Nhu cầu điện của Việt Nam tăng trở lại với mức hơn 10%, việc đầu tư những nguồn điện mới là rất cấp thiết. Trong bối cảnh nguồn điện mới hạn chế, thúc đẩy tiết kiệm điện đang được ngành điện chú trọng nhằm đảm bảo cung ứng điện, về lâu dài, đây cũng được xem là giải pháp giúp EVN đầu tư nguồn điện.
Song, việc thực hiện chủ yếu là tự nguyên, cùng Báo Giao thông trao đổi với Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng dưới góc nhìn của một nhà kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về ý thức cũng như trách nhiệm tiết kiệm điện hiện nay?
Việt Nam đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có điện.
Ở các hộ gia đình, điều hòa, tủ lạnh, bếp điện, bình nóng lạnh là những thiết bị chiếm khoảng 80% lượng điện tiêu thụ.
Trong điều kiện bây giờ, người dân luôn có tâm lý "hưởng thụ", vì vậy, ý thức tiết kiệm điện chưa cao. Nhất là với tâm tưởng "tôi dùng thì tôi trả tiền chứ không xin ai" của một bộ phận người dân.
Tuy nhiên, một thực tế thấy rõ, mùa nắng, chúng ta đang thiếu điện ở một số thời điểm, vì vậy, việc tiết kiệm điện là một biện pháp rất khả thi và cần thiết ở thời điểm đó.
Để tiết kiệm điện có rất nhiều giải pháp, trong luật đã nói rất kĩ. Song, người dân không tự nhiên tìm đọc mà người làm chính sách phải tìm cách tuyên truyền làm sao cho dân sinh nhất, dễ hiểu nhất.
Theo tôi, có rất nhiều cách, tuy nhiên, điều cần thiết nhất là một chiến lược sâu rộng, dẫn dắt ý thức thành thói quen.
Như ông nói, có rất nhiều cách để tiết kiệm điện, vậy, theo ông, hành động nào là đơn giản, dễ làm nhất hiện nay mà chúng ta cần tập trung tuyên truyền?
Với việc dùng điều hoà, chúng ta có thể tập cho mình thói quen không nóng quá hay khi có gió thì không nên bật điều hòa. Hay là, thay vì bật thâu đêm thì chỉ nên cài giờ một thời gian nhất định.
Còn bình nóng lạnh, chỉ bật trước khi tắm khoảng 30 phút. Tôi thấy đa số gia đình để từ sáng đến đêm, thậm chí ngày này qua ngày khác. Đó là sai lầm làm tiền điện tăng rất cao.
Ngoài ra, người dân cũng cần hiểu cố gắng mua sắm những thiết bị điện hiện đại, nó sẽ giúp tiêu dùng ít điện nhờ các công nghệ mới giúp tiết kiệm điện hiện nay…
Nhìn chung, việc tuyên truyền ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không dùng đến sẽ dễ làm nhất bởi nó liên quan đến an toàn cháy nổ nên sẽ dễ được người dân quan tâm.
Vì vậy, tôi thấy, để nâng cao ý thức tiết kiệm điện, cần phải biên soạn những cuốn sổ tay liên quan đến tiết kiệm điện. Trong đó nói sẽ tiêu hao thế nào, lợi ích ra sao…
Vâng, hiện EVN cũng đã làm rất chi tiết những điều ông kỳ vọng, tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, nên chăng chúng ta cần thêm chính sách đủ mạnh?
Theo tôi, có 2 vấn đề cốt lõi để đưa đến hiệu quả là luật hóa và tuyên truyền.
Về nguyên tắc, để khuyến khích một điều gì đó đều phải có những chính sách hấp dẫn để cho họ thấy lợi ích. Tiết kiệm điện cũng không ngoại lệ.
Về chính sách, hiện phần lớn dựa vào hành động tự nguyện từ doanh nghiệp, người dân. Nếu vậy thì đừng mong chờ một kết quả hoàn hảo.
Nói gì thì nói, mọi thứ muốn công bằng, muốn hưởng ứng thành phong trào thì phải có "áp lực". Áp lực có cả mặt ràng buộc chính sách và khích lệ.
Tôi cho rằng, chúng ta nên có chính sách khen thưởng cho những hộ tiêu dùng điện hay có những sáng kiến về sử dụng tiết kiệm điện.
Chẳng hạn, trước đây 100 số, nhưng bây giờ chỉ dùng 30 số. Tôi nghĩ cần phải có bước đột phá về cơ chế khen thưởng, đồng thời có cơ chế xử lí trường hợp sử dụng lãng phí điện.
Thực tế, có những người để điện cả ngày, tôi thấy chưa có hình thức nào nhắc nhở, chưa có hình thức giáo dục, chưa có hình thức phạt hay xử lý hành chính để làm sao nâng cao ý thức.
Từ thực tế trên, theo tôi, tiết kiệm điện cần luật hóa mạnh mẽ hơn nữa và song song đó là thiết lập lại một chương trình bài bản, phải phổ cập giáo dục từ sớm như chính những chương trình an toàn giao thông học đường.
Muốn làm được vậy, cần hỗ trợ tài chính cho ngành điện hoặc các đơn vị liên quan có đủ tiềm lực thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận