Tín dụng cao, GDP thấp, tiền ngân hàng đi đâu?

08/08/2017, 07:21

6 tháng qua, tín dụng tăng cao đột biến, song tăng trưởng GDP lại khá dè dặt.

18

Ngân hàng đóng góp vốn là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán, bất động sản từ đầu năm đến nay khá sôi động - Ảnh: Minh Tuấn

Chứng khoán, bất động sản “đua” hút tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06% và với đà này, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm. Báo cáo của NHNN cũng thể hiện, tín dụng tăng đều qua các tháng, cho thấy việc hấp thụ vốn của nền kinh tế đều đặn và ổn định từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 5,73% - khá “khiêm tốn” so với kỳ vọng. Vậy nên, câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là: Vốn đã thực sự “chảy” vào sản xuất, kinh doanh?

Báo Giao thông đặt câu hỏi này với chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, ông nhận xét, tác động của tín dụng đến tăng trưởng bao giờ cũng có độ trễ, thường sau 1 - 2 quý. “Một doanh nghiệp vay tiền đầu tư nhà máy, thì phải sau một thời gian vận hành, ra lò sản phẩm mới đóng góp vào GDP rõ nét”, ông Thế Anh phân tích.

Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đã đưa ra khuyến cáo chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP (một trong những chỉ số cảnh báo sớm khủng hoảng ngân hàng được Ngân hàng Thanh toán quốc tế khuyến nghị) đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 đến nay. Theo đó, trong quý I/2017, chỉ số này ở mức 11% - mức cao thứ 2 trong giai đoạn 2009 - 2017, chỉ đứng sau mức 13% của quý I/2011.

Tuy nhiên, phân tích diễn biến kinh tế, ông Phạm Thế Anh cũng cho rằng, có dấu hiệu cho thấy dòng vốn không chỉ chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh mà còn phân tán ra một số kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản, thậm chí găm giữ ngoại tệ. Chẳng hạn, báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây cho biết, tính đến hết tháng 6, mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Ông Thế Anh nhận định: “Các chính sách kích thích tín dụng của NHNN đã thúc đẩy tiêu thụ vốn, song có biểu hiện chứng khoán, bất động sản cũng “đua” hút tín dụng với sản xuất, kinh doanh, nhất là khi những lĩnh vực nóng này thường cho lãi suất cao hơn”.

Chung quan điểm này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, khi tín dụng chảy vào kênh chứng khoán, hay bất động sản, nếu tập trung vào thị trường sơ cấp (phát hành cổ phiếu lần đầu hoặc cho vay các chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng...), thì vẫn có đóng góp cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Hiếu, lượng vốn từ đầu năm đến nay “đổ” vào thị trường thứ cấp (mua đi bán lại chứng khoán trên thị trường; mua đi bán lại đất nền, căn hộ...) vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong trường hợp này, tín dụng đóng vai trò rất thấp kích thích tăng trưởng. “Tôi lấy ví dụ, suốt thời gian dài vừa qua, đất nền ven TP HCM sốt giá, giao dịch sôi động, có phần đóng góp của tín dụng. Báo cáo của NHNN TP HCM cũng thể hiện, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản những tháng đầu năm tăng cao. Song tiền “đổ” vào mua bán đất nền rõ ràng không đóng góp cho GDP”, ông Hiếu nói.

Thận trọng nới lỏng tiền tệ?

Đứng ở góc độ người kinh doanh ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Võ Tấn Hoàng Văn lý giải, tín dụng mới tăng cao từ đầu năm tới nay, do vậy cần thêm thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế. “GDP quý I năm nay khá thấp, sang quý II đã tăng dần trở lại và tôi tin sang quý III sẽ hồi phục rõ nét hơn”, ông Văn dự báo.

Ông Văn phân tích thêm, khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp tỷ trọng khá lớn vào tăng trưởng GDP. Song thời gian qua, tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp đầu ngành gần như chững lại khiến chỉ số này khó bứt phá. Để cải thiện GDP, ông Văn cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. “Khi đó, Nhà nước có thể tăng thu một khoản không nhỏ cho ngân sách từ bán bớt cổ phần nắm giữ. Mặt khác, sau cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chắc chắn cải thiện, từ đó đóng góp cho nền kinh tế”, ông Văn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN cần tính toán, cân nhắc thận trọng hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm nay. “Tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP là mức hợp lý. Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 6,7%, tín dụng tăng 16 - 17% là “đẹp”, nếu đẩy lên 18% hoặc hơn là cao, nhất là khi chưa thể đảm bảo GDP có khả năng đạt mục tiêu đề ra hay không”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.