Một buổi học nghiệp vụ của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines |
Tiêu chuẩn cao
Để trở thành tiếp viên hàng không, ứng viên phải trải qua từ 4-6 vòng thi, với yêu cầu tiên quyết là đạt tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, cũng như khả năng tiếng Anh. Theo tiêu chí tuyển dụng của hãng Hàng không lớn nhất Việt Nam - Vietnam Airlines, tiếp viên được tuyển dụng phải thỏa mãn yêu cầu: Nữ từ 18 - 28 tuổi, cao từ 1m58 - 1m75; Nam tuổi từ 18 - 30, cao từ 1m65 - 1m82. Ứng viên có lý lịch rõ ràng, giao tiếp cởi mở và tiếng Anh TOEIC tối thiểu từ 400 điểm trở lên.
Cũng yêu cầu trình độ tiếng Anh TOEIC 400 hoặc tương đương, song độ tuổi của tiếp viên đã được hãng Hàng không Jestar Pacific giới hạn thấp hơn Vietnam Airlines: Nữ từ 18-27 tuổi, chiều cao từ 1m60 - 1m75, cân nặng 48kg trở lên; Nam từ 18-30 tuổi, chiều cao từ 1m68 - 1m80, cân nặng 54kg trở lên.
Trong khi đó, Vietjet Air đưa tiêu chí trình độ tiếng Anh TOEIC trên 400 hoặc tương đương, nam cao từ 1m70 - 1m80, nữ 1m60 - 1m75, ngoại hình ưa nhìn, không có dị tật, hình xăm, sẹo hay những đặc điểm không phù hợp với ngành dịch vụ.
Ngoài yêu cầu về tiếng Anh, tất cả các hãng Hàng không Việt Nam đều đặt tiêu chí nói tiếng Việt lưu loát, dù ứng viên tuyển dụng có thể là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Hoạt bát, nhanh nhẹn, ứng xử tình huống nhạy bén là những tố chất cần thiết của một tiếp viên hàng không. Riêng về yêu cầu trình độ văn hóa, tốt nghiệp THPT là đủ tiêu chuẩn để đăng ký tuyển dụng.
Áp lực không nhỏ
Công việc của một tiếp viên hàng không sẽ cho các bạn trẻ cơ hội trải nghiệm và thu nhập ổn định, tuy nhiên đằng sau đó lại là áp lực không hề nhỏ.
Một tiếp viên hàng không cho biết, trung bình khi bay tuyến nội địa, mỗi tiếp viên hàng không cất - hạ cánh 8 lần (4 chuyến)/ngày. Khoảng cách giữa mỗi lần được nghỉ không nhiều. Có nhiều người chỉ kịp vào khu nghỉ để ngả lưng, nghỉ ngơi chưa lại sức đã phải tất bật chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo.
Đối với hãng hàng không giá rẻ, tiếp viên phải đảm nhận cả việc dọn vệ sinh máy bay và bán hàng để tăng doanh thu cho hãng và tăng thu nhập cho mình. Hàng hóa bán trên máy bay là đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm, đặc sản các địa phương.
Do tính chất công việc phải thường xuyên hoạt động trong môi trường máy bay, bị giới hạn nhiều về không gian lẫn không khí để thở, thêm vào đó là liên tục thay đổi áp suất cho những lần cất - hạ cánh cũng như thường xuyên phải thay đổi khí hậu đột ngột nên các tiếp viên hàng không thường bị vấn đề với tai và xoang mũi. Ngoài những hy sinh về mặt sức khỏe, tiếp viên hàng không còn chịu nhiều thiệt thòi về phương diện học tập, tình cảm gia đình… bởi những chuyến bay nối dài từ ngày này qua ngày khác, giờ làm việc không ổn định…
Nhưng cái khắc nghiệt nhất của nghề này có lẽ lại chính là tuổi nghề. Cho dù có gắn bó với nghề nhiều đến như thế nào, một tiếp viên hàng không không thể tiếp tục bay ở tuổi 45, cái tuổi mà đối với những nghề khác là sự chín muồi và đạt được những thành công trong sự nghiệp.
Thanh Thuý
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận