Dư địa tiết kiệm điện từ hộ gia đình còn 15-30%
Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét NLTT chỉ khoảng 18%.
Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.
EVN đánh giá, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.
Lựa chọn các sản phẩm có dán nhẵn năng lượng sẽ giúp tiết kiệm điện
Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, nhưng tốc độ xây dựng các nguồn điện đáp ứng nhu cầu đó lại đang chậm... đòi hỏi việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tiết kiệm điện không chỉ thực hiện trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, mà cũng cần nâng cao ý thức từ chính các hộ gia đình.
Nói về thực trạng này, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, trong những năm qua, nhờ các chương trình tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, EVN, các tổng công ty điện lực nên các hộ gia đình cơ bản đã hiểu và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Tuy nhiên dư địa tiết kiệm điện trong các hộ gia đình còn nhiều, theo tính toán của EVN vẫn còn khoảng từ 15-30%.
Theo ông Nguyên, nhiều hộ gia đình còn sử dụng điện lãng phí, chưa tiết kiệm, ví dụ: sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt, đèn hùynh quang chấn lưu từ, tủ lạnh, máy giặt, máy bơm, điều hòa,… cũ.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được ông Nguyên nhấn mạnh: Thứ nhất, là hiểu biết về các lợi ích của sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm của người dân chưa cao.
Thứ hai, chi phí cho thay thế các thiết bị điện có hiệu suất cao thường có giá thành cao hơn so với thiết bị có hiệu suất thấp… dẫn tới nhiều hộ gia đình không đầu tư, lựa chọn các thiết bị có hiệu suất cao.
Đơn cử, điều hòa có biến tần có thể tiết kiệm hơn loại điều hòa không biến tần tới 30%, tuy nhiên giá có thể cao hơn từ 1-2 triệu đồng.
Thứ ba, các quy định pháp luật chỉ khuyến khích đối tượng khách hàng dân dụng sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, không có chế tài xử phạt đối với các hành vi không sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Cách tiết kiệm ra sao?
Ngày nay, các nhà sản xuất khi thiết kế và sản xuất các sản phẩm và thiết bị đều hướng tới vấn đề an toàn, tiết kiệm và thận thiện với môi trường. Để giải quyết được mục tiêu này, hầu hết các nhà sản xuất phải áp dụng các công nghệ hiện đại cho các sản phẩm của họ.
Ví dụ rõ nét nhất đó là đèn tròn (sử dụng dây tóc vonfram), hiệu suất 5% (chuyển sang quang năng), đèn huỳnh quang compact, hiệu suất 20% (chuyển sang quang năng), còn lại 80% là nhiệt, trong khi đó, đèn LED hiệu suất 80-90% (chuyển sang quang năng).
Ví dụ khác đó là điều hòa có lắp bộ biến tần (biển đổi dòng điện thành tần số và điện áp có thể điều chỉnh) sẽ giúp tốc độ quay của máy nén dàn nóng được điều khiển bằng tần số nghĩa là điều khiển cho điều hòa chạy từ mức thấp tới khi đạt được 100% công suất.
Phó Trưởng ban kinh doanh của EVN cũng cho biết, ở Việt Nam, từ năm 2017 Chính phủ đã quy định bắt buộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu…. cho thiết bị như đèn huynh quang, chấn lưu điện từ và điện tử, điều hòa, nồi cơm điện, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt, tivi, động cơ điện (bơm điện), xe ô tô con 7 chỗ trở xuống…
Do đó, người tiêu dùng thông thái sẽ lựa chọn các sản phẩm có dán nhẵn năng lượng – SS (nhiều sao, tiết kiệm hơn) và xác nhận (ngôi sao và “tiết kiệm năng lượng”), tốt nhất. (Xuất sứ, dung tích/công suất, điện năng tiêu thụ (kWh/năm), TCVN…).
Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, ông Trần Viết Nguyên cho biết, thời gian tới, EVN sẽ phát động các cuộc thi, phong trào như “gia đình tiết kiệm điện”, “tuyến phố/khu chung cư tiết kiệm điện”, “gia đình văn hóa, tiết kiệm điện”, “sáng kiến tiết kiệm điện trong hộ gia đình”, “tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường”…
Đồng thời, áp dụng các giải pháp/biện pháp tiết kiệm điện như: chỉ sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt và compact; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng chung phòng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận