Mối lo phát thải độc hại hậu sản xuất phân bón
Chiều nay 3/3, Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải GYPS tại nhà máy sản xuất phân bón DAP - VINACHEM, KCN Đình Vũ, Hải Phòng.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón tại nước ta tăng nhanh trong những năm qua. Với lợi thế có sẵn khoáng sản apatit trong nước (chủ yếu tại Lào Cai), một số nhà máy sản xuất phân bón DAP đã được đầu tư tại Lào Cai và Hải Phòng. Việc sản xuất phân bón DAP (vô cơ hỗn hợp - PV) trong nước đã giúp Việt Nam chủ động về nguồn phân bón trong nước, giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.
Hội thảo khoa học Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải thạch cao phốt pho (GYPS) nhà máy phân bón DAP - VINACHEM, Hải Phòng
Tuy nhiên, việc sản xuất DAP cũng tạo ra một lượng lớn bã thải thạch cao. Hiện nay, lượng bã GYPS phát thải từ các nhà máy phân bón hàng năm rất lớn.
Lượng bã GYPS phát thải trong năm 2022 khoảng 1,3 triệu tấn, chủ yếu từ 3 nhà máy: DAP Đình Vũ tại Hải Phòng 340.000 tấn; DAP số 2 Lào Cai 351.000 tấn; DAP Công ty CP hóa chất và phân bón Đức Giang - Lào Cai (DAP Đức Giang – Lào Cai) khoảng 650.000 tấn. Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất axit phosphoric có quy mô nhỏ khác cũng phát thải ra bã GYPS.
Theo Bộ Xây dựng, theo công suất thiết kế: DAP Đình Vũ (Hải Phòng) 750.000 tấn /năm; DAP số 2 Lào Cai 700.000 tấn/năm; DAP Đức Giang - Lào Cai 900.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, việc xử lý bã GYPS đang ở mức thấp, thậm chí như DAP2 Lào Cai, bã thạch cao vẫn chưa được tiêu thụ, tích trữ toàn bộ tại bãi chứa.
Theo ước tính, lượng tồn trữ bã thải thạch cao trên toàn quốc đến cuối năm 2022 khoảng 12,7 triệu tấn, trong đó: nhà máy DAP Đình Vũ tại Hải Phòng tồn trữ 4,45 triệu tấn; nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai tồn trữ 2,6 triệu tấn; nhà máy DAP Đức Giang – tại Lào Cai tồn trữ khoảng 6 triệu tấn.
Tái chế làm phụ gia xi măng, san lấp đường
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân, tốc độ tiêu thụ sản phẩm thạch cao (PG) còn chậm do các nhà máy sản xuất xi măng, sử dụng nhiều nhất là 30% tổng lượng thạch cao trong xi măng, 70% còn lại vẫn là thạch cao tự nhiên;
Hiện nay chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về ứng dụng của bã thạch cao cũng như các phương pháp xử lý để sử dụng một cách hiệu quả, mà mới chỉ có một số hướng nghiên cứu sử dụng bã thải thạch cao để làm nền đường nhưng vẫn chưa có các chủ đầu tư sẵn sàng ứng dụng cho các dự án giao thông.
Do vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị, phải đẩy mạnh xử lý, sử dụng sản phẩm thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng;
Các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp tích cực nghiên cứu, tìm các giải pháp xử lý bã GYPS thành thạch cao PG với chi phí ngày càng rẻ hơn. Tìm các giải pháp đưa thạch cao PG vào làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng với khối lượng ngày càng lớn hơn, đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - môi trường;
Chủ đầu tư các dự án giao thông, các công ty tư vấn thiết kế sử dụng thạch cao PG đạt chuẩn làm vật liệu san lấp, vật liệu đắp nên đường thay thế vật liệu truyền thống khai thác từ thiên nhiên...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận