Các cuộc tấn công đẫm máu trong 2 ngày qua của IS sẽ tạo thành cái cớ để Chính phủ Syria và phe đối lập phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn |
Tiến trình hòa bình tại Syria vốn đã mong manh lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi quốc gia Bắc Phi này vừa xảy ra một loạt vụ tấn công khiến ít nhất 120 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.
Lý do cho quân chính phủ
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR), 7 vụ đánh bom trên diễn ra trong ngày 23/5, tại TP Tartus và TP Jableh. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận là thủ phạm các vụ đánh bom đẫm máu này.
Hôm qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên án vụ việc và bày tỏ quan ngại sâu sắc về hoạt động quân sự leo thang tại Thủ đô Damacus của Syria và các vùng lân cận, đặc biệt tại các tỉnh Daraya, Aleppo, Idlib và phía Bắc tỉnh Homs. Ông Ban Ki-moon cho rằng, thủ phạm tiến hành các cuộc tấn công chết chóc nói trên phải bị trừng phạt.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định: Washington sẽ tiếp tục đứng đầu liên minh quốc tế chống IS và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng đối lập tại Aleppo và Daraya.
Theo giới phân tích, loạt đánh bom đẫm máu trên có thể là lý do khiến lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al Assad tăng cường các chiến dịch nhằm vào các nhóm vũ trang đối lập, với lý do là chống khủng bố. Nếu động thái này xảy ra, nó sẽ khiến lệnh ngừng bắn tại Syria đạt được hồi tháng 2 năm nay càng trở nên mong manh, khiến tiến trình đàm phán hòa bình gặp thêm nhiều trở ngại.
Trước đó, các nhóm nổi dậy ở Syria cho biết, sẽ từ bỏ tuân thủ thỏa thuận ngừng các hoạt động thù địch đạt được hồi tháng 2 vừa qua do Nga và Mỹ bảo trợ, nếu trong vòng 48 giờ quân chính phủ không chấm dứt các cuộc tấn công tại thị trấn Daraya và Đông Ghouta, ở ngoại ô Damascus.
Hôm nay, sẽ là thời hạn cuối của 48 giờ và các nhóm nổi dậy cảnh báo nếu các cuộc tấn công của chế độ phạm tội Bashar al-Assad và những đồng minh của ông ta không chấm dứt, sẽ bị “đáp trả bằng mọi biện pháp hợp pháp nhằm bảo vệ người dân sống tại các khu vực này”. Trong số các nhóm ký vào tuyên bố chung trên có các nhóm được phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động tại các mặt trận chính ở miền Bắc và Nam Syria.
Nga - Mỹ lại mâu thuẫn, nên tính phương án B?
Trước tình hình căng thẳng trên, Nga và Mỹ lại đang mâu thuẫn về chiến dịch chung tại Syria. Nga đề xuất các chiến dịch chung giữa không quân Nga và liên minh quốc tế; tuy nhiên, Mỹ bác bỏ đề xuất này.
Trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp Mỹ John Kerry ngày 24/5, hai bên cũng thảo luận về đề xuất của Nga liên quan tới việc tiến hành chiến dịch chung để đối phó với các nhóm phiến quân không tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Syria. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Washington sẽ không thảo luận về chiến dịch chung ở Syria với Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã kêu gọi Nga gây sức ép để Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng không kích nhằm vào lực lượng đối lập tại Aleppo và ngoại ô Damascus. Washington cũng hối thúc chính quyền Assad ngừng gây leo thang các cuộc tấn công nhằm vào Aleppo và Daraya, ngừng vây hãm các thị trấn cũng như cản đường tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Trong một diễn biến cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nói rằng: “Đáng lẽ chúng ta đã phải tính đến kế hoạch B từ trước. Việc lựa chọn một kế hoạch thay thế là hoàn toàn cần thiết với chế độ al-Assad. Nếu họ không đáp ứng được các yêu cầu của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể hành động”.
Ông al-Jubeir đưa ra tuyên bố trên trong các cuộc đàm phán của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria ở Vienna (Áo) nhằm chấm dứt xung đột tại Syria. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt được bước đột phá rõ rệt nào. Đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura nói rằng, ông chưa thể đưa phe Chính phủ Syria và nhóm đối lập quay trở lại bàn đàm phán hòa bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận