Động thổ từ tháng 7/2015 đến nay, khối lượng thi công dự án chủ yếu tập trung trên tuyến QL1 cũ (Trong ảnh: Một đoạn QL1 qua TP Bắc Giang đã được nâng cấp) - Ảnh: Hữu Tuấn |
Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng
Chính thức động thổ tháng 7/2015, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn xây dựng 64km đường cao tốc quy mô 4 làn xe (Km 45+100 - Km 108+500) và tăng cường 105km mặt đường QL1 cũ đoạn Km 1+800 - Km 106+500, với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 12 nghìn tỷ đồng. Dù công trình được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Lạng Sơn và giảm tải cho tuyến QL1, nhưng dự án này triển khai rất ì ạch do sự yếu kém của nhà đầu tư cả về uy tín và năng lực, nhất là trong việc thu xếp nguồn vốn cho dự án. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, liên danh nhà đầu tư còn vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng BOT, khiến mục tiêu hoàn thành công trình vào năm 2018 khó khả thi.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) chỉ rõ 3 lỗi vi phạm của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định hợp đồng BOT gồm: Bảo lãnh hợp đồng, nguồn vốn chủ sở hữu và hợp đồng tín dụng của dự án. Cụ thể, theo quy định hợp đồng BOT giữa Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Bộ GTVT ký ngày 25/11/2016, nhà đầu tư phải cung cấp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016; Huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu (khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) sau 30 ngày và ký hợp đồng tín dụng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng) sau 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng BOT.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500 và kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 do liên danh: Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty CP Giao thông xây dựng số 1, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. |
“Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2017, nhà đầu tư vẫn chưa có đảm bảo thực hiện hợp đồng dự án, chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu với số tiền còn thiếu khoảng hơn 700 tỷ đồng và chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.
Để chấn chỉnh tình trạng yếu kém của nhà đầu tư, trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản 15292 ngày 21/12/2016 và Văn bản 602 ngày 17/1/2017 gửi nhà đầu tư thông báo về việc vi phạm hợp đồng dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không có chuyển biến và không đáp ứng được yêu cầu trong việc thực hiện quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, góp vốn chủ sở hữu và huy động vốn tín dụng. Trên cơ sở đó, ngày 15/3/2017, Bộ GTVT đã ban hành Văn bản 2643 thông báo về việc dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án.
Ông Lê Thắng, Phó tổng giám đốc Ban QLDA An toàn giao thông (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết, do nhà đầu tư chưa huy động được đầy đủ vốn chủ sở hữu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng nên các nhà thầu thi công trên hiện trường cầm chừng. Khối lượng thi công chủ yếu tập trung trên tuyến QL1 cũ, với giá trị đạt khoảng 933 tỷ đồng, đạt hơn 60%. Còn lại, trên tuyến cao tốc, gần như chưa triển khai”, ông Thắng nói và cho biết, về công tác GPMB của dự án, các địa phương đã phê duyệt xong phương án đền bù, GPMB nhưng nhà đầu tư không vay được vốn tín dụng nên không có tiền để chuyển cho địa phương thực hiện.
“Khó khăn nhất của dự án là việc nhà đầu tư không vay được nguồn vốn tín dụng. Ngay từ giữa năm 2016, chúng tôi đã lường trước được việc này và chủ động làm văn bản đề xuất Bộ GTVT bổ sung nhà đầu tư có đủ năng lực và tìm kiếm được ngân hàng tài trợ vốn”, ông Thắng nói.
Bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực
Trong diễn biến mới nhất, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã chủ trì cuộc họp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan về tình hình tiến độ triển khai dự án này. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là dự án rất quan trọng, ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường kết nối với nước bạn Trung Quốc, đây cũng là dự án được các địa phương rất mong đợi. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án rất chậm, không đảm bảo yêu cầu gây nhiều bức xúc trong dư luận, cũng như ảnh hưởng tới lòng tin của các địa phương nơi dự án đi qua. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của sự chậm trễ là do uy tín và năng lực của nhà đầu tư rất hạn chế, chưa thu xếp được nguồn vốn thực hiện dự án.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, xử lý vi phạm hợp đồng, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục được. Do vậy, việc chấm dứt hợp đồng dự án là có cơ sở để giữ niềm tin cho các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và uy tín của Bộ GTVT. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng dự án sẽ phát sinh các vướng mắc như kéo dài tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH các địa phương nơi dự án đi qua và ảnh hưởng tới các nhà thầu thi công khi đã ứng vốn trước để thực hiện dự án…
Qua quá trình trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank và báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của các doanh nghiệp dự kiến là cổ đông chiến lược của Công ty CP Đầu tư UDIC, gồm: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân trong quá trình nghiên cứu các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, cũng như chủ động làm việc với các cơ quan liên quan, ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án. Bộ GTVT mong muốn tiếp tục triển khai dự án đảm bảo tiến độ tốt nhất, tuân thủ quy định pháp luật, tránh được các hệ lụy của việc chấm dứt hợp đồng dự án.
Cho ý kiến về đề xuất của nhà đầu tư về việc tăng cường năng lực tài chính của liên danh nhà đầu tư bằng cách Công ty CP Đầu tư UDIC (thành viên đứng đầu liên danh) sẽ bổ sung các cổ đông chiến lược gồm: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân, qua ý kiến của các đơn vị dự họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kết luận, phương án này có tính khả thi và có thể chấp thuận được do đề xuất phù hợp với Điều 74 của hợp đồng dự án, phù hợp với mong muốn của các địa phương nơi dự án đi qua, đồng thời, dự án có thể triển khai ngay, không ảnh hưởng đến giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đã được cấp và hợp đồng dự án đã ký.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị các nhà đầu tư, các cơ quan tham mưu nghiên cứu thêm một phương án mới là báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xử lý chấm dứt hợp đồng, cho phép chỉ định thầu thay thế nhà đầu tư cũ; nhà đầu tư mới kế thừa toàn bộ trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư cũ trong quá trình thực hiện dự án và đảm bảo đủ năng lực, được ngân hàng cam kết tài trợ vốn.
Đặc biệt, để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình chuyển tiếp giữa các nhà đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước, đề nghị kiểm toán các phần việc đã thực hiện của dự án; Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cần phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm sớm triển khai dự án đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận