Đăng kiểm

Tiêu cực trong đăng kiểm đang được kiểm soát thế nào?

19/10/2022, 15:44

Thông qua phần mềm đăng kiểm có thể kiểm soát 100% vấn đề an toàn kỹ thuật của phương tiện và xử lý các vi phạm trong quy trình kiểm định.

Kiểm soát 100% về mặt kỹ thuật

Từ vụ giám đốc trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 6602D (tỉnh Đồng Tháp) và 3 đăng kiểm viên bị tạm giữ hình sự vì bị bắt quả tang nhận hối lộ để kiểm định cho các phương tiện không đạt tiêu chuẩn ATKT & BVMT, nhiều câu hỏi về quy trình kiểm soát, giám sát hoạt động của các TTĐK từ Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã được đặt ra.

img

Thông qua phần mềm đăng kiểm có thể kiểm soát 100% về mặt kỹ thuật để phát hiện vi phạm trong kiểm định ATKT & BVMT phương tiện

Theo đại diện Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN, đơn vị có thể giám sát, kiểm soát 100% về vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện, kết quả kiểm định, tiêu chuẩn, quy trình đăng kiểm của các TTĐK thông qua rà soát cơ sở dữ liệu đăng kiểm và phúc tra kết quả kiểm định (khi có phản ánh từ cơ quan báo chí, truyền thông).

Việc rà soát cơ sở dữ liệu đăng kiểm được thực hiện theo từng thời điểm trong năm và theo từng chuyên đề (rà soát cơ sở dữ liệu kiểm định về phanh, về khí thải,…) nhưng có thể lựa chọn bất kỳ mốc thời gian nào để thực hiện (có thể theo tháng, theo quý, cả năm hoặc vài năm). Do đó, nếu quy trình kiểm định thực hiện sai hoặc TTĐK cố tình làm sai lệch kết quả kiểm định, đăng kiểm đạt cho các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn đều có thể bị phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát về mặt hành vi của con người trong những việc “móc nghoéo” nhau nhận tiền hối lộ ở nơi kín.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, những năm gần đây, Thanh tra Bộ đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm. Qua đó, cũng phát hiện một số vi phạm và tiến hành xử lý các trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên theo quy định pháp luật.

Cơ quan này cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các TTĐK, đặc biệt qua hệ thống camera giám sát trực tuyến.

Về thể chế, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ GTVT phân cấp thanh tra hoạt động kiểm định cho Sở GTVT các địa phương.

Trước đây, Sở GTVT địa phương chỉ thanh tra TTĐK thuộc Sở. Từ khi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT có hiệu lực thay thế Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, Sở GTVT các địa phương hiện có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát tất cả các TTĐK trên địa bàn. Như vậy, đến nay đã có thêm một kênh kiểm soát hoạt động của các TTĐK bên cạnh Cục ĐKVN và Thanh tra Bộ GTVT.

Theo ông Tùng, hiện nay thể chế chính sách về kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm cơ bản đã đầy đủ, quan trọng là việc triển khai thực hiện.

“Việc xã hội hoá khiến các trung tâm đăng kiểm nở rộ và xuất hiện những cạnh tranh không lành mạnh gây ra những tiêu cực trong kiểm định xe. Với trách nhiệm của mình, cơ quan quản lý mà trực tiếp là Cục Đăng kiểm VN và Sở GTVT các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các TTDK để hạn chế tối đa những tiêu cực”, ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, có nhiều cách thức kiểm soát quy trình kiểm định xe cũng như phát hiện hành vi bỏ qua lỗi của các phương tiện như giám sát qua hệ thống camera trực tuyến ở Cục (hạn chế của phương thức này là hình ảnh không rõ nét, không đủ nhân sự giám sát 24/24 nên khó kiểm soát được 100%), bù lại, có thể tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát cơ sở dữ liệu.

“Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được tất cả hành vi của đăng kiểm viên, điển hình như sự việc của trung tâm 6602D xảy ra là do ý thức của đăng kiểm viên”, ông Tùng nói và cho biết: Cục Đăng kiểm VN và Sở GTVT địa phương cần tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất góp phần nâng cao ý thức của đăng kiểm viên và trung tâm đăng kiểm, sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực trong kiểm định.

img

Trung tâm đăng kiểm 6602D bị bắt quả tang vì nhận hối lộ

Xử lý trung tâm đăng kiểm vi phạm như thế nào?

Cục Đăng kiểm VN cho biết, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm của TTĐK và Đăng kiểm viên.

Cụ thể, Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ từng dây chuyền kiểm định từ 01 tháng đến 03 tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp: Không đảm bảo một trong các điều kiện, yêu cầu, quy định tại Nghị định này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm; Có 02 lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục; Phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới từ 01 tháng đến 03 tháng nếu vi phạm một trong các trường hợp: Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền; Có từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục; Có từ 02 lượt dây chuyền bị tạm đình chỉ trở lên trong thời gian 12 tháng liên tục; Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị kiểm tra đã bị hư hỏng, không bảo đảm tính chính xác, chưa được kiểm tra, đánh giá theo quy định.

Ngoài ra, Đơn vị đăng kiểm sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới nếu: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới được cấp do gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; Ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 12 tháng liên tục; Bị tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới quá hai lần trong thời gian 12 tháng liên tục; Có từ 05 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 03 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục Hoặc Đơn vị đăng kiểm bị giải thể.

Đối với đăng kiểm viên sẽ bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1 - 3 tháng trong các trường hợp: Làm sai lệch kết quả kiểm định; Không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

Cùng đó, sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp: Vi phạm một trong các khoản của Điều 17 của Nghị định này đến mức gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện; Làm giả các hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên; Bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 2 lần trong thời gian 12 tháng liên tục; Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định hoặc hướng dẫn, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên quá 12 tháng trở lên; Cùng một thời điểm làm việc tại hai đơn vị đăng kiểm trở lên.

Đối với nhân viên nghiệp vụ kiểm định sẽ bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 01 tháng đến 03 tháng trong các trường hợp: Làm sai lệch hồ sơ trong kiểm định xe cơ giới; Không tuân thủ đúng quy định, quy trình và các hướng dẫn có liên quan trong công tác kiểm định.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt còn quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ của Trung tâm đăng kiểm, nếu vi phạm: Làm sai lệch kết quả kiểm định; Không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định.

Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với TTDK thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định; Không thực hiện kiểm định phương tiện theo đúng thẩm quyền được giao; Sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định; Thực hiện kiểm định mà không bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ kiểm định, bảo hộ lao động theo quy định; Không bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên tối thiểu trên dây chuyền kiểm định; Thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định vượt quá số lượng phương tiện theo quy định đối với mỗi dây chuyền kiểm định.

Phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng đối với TTDK thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định chưa được xác nhận hoặc xác nhận không còn hiệu lực để bảo đảm tính chính xác theo quy định; Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định đã bị hư hỏng không bảo đảm tính chính xác theo quy định; Không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định, kết quả kiểm định theo quy định; Không lưu trữ dữ liệu kiểm định theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.