ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu thảo luận |
Nhiều ĐBQH kiến nghị quy định việc giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức đã về hưu để tránh tình trạng “chuyến tàu vét cuối cùng” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
3 lý do thuyết phục để giải quyết
Góp ý vào dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đánh giá Luật Tố cáo (sửa đổi) cần có sự công bằng giữa quy định bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo. Bởi, thực tế cứ đến kỳ bầu cử, đại hội hay bổ nhiệm cán bộ, do động cơ “không thích thì đạp đổ”, nhiều người tố cáo viết đơn thư nặc danh làm hại người khác, nên cần có quy định bảo vệ người bị tố cáo khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Ông cũng nêu ra 3 lý do, để khẳng định sự cần thiết quy định xem xét, giải quyết tố cáo cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Thứ nhất, trong thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi nhiều cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu đã không vượt qua sự cám dỗ, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. “Vì thế mà báo chí mới có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, “ga cuối cùng” để thể hiện thực trạng đáng buồn đó”, ông Cầu nói và đặt câu hỏi: “Tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật không điều chỉnh?”.
Thứ hai, Luật Phòng chống tham nhũng (PTCN) năm 2005 cách đây 12 năm đã quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng: “Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”. Hiện nay, Luật PCTN sửa đổi vẫn xác lập nguyên tắc này, chẳng lẽ giờ triển khai ngược? Thứ ba, gần đây nhân dân cả nước vui mừng khi Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của quan chức đã về hưu, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn. “Đó là những căn cứ thuyết phục để quy định việc xử lý tố cáo người về hưu”, ông Cầu nói.
ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) nhấn mạnh, cán bộ bất kể là đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan. “Đây là bổ sung rất quan trọng, kịp thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, loại bỏ tư duy hạ cánh an toàn”, ông Khánh nói.
Đồng tình, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung quy định này. Theo ông Hòa, mặc dù Luật Công chức, viên chức chưa có quy định về việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu, nhưng nếu không qui định sẽ bỏ sót vi phạm, dễ dẫn đến “hạ cánh là an toàn”.
Các nước làm được, sao Việt Nam không làm được?
Thảo luận Dự thảo Luật An ninh mạng sáng cùng ngày, nhiều ĐBQH có quan điểm khác nhau khi thảo luận về quy định yêu cầu Google, Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam. ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, nhiệm vụ của Nhà nước phải quản lý loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế của Nhà nước. “Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì một nước cụ thể. Yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới thực hiện, sao Việt Nam lại không làm được?”, ĐB Cầu đặt câu hỏi.
ĐB Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng, việc quy định cấp giấy phép hoạt động đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam là phù hợp. Mục đích nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý cứng rắn, doanh nghiệp thiếu thiện chí, không hợp tác làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đánh giá việc này nếu thực hiện được sẽ rất tốt nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng, chống tội phạm, nhưng ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) chỉ ra thực tế các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ của họ trên toàn thế giới, không phải tại nước nào họ cũng đặt máy chủ. “Nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó thực hiện được, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ người dùng tại Việt Nam thì người dùng tại Việt Nam không thể sử dụng Google, Facebook với rất nhiều dịch vụ tiện ích. Điều này có thể làm kìm hãm sự phát triển”, ĐB phân tích và đề nghị hết sức cân nhắc quy định này.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận với quan điểm của ĐB Nguyễn Hữu Cầu và ĐB Triệu Tuấn Hải. Ông cho rằng, nếu chúng ta quản lý cứng nhắc thì không khéo hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Giải trình làm rõ hơn ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Luật Tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề cập đến tố cáo và giải quyết tố cáo đối với người đã chuyển công tác hay nghỉ hưu. Nhấn mạnh nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện và xử lý nghiêm, kể cả khi đang công tác hay đã về hưu, nhưng ông cho rằng, dự luật này chỉ quy định khái quát và quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tố cáo nên như vậy là bảo đảm toàn diện. Về hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đao và đảm bảo tính khả thi. Ngoài đảm bảo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo nhưng cũng hạn chế việc lạm dụng để gây rối. “Ví dụ, tố cáo qua điện thoại tràn lan sẽ gây khó khăn trong quá trình xác minh cũng như xử lý người tố cáo sai sự thật, có thể là kẽ hở bị lợi dụng gây mất ổn định trật tự an ninh - xã hội. Do đó, việc mở rộng hình thức cả thư điện tử, fax, điện thoại là khó khả thi”, ông Khái phân tích nhưng nói thêm, vì có nhiều ý kiến thảo luận ở hội trường đề nghị mở rộng nên cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ phối hợp cân nhắc kỹ. Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm: Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Luật An ninh mạng, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá tình hình an ninh trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, nhất là các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh mạng đã và đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam. Các thế lực trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng không gian mạng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, uy hiếp tới sự an toàn của chế độ và Nhà nước cũng như cuộc sống bình yên của mọi người dân. Vì thế, nếu Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an, quân đội, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet của Việt Nam. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận