Dự kiến trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến
Với tiềm năng phát triển nguồn điện mặt trời (ĐMT) trong tương lai là rất lớn, dự kiến sẽ đạt 20.000MW vào năm 2030. Thậm chí, trong Quy hoạch điện VIII, dự kiến tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà có thể lên tới gần 50.000MW.
Do đó, bức tranh về tiềm năng phát triển ĐMT là rất lớn so với thực tiễn, từ đó, thách thức về vận hành và truyền tải cũng phải nâng cao.
Đặc biệt, bài toán lưu trữ, tích trữ điện đòi hỏi cần tìm lời giải sớm, trong bối cảnh nhiều nhà máy ĐMT đang phải cắt giảm mạnh công suất gây lãng phí và thiệt hại nặng nề…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Tái tạo (Viện Năng lượng, Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, cơ cấu nguồn và phân bổ nguồn của chúng ta chưa đồng đều, năng lượng mặt trời hiện chỉ tập trung chủ yếu ở Nam Trung Bộ.
Trong khi, năng lượng than và dầu khí tập trung ở phía Bắc, còn thủy điện thì rải rác ở miền Trung và miền Bắc.
Vì vậy, dẫn tới việc trao đổi liên kết giữa các vùng miền rất phức tạp và nguồn chưa đủ cân đối.
Đáng chú ý, hệ thống lưới điện của chúng ta có tổng số giờ, phút quá tải các đường dây tương đối lớn, nhiều khu vực vào đợt cao điểm quá tải hơn 100%, thậm chí quá tải cục bộ, từ đó xuất hiện nhiều khó khăn trong vận hành.
Vậy nhưng, ĐMT dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh để đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai theo Tổng sơ đồ điện VIII, giai đoạn từ năm 2030 cho đến năm 2045. "Từ đó, đặt vấn đề về việc nghiên cứu hệ thống lưu trữ, tích trữ ĐMT để lựa chọn những hệ thống tối ưu, giảm nhẹ tác động của nguồn năng lương tái tạo, tăng cường các hệ thống lưu trữ điện là những bài toán cấp thiết đang đặt ra", ông Tuấn nói.
Đề nghị cần có giải pháp sớm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, lưu trữ điện bằng pin đã trở thành công cụ lưu trữ trong đời sống xã hội như điện thoại, máy tính,….Trong khi, ĐMT ở Việt Nam đã phát triển bùng nổ, vừa gây áp lực cho lưới điện quốc gia, vừa bị cắt giảm công suất nên đòi hỏi cần có giải pháp sớm.
“Năng lượng mặt trời kết hợp lưu trữ sẽ là một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, giảm chi phí phát điện đắt đỏ vào giờ cao điểm; Đồng thời tiếp tục huy động được sự tham gia của xã hội vào phát triển thị trường điện mặt trời vốn có nhiều tiềm năng...
Đến nay, nguồn phát điện mặt trời hiện có công suất đặt là 16,500 MW chiếm tỷ trọng gần 25% tổng công suất đặt của toàn hệ thống, thời gian qua, đã xuất hiện quá tải vào giữa ngày từ 10h sáng đến 2h chiều do phụ tải thấp và bức xạ điện mặt trời tốt nhất trong ngày; Trong khi ở giờ cao điểm sử dụng điện rơi vào khoảng 17h30 đến 18h30 khi không còn nắng mặt trời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận