Tại cuộc họp về tình hình và đáp ứng về khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh cúm trên địa bàn tỉnh Bình Định do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức, Sở Y tế Bình Định cho biết, tính đến ngày 26/11/2024, đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm.
Giám sát 26 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, kết quả xét nghiệm có 10 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1pdm, 1 trường hợp cúm B, 9 trường hợp âm tính, 6 trường hợp chưa có kết quả. Trong đó, ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phú Mỹ và Vĩnh Thạnh.
Qua điều tra, các trường hợp bệnh cúm A/H1N1pdm ghi nhận tại Bình Định là ca bệnh đơn lẻ, chưa xác định mối liên quan dịch tễ giữa các ca bệnh.
Sau khi nghe báo cáo chi tiết về 4 trường hợp tử vong dương tính với cúm A/H1N1pdm, các chuyên gia đã thảo luận và nhận thấy, các trường hợp này đều trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, hội chứng Cushing… đến viện muộn, không được tiếp cận hồi sức tích cực sớm, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện đều có viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp, về cơ bản không có sự bất thường.
Sau khi nghe các ý kiến từ các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm, hồi sức tích cực, vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn đến từ các viện, bệnh viện đầu ngành, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu cần làm thêm giải trình tự gen các ca viêm phổi virus nặng để loại trừ các chủng virus mới, các bệnh viện tuyến cuối giám sát, phát hiện sớm các ca bất thường;
Nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng cúm mùa và các chủng virus cúm; tăng cường công tác tiêm phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao; Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu tình trạng kháng thuốc Oseltamivir.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị tăng cường giám sát cúm tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các ca nặng, sớm phát hiện các ca cúm chủng mới; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện công tác phân luồng, cách ly các ca cúm nặng, phòng trường hợp phát sinh các chủng virus mới.
Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là chủng cúm mùa thông thường.
Người bệnh cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng giống chủng cúm mùa khác như sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, ho, sổ mũi, mệt mỏi, suy nhược. Do có dấu hiệu giống cảm cúm thông thường, bệnh chỉ được chẩn đoán chính xác qua xét nghiệm dịch mũi họng. Cúm A/H1N1 có thể lây qua đường hô hấp, tức dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường; hoặc lây theo đường tiếp xúc, khi vô tình chạm tay vào các bề mặt chứa virus, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể nhiễm virus.
Năm 2009, virus cúm A/H1N1, lúc ấy còn gọi là cúm lợn, lần đầu được phát hiện tại Mexico. Chỉ trong thời gian ngắn, virus này nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia, gồm cả Việt Nam. Tháng 6 cùng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là một đại dịch toàn cầu.
Tại Việt Nam, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào tháng 5/2009. Chỉ vài tuần sau, virus lan nhanh tại các thành phố lớn, số ca bệnh tăng vọt. Phần lớn người nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ, một số trường hợp nặng dẫn đến biến chứng nguy hiểm và tử vong, đặc biệt ở người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh nền.
Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận