Bệnh ung thư đang có xu hướng tăng nhanh. (Nguồn: specialisthealthcentre.co.uk) |
Các nhà khoa học trường Đại học Stanford tiêm một loại thuốc, là một chuỗi DNA siêu nhỏ, đồng thời vào cả những con chuột mang khối u ác tính của người và những con chuột không có khối u. Loại DNA trên được kích hoạt bằng một hoạt chất đặc biệt chỉ hoạt động trong tế bào ung thư và sản sinh ra một loại protein, được đặt tên là SEAP.
Sau khi tiêm xong, các nhà khoa học tiến hành đo nồng độ SEAP trong máu của các con chuột thí nghiệm theo quy trình thời gian là sau khi tiêm từ 1, 3, 7, 11 đến 14 ngày. Kết quả cho thấy chỉ trong vòng 48 giờ sau khi tiêm DNA, SEAP đã xuất hiện trong máu của chuột có khối u nhưng không xuất hiện ở những con chuột không có khối u.
Dấu hiệu này bắt đầu giảm dần sau 72 giờ tiêm và biến mất trong vòng hai tuần sau đó. Ngoài ra, kết quả còn cho thấy nồng độ SEAP xuất hiện nhiều nhất tại khu vực phổi của chuột, nơi tập trung khối u. Điều này chứng tỏ SEAP không chỉ báo hiệu sự xuất hiện của ung thư mà còn cho biết mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.
Giám đốc Trung tâm Canary Stanford phát hiện sớm ung thư kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Sanjiv Gambhir cho biết phương pháp phát hiện ung thư bằng “chất đánh dấu sinh học” hoặc chất báo hiệu có khối u, đã từng được sử dụng nhiều lần trước đó nhưng khá phức tạp và không chính xác.
Mỗi loại khối u lại tiết ra một loại chất đặc trưng đòi hỏi phải có những lần xét nghiệm riêng biệt. Những chất lạ được xem là chất đánh dấu sinh học cũng thường xuất hiện trong các mô khỏe vì vậy một kết quả dương tính không có nghĩa là người đó đang thực sự bị ung thư. Ngoài ra, trong trường hợp khối u nhỏ sẽ không tiết đủ lượng chất đủ để báo hiệu sự xuất hiện của khối u.
Trong khi đó, phương pháp của nhóm Gambhir có tính chất ưu việt hơn khi làm cho tất cả các loại khối u đều sản sinh ra cùng một loại chất đánh dấu sinh học. Đây là loại chất mà sự xuất hiện của nó trong mạch máu của chuột sẽ xác định rõ ràng có tế bào ung thư vì mô của chuột không ung thư sẽ không sản sinh được.
Hiện tại DNA được đưa vào cơ thể chuột bằng phương pháp tiêm, song các nhà khoa học cho biết loại thuốc này có khả năng đưa vào cơ thể dưới dạng thuốc viên uống. Giáo sư Gambhir cho biết mặc dù đến nay họ chưa phát triển loại DNA trên dưới dạng viên thuốc uống, nhưng ông tin đây là vấn đề có thể giải quyết được trong vài năm tới.
Các nhà khoa học cho biết nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả, phương pháp này có thể trở thành một công cụ chính tầm soát ung thư cho con người.
Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu của NUS. (Ảnh minh họa; Nguồn: NUS) |
Trước đó, theo tờ Straits Times, ngày 13/2, các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) vừa cho biết họ đã tìm thấy một phương pháp làm chậm sự tiến triển của bệnh ung thư.
Cụ thể, theo quan sát của các nhà khoa học, khi hai loại protein tương tác qua một thời gian dài, ung thư có nhiều khả năng xảy ra. Vì vậy, các nhà khoa học đã nghĩ ra một cách để ngăn chặn sự tương tác này.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu vẽ sơ đồ cấu trúc của một trong những protein. Sau đó, họ phải đảm bảo rằng kỹ thuật này không khiến các protein dừng lại việc thực hiện chức năng bình thường của nó.
"Rất nhiều thuốc điều trị ung thư có các tác dụng phụ bởi vì chúng ta đang can thiệp cả tới các chức năng tốt khác của cơ thể," phó giáo sư Caroline Lee, Trường Dược Yong Loo Lin, giải thích. "Hy vọng rằng, chúng ta sẽ nhắm tới đúng mục tiêu hơn."
Tuy quá trình nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa được thử nghiệm trên người, nhưng các kết quả thí nghiệm trên động vật cho thấy khối u ung thư đã được biến đổi gen tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với các khối u bình thường không được tác động.
Bước tiếp theo sẽ là phát triển một loại thuốc có thể đạt được hiệu quả tương tự. Các nhà khoa học hy vọng rằng, nếu thành công, họ có thể sản xuất ra một loại thuốc có thể chế ngự được các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận