản lý, một số cựu cán bộ xã Ngọc Thanh đã vướng vào vòng lao lý”, ông Nguyễn Văn Ngọc ở xã Ngọc Thanh chia sẻ.
Ruộng đồng “khát” ngay bên hồ thủy lợi
Trong những ngày tìm hiểu vụ việc lấp hồ Đại Lải, PV đã nghe những câu chuyện bi hài của người dân xã Ngọc Thanh. Mang tiếng là sống cạnh hồ thủy lợi lớn bậc nhất miền Bắc nhưng nhiều dân Ngọc Thanh lại rơi vào cảnh thiếu nước tưới tiêu dẫn tới hiện trạng những cánh đồng khát khô ven hồ thủy lợi.
Các dự án trong lòng hồ chắc chắn ảnh hưởng đến quản lý khai thác hồ, ảnh hưởng tới việc tích nước, cắt lũ, vì dung tích lòng hồ đã bị thu hẹp. Ví dụ trước kia 2 tiếng lũ về, bây giờ chỉ 1 tiếng thôi. Con số, tỷ lệ ảnh hưởng cụ thể như thế nào, thì phải qua các cơ quan đánh giá cụ thể. Chúng tôi được giao quản lý mặt nước hồ Đại Lải nhưng không có chức năng xử lý vi phạm. Các vụ xâm phạm lòng hồ, chúng tôi đều có báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Ông Đường Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị quản lý trực tiếp lòng hồ Đại Lải
“Từ khi hồ Đại Lải mọc lên những khách sạn, khu nghỉ dưỡng…người ta đã đắp đất, ngăn khu vực của họ với ruộng vườn, nhà dân xung quanh. Điều này dẫn tới việc khi mùa hạn thì cánh đồng không thể lấy nước từ hồ, khi mưa thì ngập úng bởi nước không thể thoát xuống hồ. Những mảnh ruộng của chúng tôi vốn trước đây canh tác bình thường thì nay không có nước để canh tác, nhiều thửa ruộng bỏ hoang”, bà Bùi Thị Thân (ở xã Ngọc Thanh) than.
Đại diện UBND xã Ngọc Thanh thừa nhận từng xảy ra tình trạng ngập úng do các dự án thi công. “Các dự án bắt đầu triển khai từ những năm 2002, xảy ra úng cục bộ vào cuối năm 2019. Việc thi công gây ách tắc cống tiêu, chúng tôi có gặp và có báo cáo đối với quản lý đường bộ, Sở GTVT và báo cáo theo đường hành chính là cơ quan thành phố, cấp tỉnh”, một lãnh đạo UBND xã Ngọc Thanh cho biết.
Sinh ra, lớn lên ven hồ Đại Lải, bao năm nay hưởng nguồn cá tôm dồi dào từ lòng hồ, nhưng giờ đây, người dân Ngọc Thanh muốn đi dạo quanh hồ còn khó vì đại đa số đất ven hồ đã có chủ.
Xót xa trước việc các doanh nghiệp đua nhau xâu xé hồ Đại Lải, ngay từ những năm 2003 - 2005, khi hoạt động lấp hồ ồ ạt diễn ra, nhân dân xã Ngọc Thanh đã viết nhiều lá đơn, kiến nghị liên tục trong các kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện. Tuy vậy, phớt lờ nguyện vọng của người dân, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf vẫn đua nhau mọc lên ven hồ Đại Lải. Nếu sai phạm không được kịp thời chấn chỉnh, người dân lo ngại, hồ Đại Lải vài năm nữa sẽ trở thành cái… ao tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận