Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu thành khu rừng hoang
Từ QL1 men theo tuyến đường bê tông rộng khoảng 3m dẫn vào Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh (xã Tịnh Phong, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Đập vào mắt chúng tôi là cụm công trình dân dụng xây dựng dang dở, bên trong khuôn viên cỏ mọc cao quá đầu người.
Cánh cổng được khóa trái, phía bên trong một số người dân đang cắt cỏ cho gia súc. Cả vùng đất rộng lớn được xây dựng tường rào bao quanh kiên cố, nhưng bên trong là hình ảnh đổ nát, hoang tàn.
Nhiều người dân cho biết, từ năm 2013 nhà thầu triển khai xây dựng rầm rộ, các dãy nhà mọc lên, nhưng chỉ được thời gian thì không ai đoái hoài đến. Vài năm sau có người đến phát dọn, trồng cây và sửa chữa một phần công trình... Nhưng sau đó cũng "tháo chạy".
Từ đó, cả khu đất rộng khoảng 3ha cùng những dãy nhà dần hoang hóa, các hạng mục xây dựng dang dở xuống cấp, hư hỏng. Có dãy nhà xây dựng nhưng chưa tô trát, qua thời gian rêu mốc phủ dày. Có dãy nhà gạch vữa đổ bể văng tứ tung, nhìn chẳng khác nào nhà hoang.
Song, cũng có dãy nhà được tô trát, sơn mới và đầu tư hệ thống bàn ghế ngồi cho học viên. Thế nhưng, cửa bên ngoài khóa trái, bụi bám dày.
Anh Tuấn, nhà gần điểm trường lắc đầu ngao ngán: Không thể tưởng tượng được ngôi trường dạy nghề kiểu mẫu lại bị bỏ hoang, lãng phí như vậy. Ban đầu người ta làm rầm rộ, xe cộ ra vào ầm ầm cứ ngỡ công trình sẽ xong sớm. Nào ngờ, hơn chục năm vẫn chưa một ngày mở cổng đón người dân vào học nghề.
"Bà con ở gần dự án chăn nuôi gia súc nên tận dụng quỹ đất nơi đây cắt cỏ về tăng gia. Nhìn cơ ngơi đồ sộ như vậy mà bỏ hoang dầm mưa phơi nắng tiếc đứt ruột", anh Tuấn nói.
Đầu tư dang dở rồi đổi chủ nhưng vẫn "chết yểu"
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh được đầu tư từ đề án xây dựng 10 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu trên toàn quốc trong giai đoạn 2012-2015. Bộ LĐTB&XH là "chủ công" triển khai đề án này. Mục tiêu đào tạo nghề cho người lao động nông thôn.
Dự án được xây dựng trên diện tích 3ha, tổng kinh phí khoảng 38 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề là 33,8 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ngãi được giao làm chủ đầu tư.
Tháng 8/2013, dự án này chính thức khởi công, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2014 để đón học viên, tổ chức giảng dạy, đào tạo nghề.
Tuy nhiên, sau khi rót về 10,3 tỷ đồng thì nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề khóa sổ. Từ đó, chủ đầu tư không tìm ra nguồn vốn thay thế để tiếp tục triển khai dẫn đến công trình thi công cầm chừng.
Tháng 3/2014 công trình dừng thi công dù các hạng mục được đầu tư đã ngốn khoảng 20 tỷ đồng.
Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Bộ LĐTB&XH nêu rõ thực tại của dự án. Đồng thời, kiến nghị sớm có giải pháp về vốn để dự án tiếp tục thực hiện đưa công trình vào vận hành. Thế nhưng, sau nhiều lần đề nghị không có kết quả. Từ đó, dự án vì thế bị "đắp chiếu".
Sau nhiều năm trời dự án "dậm chân tại chỗ", năm 2016, trung tâm dạy nghề kiểu mẫu bỗng "thức giấc" khi tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao cho Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM - chi nhánh Quảng Ngãi. Theo đó, chủ mới này sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện và đưa dự án vào hoạt động ngay trong năm.
Thế nhưng, chủ đầu tư mới cũng chỉ triển khai phần nhỏ dự án và chuyển cho tỉnh Quảng Ngãi số tiền 7,2 tỷ đồng.
Số phận trung tâm dạy nghề tiếp tục rơi vào cảnh "đắp chiếu" hết tháng này qua năm nọ.
Sau 6 năm "ôm" dự án, cuối năm 2022, Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM - chi nhánh Quảng Ngãi xin "trả" lại cho tỉnh Quảng Ngãi vì không có kinh phí.
Thêm nữa, trong quyết định 213 của UBND tỉnh Quảng Ngãi khi chuyển giao trung tâm cho Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM - chi nhánh Quảng Ngãi chưa đảm bảo theo trình tự thủ tục. Nguyên nhân, thẩm quyền chuyển giao là của Trung ương, của Bộ Tài chính nên trường không tiếp tục đầu tư được.
Trước vòng luẩn quẩn của dự án, tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao dự án Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu lại cho cũ là Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, do 6 năm qua việc chuyển giao cho Trường cao đẳng Công Thương TP.HCM - chi nhánh Quảng Ngãi, nhưng đơn vị này chỉ đầu tư cho có rồi bỏ công trình hoang phế. Do đó, việc tiếp nhận phải được thẩm định, đánh giá lại những khối nhà xây dựng xuống cấp như thế nào, còn bao nhiêu phần trăm...
Đồng thời, những hư hỏng 6 năm qua ai chịu trách nhiệm, bởi đây là tài sản đầu tư tiền ngân sách.
Từ đó, công trình này tiếp tục chìm vào "quên lãng".
Tiếp tục tìm chủ mới cho trung tâm dạy nghề kiểu mẫu
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh có giao cho đơn vị tiếp nhận nguyên trạng dự án. Tổ chức quản lý, hạch toán tài sản theo đúng quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, chế độ tài chính kế toán và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Hiện tại, dự án trên đang được Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm tra kết quả đánh giá giá trị tài sản. Sau đó, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả đánh giá lại giá trị tài sản và mốc thời gian hoàn thành cuối năm 2024.
"Như vậy, dự án hiện nay đang chờ phê duyệt kết quả đánh giá lại giá trị tài sản. Khi đó, Sở mới có cơ sở tiếp nhận theo đúng quy định", lãnh đạo Sở cho biết.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Quảng Ngãi cũng cho biết thêm, sau khi xin trả dự án, Trường Cao đẳng công thương TP.HCM có báo cáo sau khi tiếp nhận dự án có đầu tư một số hạng mục công trình như: tường rào, nhà bảo vệ, hoàn thành một số hạng mục của dự án như phần mái, sơn nước.
Vừa qua, sau hơn 1 thập kỷ đầu tư dang dở, bỏ hoang, Sở LĐTB&XH có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất tìm đơn vị có nhu cầu tiếp nhận dự án.
Từ đề xuất trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn giao trách nhiệm cho Sở Tài chính chủ trì và phối hợp với cấp ngành liên quan, tìm chọn đơn vị có nhu cầu tiếp nhận dự án Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh.
Ông Tuấn yêu cầu các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định và hoàn thành trước ngày 30/7/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận