Thời sự Quốc tế

Tin mới nhất về biến thể virus Delta Plus - hiểm họa mới

23/06/2021, 16:52

Biến thể Delta Plus là gì? Nó có thể kích hoạt một làn sóng thứ ba ở Ấn Độ và đe dọa toàn cầu?

img

Tình trạng thiếu dưỡng khí trong đợt bùng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - ảnh tư liệu BBC.

Với việc một số bang của Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế về khoảng cách và nới lỏng các hướng dẫn phòng dịch, biến thể mới có thể tạo ra làn sóng Covid-19 thứ ba.

Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ

Trang TopStory của Ấn Độ ngày hôm nay (23/6) đưa tin, chỉ một ngày sau khi Ấn Độ báo cáo tổng cộng 22 trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể Delta Plus, các trường hợp nhiễm virus Delta Plus được phát hiện đã tăng lên 40 ca.

Khi số lượng ca nhiễm Covid-19 trong nước giảm, chủng mới của biến thể Delta, còn được gọi là Biến thể Delta Plus, đã được phát hiện ở nhiều nơi trên cả nước, trở thành nỗi lo ngại lớn với người dân Ấn Độ cũng như các quan chức và chính phủ ở nước ngoài.

Hầu hết các trường hợp nhiễm biến thể Delta Plus ở Ấn Độ đến từ các bang Maharashtra, Madhya Pradesh, Kerala và Tamil Nadu.

Theo tổ chức INSACOG của Bộ Y tế Ấn Độ, biến thể Delta Plus đã làm tăng khả năng lây truyền, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng với điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Biến thể Delta Plus có nguồn gốc từ biến thể delta (B.1.617.2) được quan sát thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ. Delta Plus được hình thành sau một đột biến K417N trên gen đột biến của protein, cho phép virus thoát khỏi hệ thống miễn dịch của một người hiệu quả hơn.

Một biến thể khác được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ là Kappa, được ký hiệu là chủng B1.617.1. Tuy nhiên, đây là biến thể Delta được cho là đứng sau làn sóng Covid-19 thứ hai, đã quét qua đất nước vào tháng 4 đến tháng 5 và đạt đỉnh điểm trong suốt hai tháng.

Đột biến K417N cũng được tìm thấy trong biến thể beta (B.1.351), lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, đã được chứng minh là có khả năng né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể người ở mức độ cao.

Biến thể hiện đang có mặt ở 9 quốc gia khác gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Trung Quốc, Nepal và Nga.

Các triệu chứng sau khi nhiễm biến thể Delta Plus

Biến thể mới nhất vẫn đang được nghiên cứu và các nhà khoa học đang cố gắng xác định những điểm khác biệt giữa các triệu chứng do Covid-19 gây ra và đột biến Delta plus.

img

Các nhà khoa học Ấn Độ đang nghiên cứu biến thể virus Covid-19 Delta Plus.

Các nghiên cứu sơ bộ dường như cho thấy ngoài ho khan thông thường, sốt, mệt mỏi, đau nhức, phát ban da, đổi màu ngón chân và ngón tay, đau họng, viêm kết mạc, mất vị giác và mất khứu giác, tiêu chảy và nhức đầu, đau ngực, khó thở, và mất khả năng nói như bình thường...., bệnh nhân nhiễm biến thể Delta Plus cũng có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chán ăn, nôn mửa, đau khớp, suy giảm thính lực...

Các chuyên gia hiện đang cố gắng tìm hiểu xem biến thể mới Delta Plus này có đẩy nhanh biến chứng của Covid-19 và có gây nhiễm trùng sau khi mắc nghiêm trọng hay không.

Tuy nhiên, những phát hiện sơ bộ cho thấy rằng biến thể mới này có thể kháng lại các phương pháp điều trị theo kiểu kết hợp các kháng thể đơn dòng đối với virus Covid-19. Liệu pháp gần đây đã được chấp thuận ở Ấn Độ, bao gồm sự kết hợp của hai loại thuốc: Casirivimab và Imdevimab.

Một mối quan tâm tiềm ẩn khác vẫn đang được các chuyên gia y tế nghiên cứu là biến thể Delta Plus mới có thể vượt qua được khả năng miễn dịch được cung cấp bởi cả vaccine và các trường hợp đã nhiễm Covid-19 trước đó.

Delta Plus có thể bị chặn đứng bởi các vaccine hiện có?

Các nhà khoa học vẫn chưa kiểm tra hiệu quả của vaccine trên biến thể Delta Plus nhưng Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng vaccine dường như có hiệu quả.

“Vắc xin mRNA dường như có hiệu quả cao, khoảng 88% so với biến thể Delta. Các loại vaccine vectơ virus của Johnson & Johnson và AstraZeneca dường như cũng có hiệu quả khoảng 60%” - ông Scott Gottlieb nói.

Các vaccine do Moderna và Pfizer / BioNTech phát triển hiện sử dụng công nghệ mRNA.

Theo nghiên cứu, vaccine Pfizer và AstraZeneca chỉ có hiệu quả 33% trong ba tuần sau liều đầu tiên đối với các trường hợp có triệu chứng của biến thể Delta, so với 50% hiệu quả đối với biến thể Alpha.

Một nghiên cứu của Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ ở Pune, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ và Bharat Biotech cho rằng vaccine Covaxin nội địa của Ấn Độ “thể hiện phản ứng bảo vệ” chống lại các biến thể Delta và Beta.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của AIIMS thuộc Viện Khoa học Y khoa Toàn Ấn Độ trên một nhóm nhỏ 63 người cho rằng cả vaccine Covishield và vaccine Covaxin đều không có hiệu quả chống lại biến thể Delta Plus.

Ấn Độ phải làm gì?

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng biến thể Delta Plus có thể tạo ra làn sóng thứ ba trong những tháng tới, vì nó có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Dữ liệu cho thấy mức độ phổ biến của biến thể mới này hiện còn thấp ở Ấn Độ nhưng nó có thể thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn.

Theo kinh nghiệm trước đó, biến thể Delta cũng đã được phát hiện với số lượng cực kỳ thấp vào đầu đợt sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của vô số người và đạt đến mức độ truyền nhiễm kinh hoàng chỉ trong hai tháng rưỡi.

Tiến sĩ VK Paul - thành viên (Bộ Y tế), thành viên NITI Aayog (Viện chuyển đổi quốc gia Ấn Độ), chỉ ra rằng, con đường đúng đắn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 là theo dõi sự lây lan của nó trong nước và đưa ra phản ứng phù hợp với sức khỏe cộng đồng, trong đó vaccine đóng vai trò quan trọng.

Biến chủng Delta mối đe dọa lớn với châu Âu và Mỹ

Tiến sĩ Fauci - cố vấn y tế Nhà Trắng tuyên bố biến chủng Delta là "mối đe dọa lớn nhất" với chiến dịch chống Covid-19 của Mỹ.

Bà Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết các nghiên cứu cho thấy Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 60% so với Alpha (biến chủng vốn dễ lây lan hơn so với chủng gốc xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc).

Nếu được tiêm phòng, bạn sẽ được bảo vệ khỏi biến chủng Delta này, bà Walensky nói. Tuy nhiên, đáng tiếc nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ không thể tiêm đủ cho 70% dân số vì lượng người phản đối tăng nhanh.

Còn ở Anh, biến chủng Delta hiện chiếm hơn 60% ca nhiễm mới.

Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ lo ngại khi Anh vẫn tiếp tục tổ chức các trận bóng Euro với khán đài đông chật người. Tôi hy vọng Chính phủ Anh thực thi các biện pháp phòng dịch cần thiết, bà nói.

(*) INSACOG là tổ chức thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình do Chính phủ Ấn Độ thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 2020, nhằm nghiên cứu và theo dõi trình tự bộ gen và sự biến đổi vi rút của các dòng COVID-19 đang lưu hành ở Ấn Độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.