Trong khi hoạt động của các đội, nhóm thiện nguyện khó khăn hơn trước do các quy định phòng chống dịch khắt khe hơn, việc kịp thời hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể các cấp lúc này trở nên cần thiết hơn khi nào hết để mọi người có thể an tâm “ai ở đâu, ở yên đó”.
Và quan trọng hơn, nhiều người nghèo sẽ không có cảm giác bị “bỏ rơi”.
Theo Ủy ban MTTQ TP HCM, đến nay đã có hơn 370.000 người khó khăn trên địa bàn được nhận tiền hỗ trợ với tổng số 578 tỷ đồng (Trong ảnh: Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM trao quà và tiền hỗ trợ cho gia đình bà Lê Thị Hồng Vân, ngụ A23/10 Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8). Ảnh: Nguyên Hằng
Nghẹn ngào khi nhận quà hỗ trợ
Cầm trên tay phần quà hỗ trợ gồm gạo, trứng, đường từ tay cán bộ phường, bà Lê Thị Hồng Vân, một hộ khó khăn ngụ A23/10 Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8, nghẹn ngào nói lời cảm ơn.
Chồng bà vốn làm phụ hồ, còn bà ở nhà kết hạt cườm gia công kiếm thêm chút tiền nuôi hai con ăn học. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, dịch bệnh hoành hành, hai vợ chồng đều không có việc làm, mọi tích lũy từ trước đến nay đã dần cạn kiệt.
Tương tự, tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, khi thấy chúng tôi cùng cán bộ phường tới, người dân trong khu nhà trọ thò đầu ra cửa vẫy tay. Họ biết cán bộ phường đến chuyển quà hỗ trợ nên ai cũng rất phấn khởi.
Về kết quả hỗ trợ đợt 1, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, đến nay TP đã thực hiện hỗ trợ nhóm lao động hoãn việc hoặc nghỉ việc không lương đạt 92% (52.000/56.000 công nhân, người lao động); hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động theo Chỉ thị 16 là 5.800/5.800 hộ (đạt 100%); hộ thương nhân ở các chợ truyền thống trên địa bàn quận, huyện 15.000/16.500 trường hợp (đạt 90%), lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động 365.394 (đạt 100%) với kinh phí 576 tỷ đồng.
Cũng có hoàn cảnh gần giống với bà Vân, bà Trần Thị Tuyết (51 tuổi), quê Quảng Ngãi, một người sống trong xóm trọ cho hay: “Tôi và chồng cùng làm thợ hồ, nhưng đã thất nghiệp hai tháng nay, hai đứa con cũng đang tuổi ăn tuổi học. Thời gian qua cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng cũng chẳng biết trông vào đâu nữa. Được Nhà nước hỗ trợ lần này, chúng tôi cảm động vô cùng”.
Một cư dân khác trong xóm trọ là ông Đào Tấn Mạnh, vốn hành nghề chạy xe ôm. Do thành phố siết chặt quy định phòng chống dịch, hơn một tháng qua ông đã phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập.
Dù chủ trọ có giảm tiền thuê nhà nhưng nhu cầu ăn uống hàng ngày thì không thể không chi, vì thế khoản tích cóp từ trước tới nay của ông cứ vơi dần.
Cầm trên tay 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, ông rưng rưng: “Chỉ mong sao dịch bệnh qua mau, để những người như chúng tôi sớm được đi làm, có thu nhập...”.
Bà Vân, bà Tuyết, ông Mạnh là 3 trong số hàng trăm nghìn lao động nghèo trên địa bàn TP.HCM được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội đợt 2. Trước đó, TP đã chi gói hỗi trợ 886 tỷ đồng và số tiền từ gói hỗ trợ từ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ cho các đối tượng người nghèo, lao động mất việc theo duy định.
Vào từng hẻm nhỏ trao tiền, quà
Ngay sau khi triển khai gói an sinh xã hội đợt 2 (từ ngày 5/8), Ủy ban MTTQ TP.HCM đã chuyển tiền, hàng hóa để các địa phương kịp thời chuyển tới đúng đối tượng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, địa phương có gần 194.000 người là công nhân, người lao động, hộ gia đình khó khăn cần hỗ trợ. Đến nay, thành phố đã chi hỗ trợ hơn 54 tỷ đồng cho 37.000 công nhân lao động nghèo.
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp, có 11.000 đơn vị với 2.300.000 công nhân, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất có 102 đơn vị với tổng kinh phí 218 triệu đồng cho 22.300 công nhân.
Đối với các trường hợp người ở trọ, người khó khăn đột xuất, Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức đã đề xuất chi quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ các gói lương thực, thực phẩm với số tiền trên 33,5 tỷ đồng.
Tại quận 11, suốt tuần qua, tại các phường 1, 9, 10, 11... đều khẩn trương cho công tác hỗ trợ cho người khó khăn bên cạnh việc phòng chống dịch.
Thành viên các tổ công tác đi vào các hẻm, nhà trọ, khu dân cư cùng phối hợp với tổ trưởng dân phố đến tận nhà để thống kê danh sách. Sau đó, gửi lên quận xét duyệt hồ sơ, rút tiền và chi trả hỗ trợ cho người dân trong khoảng 3 - 5 ngày.
“Người dân nghèo đang mong chờ tiền hỗ trợ từng phút. Chúng tôi ý thức được điều đó nên triển khai mọi việc rất khẩn trương”, bà Nguyễn Thị An, thành viên tổ công tác phường 11 chia sẻ.
Tại quận 12, đến nay, quận đã hoàn thành chi trả 100% theo kế hoạch đối với gói hỗ trợ đợt 1. Ở phường Trung Mỹ Tây, nơi có rất đông công nhân, lao động tự do nghèo, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó chủ tịch UBND phường cho biết: “Những khu vực bị phong tỏa, phường cắt cử người xuống đứng ngoài và mời bà con ra nhận tiền hỗ trợ. Ngoài tiền trợ cấp theo quy định, phường tặng thêm nhu yếu phẩm như gạo, mì, trứng...”.
Ở hầu hết các phường của quận Gò Vấp, PV cũng ghi nhận được tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền và các tổ công tác. Người lao động nghèo ở đan xen trong các dãy nhà trọ hay ở sâu trong các hẻm nhỏ đều được trao tiền tận tay.
Ở quận Bình Thạnh, các tổ công tác còn phối hợp với các khu cách ly, phong tỏa để trao tiền trực tiếp. Quận cũng tạm ứng hơn 500 triệu đồng để chi trả cho người dân. Các quận Tân Phú, Tân Bình thậm chí lập những điểm dã chiến ở các khu phố để trao tiền cho người dân một cách nhanh nhất.
Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch UBND quận 11 cho biết, đến thời điểm này nhóm lao động tự do trong quận đã được chi trả, hoàn thành 100% kế hoạch. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp phát sinh, quận đã chỉ đạo 16 phường rà soát để xem xét đề xuất chi. Hiện, quận đã chi hỗ trợ thêm hơn 2.000 trường hợp.
Theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, đến nay đã có hơn 370.000 người khó khăn được nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền 578 tỷ đồng. Hầu hết đối tượng khó khăn đều được hỗ trợ với tinh thần “không ai bị thiếu đói, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc chi hỗ trợ theo nguyên tắc không trùng lắp, không bỏ sót. Tuy nhiên, theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, thực tế vẫn có thể có người nghèo bị “lọt sổ”. Với những trường hợp này, các quận, huyện cần sớm đề xuất bổ sung. Những người trong diện được hỗ trợ nhưng bị sót lọt có thể điện thoại phản ánh đến Tổng đài 1022.
“Chậm một chút, dân khổ thêm một chút”
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM trao quà hỗ trợ cho người dân quận 8
Tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ngày 10/8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM yêu cầu các địa phương phải tính toán để người dân được nhận gói hỗ trợ đợt 2 trước ngày 15/8.
Theo đó, kinh phí hỗ trợ đợt 2 khoảng 900 tỷ đồng cho 3 nhóm đối tượng: Lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động (365.000 người, hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng); hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP (tổng số 90.585 hộ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng, trong đó tiền mặt 1,2 triệu đồng và 1 phần quà trị giá 300.000 đồng); lao động ở các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo trong khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn (174.000 hộ, hỗ trợ mỗi hộ 1,5 triệu đồng).
Về chính sách cho vay để trả lương cho người lao động, có 44 doanh nghiệp vay để trả lương cho 9.600 công nhân với kinh phí 75 tỷ đồng; hỗ trợ cho 6.000 hướng dẫn viên du lịch với kinh phí trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ cho đạo diễn, diễn viên 139/139 người với kinh phí trên 500 triệu đồng.
Nhóm lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động sẽ thực hiện tương tự đợt hỗ trợ lần 1, phải có đăng ký tạm trú như đợt 1 và do hội đồng xã, phường họp xét.
“Chính sách này yêu cầu sự nỗ lực hết sức của các phường, xã trong thời gian giãn cách. Với đợt hỗ trợ này, không chỉ lao động nghèo như cắt tóc, xe ôm… mà những hộ dân đang sinh sống trong nhà trọ nhưng thực sự khó khăn sẽ được giải quyết. Hộ dân sinh sống tại khu nhà trọ sẽ không phân biệt tạm trú, thường trú”, ông Tấn nói.
Theo đó, ngoài 365.000 lao động tự do được chi hỗ trợ đợt 1 tiếp tục nhận được hỗ trợ đợt 2 thì số hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động khó khăn trong các khu nhà trọ dự kiến khoảng 265.000 hộ.
“Tiền Sở Tài chính chi về, nơi nào chưa về kịp thì phải ứng trước để chi. Chậm một chút dân khổ một chút, sớm một chút dân sướng một chút”, ông Tấn nói và cho biết, tiền sẽ được chuyển qua tài khoản cá nhân hoặc nếu không có tài khoản thì sẽ đến trực tiếp từng nhà hỗ trợ bà con và bảo đảm không sót, không trùng.
Đồng thời, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo có từ 3 nhân khẩu trở lên, hộ lao động có từ 3 người trở lên hỗ trợ trước. Riêng chính sách đối với người không may tử vong do dịch Covid-19, TP sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí từ ngân sách TP, theo đó sẽ hưởng mức 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng (18 triệu/người bị tử vong).
Hỗ trợ TP.HCM hàng trăm tấn thực phẩm
Ủy ban MTTQ TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, TP đón nhận nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các địa phương hỗ trợ công tác phòng chống dịch và lương thực, thực phẩm. Trong đó có 50 tấn gạo, bí đỏ, trứng, nước trái cây từ tỉnh Hà Nam; 110 tấn rau, củ, quả các loại từ An Giang; 62 container hàng hóa từ Thanh Hóa… và rất nhiều hàng hóa từ các tỉnh, thành khác, trị giá 178 tỷ đồng và trên 43 tỷ đồng tiền mặt.
Trước đó, ngày 4/8, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trung tâm này đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, địa chỉ tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1.
Theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, hiện có rất nhiều đội, nhóm làm thiện nguyện giúp dân. Việc hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo là đáng quý, song do tình hình phức tạp, cách làm tự phát sẽ dễ lây lan dịch bệnh. Vì thế, nếu người dân muốn đóng góp hỗ trợ người nghèo, có thể đóng góp qua Ủy ban MTTQ TP hoặc MTTQ các quận huyện, phường xã.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận