Một thí sinh được mẹ đưa đến điểm thi trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội - Ảnh: Dương Linh |
1. Chiều chạy xe về, thấy mấy trường giăng bảng, giăng cờ tổ chức thi cử, sỹ tử đông nghẹt, tự dưng nhớ hồi đó đi thi...
Năm đó, 18 tuổi, mặc dù đã tự đi xe đi học được một năm, nhưng ba nhất quyết chở đi thi cho bằng được. 6h sáng, ba chở tới chỗ thi, rồi kêu cứ vô thi đi, ba đứng chờ, dùng dằng nói ba về đi, lát con xong rồi lên đón… Ba kêu thôi, để tao chờ, chứ giờ về cũng không an tâm.
Vô trong chỗ thi, đứng lại nhìn ra cổng, thấy nắng, thấy một dàn phụ huynh dựng xe lặng lẽ chờ con, nói với nhau vài câu gì đó, chắc cũng hỏi thăm nhau xem con anh thi trường gì, không biết có đỗ không… tự dưng thấy lo cho mình, cho ba.
Cũng không trách được các bậc phụ huynh, bởi ngàn đời nay, mặc định chuyện muốn “nở mặt, nở mày” phải lấy khoa cử, kinh thi làm thành tích, nên cha mẹ nào cũng muốn con mình đậu đại học, tự dưng tạo thành sức ép cho con.
|
2. Năm 23 tuổi, công việc làng nhàng, lương không quá cao, cũng chẳng quá thấp, việc không quá nhiều cũng chẳng quá ít. Làm cho qua tháng, nhận lương trang trải cuộc sống. Sáng thứ hai nào cũng ca bài kinh khổ, sáng nào đến công ty cũng thấy như cực hình.
Một ngày cuối tuần, ngồi cà phê vỉa hè, thấy có chị tình nguyện viên dẫn theo một nhóm em nhỏ thiểu năng, mặc đồng phục tới công viên, chia cho mỗi em một cái kẹp, một túi giấy rồi các em tản ra đi nhặt rác, nhặt bao nilon, nhặt lá vàng... bỏ vào túi.
Các em làm chậm, bước chân liêu xiêu, đưa tay quệt mồ hôi mà mắt vẫn cười, miệng vẫn tươi. Hỏi thăm chị tình nguyện, sao để mấy em đi làm như vầy, thấy tội... Chị nói, bản thân các em muốn được làm việc, muốn được giúp ích cho xã hội như bao nhiêu người... Quan trọng nhất là khi các em làm, các em cảm thấy thật vui.
Một tuần trăn trở, quyết định viết đơn xin nghỉ làm, bất chấp cái nhăn mày khó chịu của mẹ.
3. Vùi đầu ở nhà, ôm cái máy tính viết cho xong cuốn tiểu thuyết dang dở, gởi cho nhà xuất bản xong rồi hồi hộp chờ phản hồi... Ngoảnh lại, đã bốn năm và viết xong cuốn sách thứ mười bốn trong đời. Ngày đó không gặp những đứa trẻ đó, có lẽ đời đã đi hướng khác.
Mấy hôm nay, thấy nhiều em học sinh đang chuẩn bị lo lắng để thi tốt nghiệp và gần bước vào ngưỡng cửa đại học, lại gặp được vài dòng than vãn công việc chán nản, đi làm không tìm được niềm vui của nhiều bạn trẻ văn phòng... tự dưng nghĩ, đại học nếu không dạy người ta sống với đam mê, theo đuổi đến cùng ước mơ sẽ không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Đường đến thành công, chỉ là khi ta cảm thấy thật lòng yêu thích công việc của mình, làm nó với tất cả đam mê, tất cả cuồng nhiệt, không sợ sai, không sợ vấp ngã, học từ lỗi lầm và đứng lên từ thất bại. Đường ta đi có thể sẽ chông gai, có thể mệt mỏi, nhưng sau vị mặn của mồ hôi, nước mắt, là sự trưởng thành qua trải nghiệm của chính mình.
Có thể các bạn học sinh, sinh viên, một ngày đẹp trời, các em hãy ngồi xuống, bình tâm và tự hỏi, em yêu quý điều gì, thật sự muốn làm điều gì, và môn thi em đăng ký, trường em chọn, có cung cấp hay hỗ trợ điều gì cho niềm đam mê đó của em không.
Tìm được câu trả lời, đó sẽ là bước đi quan trọng đầu tiên trong đời các em...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận