Hàng hải

Tín hiệu mới cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hơn 113.000 tỷ đồng

16/01/2025, 16:21

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM, với thời gian triển khai qua 7 giai đoạn trong vòng 20 năm (đến năm 2045).

Tín hiệu mới cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hơn 113.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Quy mô bến cảng được thiết kế để tiếp nhận tàu mẹ có trọng tải lên đến 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU) và tàu feeder từ 10.000 đến 65.000 DWT, với tổng chiều dài bến cầu chính 7,2 km. Tổng diện tích sử dụng đất là 571 ha.

Công suất dự kiến trong năm đầu tiên đạt 2,1 triệu tấn, tăng dần lên 16,9 triệu TEU khi hoạt động hết công suất. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 113.500 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).

Với sự hình thành cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam và sự tham gia của các đơn vị vận hành cảng hàng đầu thế giới, dự án hứa hẹn sẽ biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự án sẽ định vị Việt Nam trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế khổng lồ, giúp thu hút các đơn vị vận tải, logistics lớn của thế giới.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Dự án cũng sẽ hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và giảm thiểu các chi phí trung gian.

Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến mang lại nguồn thu ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng hơn 6.000 - 8.000 nhân công vận hành khai thác và tạo hàng chục ngàn lao động trong quá trình xây dựng dự án và nhân công phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Với vị trí chiến lược, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa, còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không những thế, cảng còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là biểu tượng mới cho sự phát triển hạ tầng kinh tế biển, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Dự án không chỉ khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ hàng hải quốc tế mà còn đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định vị là cảng trung chuyển quốc tế đặc biệt, có quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.
Dự án đã được đưa vào Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.