Hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu từ Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc cung cấp cho Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Lee Yeon-hee cho biết, có tới 536 trong tổng số 52.883 chuyến bay của Jeju Air trong sáu tháng đầu năm 2024 bị hoãn vì lý do bảo dưỡng.
Đây là con số cao nhất trong số những hãng hàng không nội địa Hàn Quốc. Con số này thậm chí vượt qua cả Korean Air, hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc với tổng số lượng chuyến bay nhiều hơn đáng kể nhưng chỉ có 422 chuyến bị trì hoãn liên quan bảo dưỡng.
Đáng chú ý, số chuyến bay bị hoãn để bảo dưỡng của Jeju Air cũng vượt xa các hãng hàng không giá rẻ khác như T'way Air Cov với 315 chuyến, Jin Air với 243 chuyến và Air Busan với 227 chuyến. Tỷ lệ hoãn do bảo dưỡng của Jeju Air là 1,01%, cao hơn mức trung bình của ngành là 0,64% trong cùng giai đoạn.
Trong năm 2023, Jeju Air ghi nhận 943 chuyến bay bị hoãn liên quan những vấn đề bảo dưỡng, với tỷ lệ hoãn là 0,97%, cao hơn mức trung bình của ngành trong giai đoạn này là 0,59%.
Bên cạnh đó, vụ máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air gặp nạn hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan ngày 29/12 khiến 179 người thiệt mạng đã làm dấy lên lo ngại rằng hãng đã ưu tiên để máy bay vận hành hơn là đảm bảo thời gian bảo dưỡng.
Được biết, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc máy bay của Jeju Air được phát hiện đã thực hiện 13 chuyến bay trong vòng 48 giờ.
Sau thảm kịch trên, Jeju Air công bố kế hoạch cắt giảm số chuyến bay từ 10-15% từ nay đến tháng 3 để tăng cường an toàn vận hành bay.
“Một khi máy bay phải vận hành quá nhiều, chắc chắn những vấn đề bảo dưỡng sẽ tăng lên. Đây là vấn nạn điển hình khi các hãng hàng không vận hành quá giới hạn số lượng máy bay”, một chuyên gia hàng không giấu tên nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận