Bạn cần biết

Tiếp tục làm rõ vụ thiếu úy tử vong do uống nhầm ma túy

10/10/2018, 13:51

Bộ Y tế đã tiếp nhận đơn cầu cứu của mẹ thiếu úy và có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long.

IMG_9202

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nơi xảy ra sự việc

Liên quan vụ thiếu úy Nguyễn Đức Đạt (26 tuổi), công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy Công an huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) tử vong do uống nhầm ma túy, theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Yêu cầu làm rõ.

Theo đó, ngày 27/9, Thanh tra Bộ Y tế tiếp nhận đơn của bà Trần Thị Xuân Tươi (ngụ phường 9, TP Vĩnh Long), mẹ của  Đạt. Sau khi xem xét nội dung đơn, Thanh tra Bộ Y tế quyết định chuyển đơn của bà Tươi đến Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu  Sở có kết quả trả lời cho bà Tươi và thông báo bằng văn bản cho Thanh tra Bộ.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 13/7, Đạt cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ truy bắt các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy tại ấp Phước Trinh. Sau khi khống chế được các đối tượng và đưa lên ô tô chuyển đi, cảnh sát này hỏi gia đình xin nước uống và cầm luôn ca đựng nước (để gần bình nước lọc) uống.

Sau đó, cảm thấy trong người khác thường, anh Đạt được gia đình và đồng đội đưa đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.

Tại đây, bác sĩ trực cấp cứu đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tâm thần vì không có chuyên khoa về tâm thần.

Sau khi người nhà chuyển đến Bệnh viện tâm thần, anh Đạt đã tử vong.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, kết quả giám định chất lỏng mà thiếu uý Đạt uống trong ca là ma tuý là loại methamphetamine (ma tuý đá) thể tích 500 ml, khối lượng methamphetamine trong 500 ml hơn 10 gram. Nguyên nhân tử vong của thiếu uý Đạt do ngộ độc chất ma tuý methamphetamine.

Gia đình anh Đạt bức xúc vì cho rằng các bác sĩ trực cấp cứu đã thiếu trách nhiệm trong quá trình cấp cứu dẫn đến cái chết của anh.

Sau khi tiếp nhận thông tin Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo thành lập Hội đồng chuyên môn làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan.

Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn cho rằng, nhân viên trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn: chưa khai thác bệnh sử và thăm khám đầy đủ nên chẩn đoán ban đầu còn chủ quan, vội vàng do hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ trực (trường hợp này là một ca khó loại trừ về cấp cứu tâm thần). Kết luận cũng nêu bác sĩ không có biểu hiện thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, không đồng tình với kết luận này, bà Tươi đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ Trưởng Bộ Y tế.

Trong đơn, bà Tươi nêu “Đạt được Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long tặng nhiều bằng khen. Trong quá trình công tác, Đạt luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…Tuy nhiên, chính sự thờ ơ, nhẫn tâm và vô trách nhiệm của người trực là bác sĩ Nguyễn Phong Tuấn đã khiến tôi mất một đứa con”.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã điều chuyển công tác đối với bác sĩ Nguyễn Phong Tuấn, người trực cấp cứu hôm xảy ra vụ việc. Bác sĩ Tuấn bị chuyển về phòng hành chính, không được làm công tác chuyên môn vào thời điểm này. Đồng thời bác sĩ này còn chịu kỷ luật khiển trách; ca trực cấp cứu tối đó bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.