Khám, chữa bệnh từ xa giúp tuyến trên không bị quá tải, đồng thời, nâng cao trình độ y, bác sỹ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh…
Nhiều lợi ích từ khám chữa bệnh từ xa
Từ 2 bệnh viện ban đầu là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Mường Khương (Lào Cai), BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay sau 3 tháng triển khai đã có 34 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội. Trong thời gian này cũng đã có 144 ca bệnh được hội chẩn, trong đó 28 ca bệnh đề nghị chuyển viện, 8 ca chuyển đến BV Đại học Y Hà Nội. Hiện, đang có 89 bệnh viện, phòng khám đề xuất tham gia hội chẩn cùng BV Đại học Y Hà Nội, trong đó có cả 2 phòng khám đa khoa ở nước bạn Lào và Campuchia, nhưng mới chỉ có 2 cơ sở y tế được kết nối.
Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, BV đã có sự chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh từ xa từ rất sớm. “Ngay khi bắt đầu xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, chúng tôi đã khuyến khích kết nối phần mềm, dữ liệu thống nhất. Về hình ảnh, kết quả chẩn đoán được thường xuyên trao đổi, hội chẩn và đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”, BS. Hiếu cho hay.
Còn theo GS. TS. Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Đại học Y Hà Nội, việc tận dụng chuyên môn, trí tuệ của bác sỹ tuyến trên giúp bác sỹ tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở.
Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở BV Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới với nhiều chuyên khoa khác nhau: Ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…
Vì thế, mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế.
Toàn hệ thống sẽ khám, chữa bệnh từ xa từ đầu tháng 9
Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Mới đây, tại Hội nghị Rà soát triển khai đề án, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ sẽ phát huy cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh.
Theo GS. Nguyễn Thanh Long, đề án này ra đời với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn; Người dân thông qua đây được tiếp cận với các bác sỹ.
Ông Long cũng cho biết, sẽ áp phương thức chi trả phù hợp với khám chữa bệnh từ xa; đưa dần chi phí vào giá dịch vụ y tế để đảm bảo bền vững. Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên kết nối với 1.000 bệnh viện tuyến dưới để tham gia vào Đề án Khám, chữa bệnh từ xa nhanh nhất. Dự kiến đến đầu tháng 9 toàn hệ thống khám, chữa bệnh sẽ tham gia vào Đề án này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận