Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi thăm bà con vùng lũ ở Bình Định ngày 21/12/2016. Ảnh: Zing.vn |
Một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ liêm chính, hành động, một Chính phủ phục vụ và biết lắng nghe, thấu hiểu và một Chính phủ gần dân.
Khi Chính phủ mới nhận nhiệm vụ, Thủ tướng đã phát đi thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo. Cụm từ “kiến tạo” bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Một Chính phủ kiến tạo phải là một Chính phủ liêm chính, hành động, một Chính phủ phục vụ và biết lắng nghe, thấu hiểu và một Chính phủ gần dân.
Quãng thời gian một năm là còn quá ít để đánh giá được hiệu quả của một chủ trương hay chính sách, nhưng những bước đi, những việc làm trong thời gian qua thể hiện Thủ tướng và Chính phủ đã gắn lời nói với hành động, tạo được niềm tin cho xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Để đạt được những kết quả mong muốn, điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để tinh thần của “kiến tạo” được lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành với mức độ mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Tinh thần này phải được coi là động lực của phát triển.
Trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2016 là điều mà không ai trong mỗi chúng ta mong đợi.
Tôi cho rằng, dư địa tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều. Vì vậy, tới đây ta cần huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao hơn cùng kỳ năm trước để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước mới đạt 32% và giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ mới đạt 23% kế hoạch. Do vậy, nếu trong 6 tháng cuối năm hoàn thành kế hoạch giải ngân 2 nguồn vốn này thì sẽ góp phần tăng trưởng cao hơn.
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Chính phủ có lẽ rất muốn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao để tạo đà cho các năm sau, nhưng chính Chính phủ cũng đã khẳng định quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá. Vì thế, mới có những chỉ đạo quyết liệt về loại bỏ, tháo gỡ rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng phải nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình, dự án. Đồng thời, giao bộ, ngành và các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường.
Hiện nay, Chính phủ đang phải nỗ lực giải quyết dứt điểm hậu quả của những dự án đầu tư không hiệu quả, nhưng quan trọng hơn cả làm sao tránh được những “vết xe đổ” ấy. Muốn như vậy, ta phải có cơ chế quản lý, kiểm soát thật chặt chẽ. Chúng ta có hệ thống pháp luật khá đầy đủ nhưng mấu chốt lại nằm ở quá trình thực thi do đội ngũ cán bộ trong bộ máy Nhà nước thực hiện. Nếu tinh thần kiến tạo được thấm nhuần sâu sắc vào mỗi công bộc của dân, tôi tin rằng, nền kinh tế của đất nước sẽ có những chuyển biến tích cực.
Phùng Văn Hùng
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận