Xã hội

Tiếp dân phải là người có thẩm quyền

13/12/2017, 06:25

Theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, người tiếp công dân phải là người có thẩm quyền nhất định...

5

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Đó là ý kiến được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 12/12.

Đề cập đến Luật Thanh tra, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác thanh tra còn nhiều bất cập, trong đó có việc sau khi đã có kết luận, kiến nghị, yêu cầu xử lý của thanh tra nhưng không được cơ quan bị thanh tra, người bị thanh tra chấp hành nghiêm, làm cho kết luận thanh tra không được hiệu quả. Thậm chí, một vài năm sau kiểm tra thì báo cáo lại là kiểm điểm nghiêm nhưng không biết kiểm điểm đến đâu, kiểm điểm ai, kiểm điểm như thế nào?

Về Luật Tiếp công dân, Phó Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề quan trọng trong hoạt động của bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số đoàn dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài ngày càng gay gắt, chính quyền nhiều địa phương rất vất vả trong giải quyết. Có những vụ việc kéo dài rất lâu, mang tính bức xúc, gay gắt, chủ yếu liên quan đến thu hồi đất đai, GPMB, tái định cư.

Phó Thủ tướng cho rằng, xem lại thì đa số các trường hợp trước đây chúng ta giải quyết chưa thấu đáo, chưa hợp tình hợp lý, không đúng căn cứ pháp luật. Để chấn chỉnh những tồn tại trong công tác tiếp công dân, Phó Thủ tướng lưu ý cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác tiếp công dân theo quy định gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường tiếp công dân tại cơ sở, giải quyết ngay từ khi mới phát sinh từ cơ sở, không kéo dài để người dân không tin cấp cơ sở nên kéo ra các cơ quan T.Ư để khiếu nại tố cáo. “Lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm vận động, đối thoại để người dân không kéo về Hà Nội và tìm giải pháp xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài. Liên quan đến bộ, ngành thì bộ, ngành chịu trách nhiệm, địa phương thì chủ tịch UBND tỉnh trách nhiệm trước các vấn đề quản lý của mình”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, người tiếp công dân phải là người có thẩm quyền nhất định để giải quyết, nếu chỉ là người chuyển đơn, ghi nhận, báo cáo lại thì càng gây bức xúc cho người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.