Ngày 25/4, Bộ GD&ĐT có công văn giao nhiệm vụ cho các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên phối hợp với các Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo đúng quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.
Các Sở GD&ĐT; Sở Giáo dục, khoa học và công nghệ tỉnh Bạc Liêu chủ trì cụm thi phối hợp với các trường tổ chức in sao đề thi, coi, chấm thi và thông báo kết quả thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp và báo cáo kết quả về Bộ.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tăng cường một số giải pháp kỹ thuật để phòng, chống gian lận trong tất cả các khâu của Kỳ thi từ việc sắp xếp phòng thi, in sao đề thi, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi, coi thi, nhất là ở khâu chấm thi.
Theo đó, việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ do các trường ĐH chủ trì với phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp theo hướng tăng cường khâu bảo mật để phòng ngừa, phát hiện các gian lận.
Tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của thí sinh từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến có độ tin cậy và bảo mật cao; người dùng không thể nhìn được toàn bộ ảnh quét và không thể đọc được thông tin kết quả bài thi (kể cả kết quả trung gian hoặc kết quả cuối cùng).
Được biết trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, cũng đã xảy ra hiện tượng gian lận, nâng điểm thi tại nhiều địa phương như Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Nhiều cán bộ ngành công an, giáo dục đã bị truy tố vì có hành vi vi phạm pháp luật và 222 thí sinh đã nhận lại điểm số thật (điểm chấm thẩm định), nhiều thí sinh đã nhập học vào các trường ĐH, Học viện buộc phải thôi học.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận