Đường bộ

Tiếp tục tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải

24/10/2024, 06:00

Nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng trưởng hiệu quả.

Sản lượng vận tải tăng trưởng mạnh

Tại báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Bộ GTVT cho biết đang tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, Bộ GTVT đã rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vận tải, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tiếp tục thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu thị phần vận tải bảo đảm hài hòa, hợp lý.

Tiếp tục tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải- Ảnh 1.

Sản lượng vận tải hàng hoá và hành khách tăng trưởng hiệu quả trong 9 tháng đầu năm 2024 (ảnh minh hoạ).

Nhờ đó, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách đều tăng trưởng hiệu quả. Cụ thể, hoạt động vận tải đường bộ cơ bản ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động vận tải hàng không tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, vận chuyển hàng không quốc tế dần hồi phục với hơn 61 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác 147 đường bay quốc tế kết nối với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hoạt động vận tải đường sắt có nhiều đổi mới, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đã thiết lập 1 ga liên vận quốc tế mới tại ga Kép tỉnh Bắc Giang để mở ra một cửa khẩu quốc tế trong nội địa và mở nhiều đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), ga Yên Viên (thành phố Hà Nội) đi Trung Quốc.

Hoạt động vận tải hàng hải, đường thủy nội địa được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển, thủy nội địa; nghiên cứu thay thế tuyến vận tải truyền thống kết nối hàng hóa từ các khu công nghiệp, cảng cạn, ICD đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm rút ngắn khoảng cách và giảm thời gian chạy tàu khoảng 3 giờ, góp phần giảm chi phí logistics.

Theo thống kê, sản lượng vận tải hàng hóa 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.917 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Về tỷ lệ tăng trưởng, vận tải hàng không tăng 40,9%, đường bộ tăng 14,7%, đường thủy tăng 9,4%, đường biển tăng 16,1%, đường sắt tăng 5,9%.

Sản lượng vận chuyển hành khách 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.660 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ tăng trưởng lĩnh vực hàng không giảm 5,9%; đường biển tăng 7,6%; đường sắt tăng 17,8%; đường bộ tăng 7,5%; đường thủy tăng 9,3%.

Tiếp tục tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải- Ảnh 2.

Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, kết nối các phương thức vận tải (ảnh minh hoạ).

Tái cơ cấu, phát triển vận tải đa phương thức

Theo Bộ GTVT, để phát triển thị trường vận tải trên cơ sở lợi thế của từng phương thức vận tải, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, logistics, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Hiện nay, các đơn vị của Bộ đang bám sát các quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt, cũng như chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và của Bộ GTVT để xây dựng đề án làm căn cứ phê duyệt triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách về vận tải, logistics để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao cho hoạt động vận tải.

Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng vận tải; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, kết nối các phương thức vận tải; bảo đảm hạ tầng giao thông đường bộ kết nối hiệu quả đồng bộ với các cảng biển, cảng thuỷ nội địa lớn.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành trên nền tảng khung Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.