Pháp luật

Tín dụng đen côn đồ lây lan khắp nơi

07/01/2019, 07:08

Nắm bắt được nhu cầu vay tiền “nóng” của người dân, muốn có tiền ngay tức khắc để chi trả, tiêu xài...

24

Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán nhan nhản trên khắp các con hẻm, ngõ phố (Ảnh chụp tại một khu dân cư ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội)

Nguồn cơn của các vụ phạm pháp

Theo cơ quan công an, thực tế, các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng đen thường ẩn mình dưới những vỏ bọc như: Hiệu cầm đồ, công ty cho vay tài chính, quán kinh doanh... Do lãi suất “cắt cổ” nên phần lớn các con nợ đều không trả được nợ. Chính từ đây nảy sinh các vấn đề phức tạp, các vụ án bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản liên tục xảy ra... Điển hình như băng nhóm Nguyễn Hữu Tám (tức Tám “cầu”, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) chuyên hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn K. (ở xã Hải Bối) bị nhóm côn đồ đưa về nhà Tám đánh đập, cưỡng ép đòi nợ. Mặc dù bị thương tích nặng, nhưng anh K. chỉ dám tố giác khi được cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh vận động.

Hay như trường hợp của anh Nguyễn Chí N. (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), bị nhóm đối tượng gồm Phạm Vinh Quang, Trần Văn Hợi (trú quận Ba Đình) cầm hung khí đến đòi nợ và hành hung rất dã man. Trước đó, vợ con anh trên đường từ nhà đi học, đi làm cũng đã bị nhóm này dùng nhiều thủ đoạn khủng bố tinh thần khiến các nạn nhân hoang mang tột độ.

Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an thống kê trong 4 năm gần đây cho thấy, toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen. Trong số này có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng huy động vốn với số lượng hàng nghìn tỷ đồng gây vỡ nợ dây chuyền.

Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự cả nước đang rà soát làm rõ 210 băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng… Bộ Công an cũng đang tháo gỡ vướng mắc trong chính sách hình sự, đề xuất xử lý nghiêm hoạt động này để hình phạt đủ sức răn đe.

Tại TP HCM, tội phạm tín dụng đen cũng hoạt động hết sức phức tạp. Mới đây, Công an quận 12 đã vất vả giải cứu một phụ nữ bị nhóm đòi nợ nặng lãi bắt cóc. Thời điểm xảy ra vụ việc, chị A. (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vay nặng lãi của băng nhóm do Nguyễn Văn Năm (27 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc) số tiền 6 triệu đồng và còn bảo lãnh cho người bạn vay của Năm hơn 70 triệu đồng. Khi không đòi nợ được chị A., nhóm của Năm đã tổ chức đàn em bắt cóc, thay phiên nhau đánh đập, dọa giết, yêu cầu chị A. gọi điện về cho người nhà mang tiền đến. Khi khám xét nhà các đối tượng, công an thu giữ hàng trăm giấy tờ cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.

Trường hợp khác là ông T. (ở quận 8), do cần tiền gấp nên vay 50 triệu đồng qua số điện thoại trên tờ rơi, tiền lãi mỗi tháng là 15 triệu đồng. Trả lãi được 5 tháng vẫn chưa hết nợ gốc, ông T. bị hăm dọa và đã phải bỏ trốn. Lúc này, nhóm cho vay dùng thủ đoạn tạt mắm tôm pha sơn vào nhà ông T. bất kể ngày đêm, con gái đang học ở trường cũng bị hăm dọa, những tờ rơi bêu xấu rải khắp từ khu xóm đến trường học. Sau khi truy tìm và bắt được ông T., chúng đánh đập, bắt nạn nhân phải viết 4 tờ giấy nhận số tiền gốc lẫn lãi 400 triệu đồng mới cho về. Đến lúc này, ông T. mới đến cơ quan công an tố giác vụ việc.

Mới đây, chiều 5/1, Công an huyện Dầu Tiếng, Bình Dương đã bắt giữ Hoàng Văn Duy (31 tuổi) và Hoàng Văn Phong (37 tuổi, cùng quê Hải Dương) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Trước đó, chị N.T.V. (trú huyện Dầu Tiếng) đã đến trình báo về việc vay tiền của Phong và Duy với lãi suất cao. Nhiều lần chị V. bị hai đối tượng nhắn tin đe dọa giết người. Công an xác định, trong tháng 12/2018, có hơn 20 trường hợp vay tiền của Duy và Phong từ 5 - 100 triệu đồng. Cả 2 đã thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Cũng vào đầu năm 2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá 4 tổ chức tín dụng đen với 32 điểm hoạt động do các đối tượng côn đồ cộm cán cầm đầu, có mặt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố của tỉnh. Ước tính có hàng chục nghìn người là nạn nhân của 4 tổ chức này.

25

Một số đối tượng trong 4 tổ chức tín dụng đen ở Thanh Hóa vừa bị bắt giữ đầu năm 2019

Chế tài không đủ răn đe

Theo ghi nhận của cơ quan công an, gần đây, các đối tượng cho vay nặng lãi tại Hà Nội, Hải Phòng đã thay đổi địa điểm, vươn vòi bạch tuộc vào khu vực phía Nam, Tây Nguyên, nhất là các địa phương như: TP HCM, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng… Công an xác định, các nhóm giang hồ gốc Bắc trong cùng lĩnh vực thường có mối liên hệ chặt chẽ. Mỗi băng nhóm cho vay nặng lãi đều có quy mô hoạt động chuyên nghiệp. Cụ thể, trong một băng lớn có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ để chia địa bàn quận, huyện hoạt động. Tùy theo điều kiện của người có nhu cầu vay, chúng có thể cho vay số tiền từ vài triệu đồng hay vài tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM, mặc dù hoạt động tín dụng đen phức tạp như vậy song đa số vụ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính, do vướng mắc ở các quy định của pháp luật. Hiện, theo luật hình sự cho vay với lãi suất trên 8,33%/tháng mới bị xem là có vi phạm, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Chế tài như vậy vẫn là quá nhẹ nên rất khó răn đe. “Về hướng giải quyết, một số nghị định đang được lấy ý kiến sửa đổi. Nếu sửa đồng bộ và có hệ thống thì sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm này một cách căn cơ”, ông Minh nói.

Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra hơn 4.500 vụ án hình sự, trong đó có rất nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen. Nguyên nhân do nhu cầu vay vốn tiêu dùng và nhu cầu cá nhân rất lớn, trong khi hệ thống sản phẩm dịch vụ ngân hàng và các tổ chức tài chính chưa rộng khắp và thuận tiện. Để giải quyết hiệu quả, bên cạnh công tác đấu tranh, phát hiện, triệt phá các ổ nhóm tội phạm tín dụng đen, Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường giải quyết vấn đề tín dụng đen và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho bộ, ngành liên quan. “Đặc biệt, cuối tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có hoạt động tín dụng đen nhằm triệt xóa các ổ nhóm phạm tội”, Đại tá Tám thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.