Chuyện dọc đường

Tìm lại niềm tin bị... đánh cắp

23/06/2019, 08:38

Từ bao giờ, kỳ thi tú tài của một quốc gia lại trở nên “rẻ rúng” trong mắt nhiều người?

img
Từ bao giờ, kỳ thi tú tài của một quốc gia lại trở nên “rẻ rúm” trong mắt nhiều người?

Chỉ còn ít giờ nữa, gần 900.000 sĩ tử cả nước sẽ bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Không biết từ khi nào, nhiều người đã không còn so sánh nó với công cuộc “vượt vũ môn” để thực hiện giấc mơ “cá chép hóa rồng” nữa. Bởi lẽ, nếu so sánh nó với áp lực của kỳ thi vào lớp 10 công lập ở một số thành phố lớn vừa diễn ra, thì đỗ vào đại học thật sự không khó bằng.

Có phụ huynh cười nhẹ khi nghe tôi hỏi về áp lực thi cử của con mình: “Nếu không quá dốt thì kiểu gì chả đỗ đại học, không đỗ trường nọ thì đỗ trường kia, 10 điểm 3 môn còn thành giáo viên, 15 điểm còn làm bác sỹ, 2 điểm liệt còn thành thủ khoa kia kìa….”.

Câu nói ấy khiến tôi không biết phải cười hay nên khóc? Tự bao giờ, kỳ thi tú tài của một quốc gia lại trở nên “rẻ rúng” như vậy trong mắt nhiều người?

Tôi còn nhớ như in những giọt nước mắt hạnh phúc của mình và gia đình khi cầm tờ giấy trúng tuyển ĐH 15 năm trước. Rồi cả xóm đến chúc mừng. Cô dì, chú bác người dúi cho dăm chục, một trăm, người cho yến gạo, chục trứng ngày tôi khăn gói ra thành phố nhập học.

Niềm tự hào đỗ đại học trở thành động lực lây lan sang cả những đứa em còn đang lớp 3, lớp 4…. Tất nhiên, để có được niềm hạnh phúc ấy, không ít sĩ tử như tôi thời đó phải cày ngày, cày đêm, đổ mồ hôi trong những lò luyện… không ít bậc phụ huynh như bố mẹ tôi phải bán trâu, bán lúa khăn đùm khăn gói theo con lên thành phố; phải ăn chờ, nằm trực cùng con thi hết trường nọ đến trường kia…

Còn sỹ tử bây giờ thì… nhàn quá. Công cuộc cải cách thi cử đã gỡ bỏ rất nhiều nỗi vất vả cho phụ huynh và thí sinh. Không còn ôn tủ, ôn lò, cũng chẳng phải “khăn gói quả mướp” lên thành phố, 1 kỳ thi 2 mục đích, xét tuyển online,… nó giống như một giấc mơ có thật cho ngành Giáo dục quốc gia. Tôi hiểu, bất kỳ thay đổi nào cũng đều phải trải qua những khó khăn, bất kỳ thành công nào cũng sẽ phải trả giá bằng máu và nước mắt. Những thay đổi trong kỳ thi tú tài quốc gia cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, điều tôi có thể nhận thấy rõ ràng nhất ở thời điểm này là rất nhiều phụ huynh, thí sinh đang bước vào kỳ thi quốc gia với một tâm lý chếnh choáng: vừa mơ hồ, vừa hi vọng, vừa chờ đợi…

Thứ mà họ tìm kiếm là niềm tin về một kỳ thi trong sạch, công tâm, minh bạch - điều mà 1 năm trước “cơn ác mộng” gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã đánh cắp của họ.

1 năm chưa phải là nhiều nhưng “nỗi đau” dường như cũng nguôi ngoai. Hàng trăm thí sinh có điểm thi gian lận đã được trả về đúng vị trí, hàng chục cán bộ coi thi, thanh tra, lãnh đạo phòng sở… đã phải trả giá rất đắt cho hành vi tráo trở dùng tiền mua điểm của mình.

Trong suốt 1 năm qua, ngành Giáo dục cũng ra sức sửa sai để lấy lại niềm tin của xã hội: Quy chế thi được chỉnh sửa, siết những kẽ hở, đưa thêm nhiều chế tài, “thay máu” đội ngũ tham gia giám sát kỳ thi, đưa các trường đại học vào sâu hơn ở từng khâu để tăng tính minh bạch…

Kỳ thi chưa kết thúc nên từng ấy động thái có thể chưa đủ để để lấy lại niềm tin của xã hội, nhưng tôi nghĩ những cha mẹ và các thí sinh có thể đặt hi vọng và chờ đợi vào những kết quả sáng sủa nhất.

Tôi cũng mạnh dạn đem hi vọng của mình gửi gắm vào những “nhạc trưởng” của kỳ thi năm nay. Chúng tôi không cần những con số báo cáo rực rỡ về tỷ lệ tốt nghiệp 99 - 100%, không cần những những lời tán dương nhàm chán “kỳ thi diễn ra tốt đẹp, nghiêm túc, không xảy ra sai sót…”.

Cái chúng tôi cần là hãy để những sĩ tử được đánh giá đúng nhất năng lực của mình, được tự hào bước vào giảng đường đại học bằng đôi chân và trí óc chứ không phải bằng tiền và quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.