Cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh do TEDI thiết kế |
Bước ngoặt lớn sau cổ phần hóa
Hôm nay (27/12), tròn 55 năm hình thành và phát triển của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI - CTCP).
TEDI tiền thân là Viện Thiết kế, được thành lập từ năm 1962 trên cơ sở hợp nhất Viện Thiết kế thủy bộ và Viện Thiết kế đường sắt với 3 chức năng chính là sản xuất, tham mưu và nghiên cứu KHKT. Trong 55 năm hình thành phát triển, TEDI đã nhiều lần đổi mới để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ phát triển và tiến trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trong từng giai đoạn của Nhà nước. Từ Viện Thiết kế đến Công ty Khảo sát thiết kế, Tổng công ty 90, Công ty mẹ - Tổng công ty, Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước và đến nay là công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh, dù ở mô hình tổ chức nào, TEDI cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị tư vấn đầu ngành của Bộ GTVT.
Ngày 3/6/2014 là bước ngoặt quan trọng, TEDI hoàn thành công tác cổ phần hóa, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tiếp đó, ngày 18/5/2016, TEDI hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước, chính thức trở thành công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh. Với sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của tập thể lãnh đạo và người lao động, tổng công ty đã vượt qua những khó khăn thách thức ban đầu khi chuyển đổi mô hình. Kết quả sản xuất kinh doanh đã ổn định và có những bước tiến lớn kể từ sau cổ phần hóa đến nay. Sản lượng, doanh thu, lợi nhuận cũng như thu nhập của người lao động luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%/năm.
Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất đã cán đích 900 tỷ đồng, năm 2017 ước đạt 910 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2013 là năm trước cổ phần hóa; Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 12 triệu đồng/người/năm; Cổ tức hai năm liên tục đạt 2.000 đồng/cổ phần. Đây chính là những con số ghi nhận thành công của công tác cổ phần hóa tổng công ty, đáp ứng kỳ vọng của Đảng - Nhà nước trong chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Đạt được những kết quả nói trên là nhờ TEDI luôn đi trước một bước trong phát triển khoa học công nghệ, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy truyền thống văn hóa TEDI và kiên định chiến lược phát triển đã được các thế hệ lãnh đạo đi trước đặt ra.
QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới do TEDI khảo sát thiết kế |
Tiên phong phát triển công nghệ
Là đơn vị thiết kế - tư vấn đầu ngành về hạ tầng giao thông, sau khi cổ phần hóa, TEDI vẫn tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong trong việc phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến thế giới vào các công trình giao thông của Việt Nam; đặc biệt chú trọng phát triển về kết cấu, kiến trúc mỹ thuật, cảnh quan, môi trường... phù hợp với chiến lược phát triển giao thông bền vững do Bộ GTVT đề ra.
Ở lĩnh vực cầu đường bộ, không dừng lại ở những kỷ lục đã được ghi nhận, trong 4 năm qua, TEDI tiếp tục có thêm hàng loạt kỷ lục mới: Nút giao thông ngã ba Huế (Đà Nẵng) - nút giao lập thể gồm 3 tầng, trong đó tầng 3 là cầu dây văng; cầu Bắc Luân II - cây cầu hữu nghị nối liền hai nước Việt Nam - Trung Quốc vừa được khánh thành 13/9/2017 có cầu vòm bê tông khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam (105m); cầu Bạch Đằng đang thi công được ghi nhận là cầu dây văng bê tông nhiều nhịp nhất với 4 nhịp liên tục (110+240+240+110m; cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) đang thi công có cầu vòm ống thép nhồi bê tông có khẩu độ nhịp lớn nhất (200m); cầu Tân Vũ - Lạch Huyện - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (5,44km) vừa được khánh thành… TEDI cũng là đơn vị chủ động đưa ra giải pháp cầu vượt thép với nhiều cải tiến kỹ thuật nhằm đáp ứng mục tiêu thi công nhanh nhất, nhẹ nhất và hiệu quả nhất, giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Các dấu mốc trên chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển - Ngày 27/12/1962, Viện Thiết kế được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện Thiết kế Thủy bộ và Viện Thiết kế đường sắt. - Năm 1975, Viện Thiết kế được đổi tên thành Viện Thiết kế giao thông. - Năm 1982, Viện Thiết kế giao thông được đổi tên thành Viện Thiết kế GTVT. - Năm 1993, Viện Thiết kế GTVT được đổi tên thành Công ty Khảo sát thiết kế GTVT. - Năm 1995, Công ty Khảo sát thiết kế GTVT được đổi tên thành Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) với 5 đơn vị thành viên. - Năm 2004, TEDI tiế n hành cổ phần các công ty thành viên, tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. - Ngày 3/6/2014, TEDI hoàn thành công tác cổ phần hóa, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP. |
Trong công nghệ khảo sát thiết kế hầm, TEDI đã được Hiệp hội giải thưởng kỹ thuật toàn cầu Hoa Kỳ tặng Giải thưởng về Kỹ thuật và Công nghệ cho công trình Hầm đèo Hải Vân; làm chủ và thực hiện khảo sát thiết kế thành công hầm đường bộ Đèo Ngang, hầm Phú Gia - Phước Tượng và mới đây là hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả vừa được thông xe toàn tuyến.
Ở lĩnh vực đường bộ, TEDI cũng là đơn vị lập dự án và thiết kế nhiều tuyến đường ô tô cao tốc hiện nay như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hạ Long - Vân Đồn, Thái Nguyên - Chợ Mới… Đặc biệt, năm 2017, TEDI đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam trình Bộ GTVT và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng kinh tế.
Trong lĩnh vực mới như đường sắt đô thị, TEDI cũng tham gia lập dự án, khảo sát, thiết kế các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với phương châm tiếp cận và học hỏi công nghệ ở các tổ chức tư vấn quốc tế, tạo nền tảng cho quá trình phát triển lâu dài, hướng tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. TEDI đã được lựa chọn là tư vấn đứng đầu liên danh dự án lập và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Song song với công tác tư vấn thiết kế, TEDI cũng đã tích cực triển khai các đồ án quy hoạch giao thông Quốc gia, quy hoạch giao thông đô thị với hàng loạt các đồ án đã hoàn thành gần đây như: Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch GTVT TP Đà Nẵng; Quy hoạch cảng biển Nhóm I, II,...
Ngành Cảng - đường thủy, TEDI tiếp tục giữ vững vị trí TOP đầu với nhiều công trình cảng lớn suốt dọc bờ biển đất nước như: Cảng Lạch Huyện - cảng lớn nhất khu vực miền Bắc cho tàu container 10 vạn DWT; Cảng Nghi Sơn cho tàu nhập than, dầu 20 vạn DWT phục vụ khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; cảng container CMIT cho tàu 20 vạn DWT; Đê chắn sóng Vũng Áng, Chân Mây, Sông Hậu, Tiên Sa...; Cảng than Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch tàu 10 vạn DWT; cảng xuất xi măng Nhà máy xi măng Cẩm Phả...
Trong tất cả các công trình TEDI tham gia tư vấn, thiết kế, không chỉ đảm bảo an toàn, bền vững, mà còn đáp ứng những yêu cầu về kết cấu độc đáo, kiến trúc ấn tượng, hài hòa với cảnh quan, biểu tượng của địa phương. Nhiều công trình của TEDI được tuyển chọn kiến trúc đã và đang triển khai đầu tư như cầu khu lấn biển Kiên Giang, cầu Hoàng Văn Thụ (TP Hải Phòng), cầu Trần Hoàng Na (Cần Thơ), cầu qua sông Hiếu (TP Đông Hà). TEDI đã tham gia nhiều cuộc thi kiến trúc các cầu và giành nhiều giải thưởng cao như cầu trên đường Nguyễn Hoàng (qua sông Hương - TP Huế), cầu Phật Tích qua sông Đuống (Bắc Ninh)...
Để đạt được những thành tựu trên, ngoài yếu tố then chốt là con người, còn là sự đầu tư có chiều sâu trong việc mua sắm các phần mềm khảo sát thiết kế, hệ thống thiết bị hiện đại cho mỗi chuyên ngành. Tại TEDI, các phần mềm thiết kế được sử dụng đều có bản quyền, đang chuyển đổi thiết kế 2D sang thiết kế 3D để kiểm soát tốt nhất chất lượng thiết kế, hướng tới quản lý dự án theo mô hình BIM. Các thiết bị hiện đại cho phòng thí nghiệm, quan trắc môi trường, thiết bị phục vụ cho các công nghệ khảo sát thiết kế mới cũng được trang bị, như thiết bị cắt cánh hiện trường GEONOR-H70 (Anh Quốc), thiết bị CBR hiện trường (Ý), cần đo võng Benkenman (Anh Quốc và Ý), thiết bị ép nước trong lỗ khoan, thiết bị nén 3 trục với 3 buồng hoạt động tự động và song song (Anh Quốc), thiết bị nén cố kết cao áp (Anh Quốc)... đảm bảo chất lượng số liệu thí nghiệm.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp
Vấn đề mang tính cốt lõi đối với TEDI đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây chính là tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp tư vấn. Chúng ta có lực lượng lao động trên 1.800 người với cơ cấu lao động chất lượng cao, xấp xỉ 90% có trình độ đại học và trên đại học; trên 60% đảm nhận được chức danh chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế và khoảng 10% đảm nhận được chức danh chủ nhiệm tổng thể, chủ nhiệm dự án.
Có thể nói, đây là lực lượng tư vấn tinh nhuệ, quan trọng không chỉ của TEDI mà của cả ngành GTVT, đáp ứng được yêu cầu phát triển hạ tầng GTVT đất nước đối với dự án lớn, khó khăn, phức tạp. Để làm được điều này, không thể không kể đến việc TEDI đã hoàn chỉnh được hệ thống chức danh, quy chế tiền lương tiền thưởng đảm bảo thu hút và giữ được nhân tài, khuyến khích động viên người lao động giỏi; tạo mọi điều kiện để người lao động phấn đấu cống hiến và phát triển.
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ - Danh hiệu Anh hùng Lao động (2013) - Huân chương Hồ Chí Minh (2007) - Huân chương Độc lập: + 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2002) + 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì (1997, 2007) + 2 Huân chương Độc lập hạng Ba (1987, 2007) - Huân chương Độc lập hạng Nhất của CHDCND Lào (2015) - Huân chương Lao động hạng Nhì của Hoàng gia Campuchia về đóng góp cho sự phát triển GTVT giữa hai nước Việt Nam & Campuchia (2015) |
Quá trình 55 năm hình thành và phát triển, TEDI cũng hình thành được cho mình nét văn hóa riêng. Đó là truyền thống đoàn kết, môi trường làm việc thuận hòa, hướng tới cộng đồng và đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội sau cổ phần hóa vẫn được duy trì mạnh mẽ và hiệu quả.
Trong mô hình hoạt động mới, Hội đồng quản trị đã phối hợp với Đảng ủy tổng công ty ký quy chế phối hợp làm việc. Đảng ủy tổng công ty đã thống nhất nhiều chủ trương phù hợp với tình hình mới, nổi bật là: Cán bộ đảng, đoàn thể chuyển từ chế độ chuyên trách sang làm việc theo chế độ kiêm nhiệm công tác đoàn thể; Nhất thể hóa chức danh người đứng đầu doanh nghiệp đồng thời là Bí thư cấp ủy - 100% nhân sự giữ chức danh Bí thư cấp ủy các công ty cổ phần thuộc tổng công ty là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc công ty; thực hiện cơ chế “2 trong 1” đối với nhân sự giữ chức danh chủ chốt của tổ chức đảng, đoàn thể tổng công ty, từ đó, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, người lao động thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể công ty mẹ đóng vai trò quan trọng và là lực lượng nòng cốt, thúc đẩy các phong trào hoạt động chung của tổ chức Đảng, đoàn thể toàn tổng công ty. Sau 4 năm cổ phần hóa, các tổ chức Đảng - Công đoàn - Đoàn thanh niên TEDI vẫn tiếp tục được cấp trên ghi nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên xuất sắc toàn diện.
Bên cạnh những hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp, truyền thống vì cộng đồng cũng được người lao động TEDI luôn luôn nuôi giữ, duy trì nét đẹp của TEDI: Các Quỹ từ thiện được mở rộng để kịp thời ủng hộ tiền, hiện vật, công cụ lao động cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, các vùng bị bão lụt, thiên tai, biển đảo; Người TEDI cũng tình nguyện tham gia khảo sát thiết kế nhiều công trình công ích như: Dự án đầu tư đường lên Đền Thượng núi Tản Viên, Đền thờ Bác Hồ; Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, lập thiết kế điển hình cho 186 cầu treo dân sinh.
Chiến lược rõ ràng, tương lai rộng mở
Sau rất nhiều năm bị hạn chế tham gia đấu thầu các dự án có nguồn vốn nước ngoài do quy định của các tổ chức cho vay quốc tế, ngay sau khi hoàn thành cổ phần hóa, TEDI đã tập trung khôi phục lại mảng thị trường đầy tiềm năng này. Từ năm 2015 đến nay, TEDI đã ký nhiều hợp đồng trực tiếp với JICA thực hiện các nghiên cứu giúp JICA xem xét đầu tư một số dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, môi trường nước, logistics; TEDI cũng đang tích cực tham gia đấu thầu các dự án của ADB, WB và thu được kết quả tích cực.
Trong mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, TEDI vinh dự được Bộ GTVT hai nước giao nhiệm vụ tham mưu, hỗ trợ và triển khai phần lớn các dự án trong lĩnh vực GTVT tại Lào. TEDI được giao lập đề án kết nối giao thông bao gồm cả kết nối đường cao tốc và tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào, đề án đã được Đảng, Chính phủ hai nước đánh giá cao và chuyển đổi thành Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn cũng đã được TEDI nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ hai nước và cơ bản được thông qua tại “Thoả thuận về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn”. Các dự án hợp tác đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTVT tại Lào TEDI cũng đều tham gia thực hiện và tham mưu thực hiện cụ thể là QL18B; QL2E đoạn Mường Khoa - Tây Trang; Tuyến đường Xăm Tạy - Tha Lấu, tuyến đường từ Phu - Thít - Phờng tỉnh Luông-Pra-Băng đi Na Son, Lào giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên...
Có thể nói, truyền thống TEDI trong 55 qua vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển. Sau 4 năm cổ phần hóa, chúng ta đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Thế hệ kỹ sư TEDI hôm nay vẫn tiếp bước những thế hệ đi trước, thông minh và sáng tạo, tự tin ứng dụng khoa học công nghệ mới; đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước, xứng đáng với truyền thống: “Đi trước mở đường - Dũng cảm kiên cường - Thông minh sáng tạo”.
Trong giai đoạn 2017 - 2026, Hội đồng quản trị đã thông qua một bản chiến lược, xác định hướng phát triển của tổng công ty trong thời gian tới. Theo đó, TEDI khẳng định sứ mệnh “Khởi tạo giá trị bền vững của mỗi công trình xây dựng”. Sứ mệnh này là lời cam kết cao nhất về việc TEDI tiếp tục với ngành nghề truyền thống của mình - tư vấn xây dựng và cam kết với xã hội về trách nhiệm xây dựng những công trình bền vững cho đất nước.
TEDI cũng xác định giá trị cốt lõi của mình: “Độc lập - Sáng tạo - Trung thực - Trách nhiệm”, thể hiện cam kết của người kỹ sư tư vấn, lấy đạo đức người kỹ sư tư vấn để hoàn thành sứ mệnh, mang đến cho xã hội những công trình chất lượng cao nhất, kết cấu độc đáo, kiến trúc ấn tượng, hài hòa với cảnh quan, bảo vệ môi trường và bền vững với thời gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận