Triều Tiên hồi tháng 4 đã khai trương khu phố mới Ryomyong (Bình Minh) với nhiều tòa nhà chọc trời trong bối cảnh quốc gia này đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế |
Nhưng, Bình Nhưỡng vẫn có cách để xoay xở, thậm chí còn có kinh phí để xây dựng tòa phức hợp dân cư không thua kém phương Tây và vẫn duy trì các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, tên lửa với tần suất cao.
Sản xuất tại Triều Tiên, dán nhãn “Made in China”
Hơn 11 năm qua, Liên hợp quốc đã thực hiện 7 lần trừng phạt Triều Tiên, trong đó có lệnh cấm mọi hoạt động vận chuyển tiền mặt, nhưng vẫn có rất nhiều thương lộ thênh thang mở cửa với Triều Tiên, cho phép nước này kiếm tiền từ nước ngoài. Trong đó, giới ngoại giao ước tính, Triều Tiên đã kiếm 70 triệu USD từ bán quyền đánh bắt hải sản trong lãnh hải của nước này. Giới chức Hàn Quốc cho biết, nhiều công ty Trung Quốc đã trả tới hàng triệu USD để đánh bắt cá tại vùng biển Triều Tiên và số tiền đó được chuyển thẳng tới các công ty do quân đội Triều Tiên điều hành.
Không chỉ vậy, tờ New York Times dẫn lời nhiều nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 10.000 nhân công Triều Tiên được đưa ra nước ngoài làm việc và đã đóng góp tổng cộng 250 triệu USD/năm. Riêng tại Dandong (Trung Quốc), chính quyền địa phương cho biết, khoảng 10.000 người Triều Tiên đã được thuê làm việc trong các nhà máy may mặc, làm việc 12-14 giờ/ca và được nghỉ 2-4 ngày/tháng với mức lương tháng tối đa khoảng 260 USD.
Trên trang web chính thức, Phòng Thương mại Dandong nhận xét: “Lao động Triều Tiên rất kỷ luật và dễ quản lý. Không bao giờ có chuyện vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc can thiệp vào việc quản lý, không dùng bệnh tật để ì trệ công việc”.
Không chỉ vậy, nhiều hoạt động thương mại còn được điều chỉnh để né lệnh trừng phạt của LHQ. New York Times đã tìm hiểu câu chuyện lách luật thương mại qua nhân vật tên Lang, 33 tuổi một người chuyên kết nối kinh doanh giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong ngành may mặc. Công việc của cô là nhận đơn từ Nhật, châu Âu và các nơi khác tại Trung Quốc và thực hiện đơn hàng.
Với những đơn hàng hạn gấp hoặc nhiều chi tiết phức tạp, cô chuyển sang các nhà máy Trung Quốc tại Dandong (nơi hầu hết là công nhân Triều Tiên làm việc). Còn lại, cô chuyển đơn về Triều Tiên. Xong xuôi, họ gia công dán mác “Made in China” lên từng sản phẩm tại Trung Quốc để xuất ngoại.
Lỗ hổng trong lệnh trừng phạt
Cũng theo New York Times, về lý thuyết, việc Triều Tiên mở cửa rộng hơn để giao thương càng khiến nước này dễ bị tổn thương vì các lệnh trừng phạt từ LHQ hướng đến các mục tiêu mới và áp lực cao hơn.
Nhưng thực tế, từ các số liệu thương mại có thể thấy, mức độ hiệu quả của các lệnh trừng phạt trong việc hạn chế các nguồn tài chính hỗ trợ chương trình tên lửa, hạt nhân khá hạn chế. Kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên, chủ yếu với Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000 dù 3 năm gần đây bắt đầu suy giảm.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra dựa trên nguyên tắc: Tập trung vào các mục tiêu liên quan tới quân đội Triều Tiên, giới chức cấp cao và tránh gây tổn hại tới dân thường. Vì vậy, khi LHQ bàn để đưa ra các lệnh trừng phạt, Trung Quốc không bao giờ động chạm tới ngành may mặc và ngành công nghiệp hải sản với lý do những lệnh trừng phạt đó ảnh hưởng tới kế sinh nhai của người dân, chứ không phải quân đội.
Theo New York Times, một lỗ hổng khác trong các lệnh trừng phạt là lệnh cấm xuất khẩu từ Triều Tiên. Lệnh này chỉ yêu cầu lục soát tàu chở hàng tới Triều Tiên chứ không cấm Bình Nhưỡng dùng tàu dưới cờ của nước khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận