Ảnh cắt từ clip thanh niên chết đuối tại hồ hàm nghi |
Một thanh niên chới với giữa hồ nước sâu. Đám đông đứng trên bờ chỉ trỏ, bình phẩm mà không "ngay lập tức" lao xuống hồ cứu người. Nhiều phút trôi qua và đến khi xuất hiện hai thanh niên lội xuống hồ để cứu kẻ xấu số kia thì mọi việc đã quá muộn... Clip ghi lại sự việc sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã làm dậy sóng dư luận về sự vô cảm. Sự thật có phải như vậy?
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 8h15 ngày 21/2, tại hồ Hàm Nghi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng xảy ra vụ đuối nước làm một thanh niên tử vong. Nạn nhân là anh Nguyễn Trường Giang (SN 1992, trú đường Ông Ích Khiêm, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu). Ngay sau khi sự việc xảy ra, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip quay lại sự việc, trong đó nhiều người “chỉ đứng nhìn, thấy chết không cứu” và cho rằng người dân quá vô cảm, cơ quan chức năng cũng chưa làm hết trách nhiệm.
Quá bất ngờ, không kịp trở tay
Để làm rõ vấn đề, PV trở lại khu vực hiện trường xảy ra vụ việc và người dân tại đây đều khẳng định: những người chứng kiến đã làm hết cách có thể. “Nói chúng tôi vô cảm, đứng nhìn là oan ức, không đúng”. Theo chị Nguyễn Thị Thu (SN 1979, trú phường Vĩnh Trung), chủ một quán nước ven hồ Hàm Nghi, khoảng 8h sáng 21/2, chị cùng khách tại quán nhìn thấy anh Giang đi bộ trên đường Tản Đường. “Cậu ta vừa đi vừa nhảy múa, tay chân loạng choạng. Khi đến bờ hồ, cậu ta đi thẳng xuống cầu thang bằng đá nối xuống hồ nước. Lúc đó chúng tôi cứ tưởng cậu ta lội xuống hồ để gỡ lưới bắt cá vì hồ này rất nhiều cá, hàng ngày vẫn có người ra câu cá và thả lưới. Chúng tôi làm sao biết cậu ta tự tử hay không”, chị Thu lý giải.
Cũng theo lời kể của chị Thu, anh Giang lội ra đến khi nước ngang mép bụng thì vẫn có biểu hiện nhún nhảy như “phê thuốc”. Lúc đó chị cùng mọi người gọi cho Công an phường Vĩnh Trung trình báo, đồng thời đứng trên bờ hô hoán, kêu gọi anh Giang lên bờ nhưng bất thành.
Anh Nguyễn Vũ, một trong hai người bơi ra cứu anh Giang cho biết, lúc đầu thấy có công an đến hiện trường nên anh cùng những người khác yên tâm hơn. Nhưng càng lúc anh Giang càng lội ra xa, chới với giữa hồ. “Tôi nhìn anh ta giống người đang ngáo đá, đứng dưới nước mà múa may lung tung. Hơn nữa lúc sau có công an đến nên mọi người đều dõi theo công tác ứng cứu của công an.
Khi công an nhờ chúng tôi bơi ra cứu thì chúng tôi liền bơi ra nhưng tiếc là đã muộn. Vậy mà mọi người nói chúng tôi vô cảm, nói như vậy là không đúng, là oan cho tất cả những người chứng kiến”, anh Vũ nói.
Cứu người phải có kỹ năng
Thượng tá Kiều Văn Vương, Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo từ Công an phường Vĩnh Trung. Ngay khi nhận được tin báo của người dân, công an phường đã cử một tổ công tác gồm 4 cán bộ đến hiện trường vận động, thuyết phục nạn nhân vào bờ, đồng thời tìm người có khả năng bơi lội, huy động phương tiện, áo phao cứu hộ.
“Dù vậy, anh Giang vẫn không chịu hợp tác và tiếp tục di chuyển ra giữa hồ. Nhận thấy tình huống nguy cấp, hai người dân có khả năng bơi lội giỏi đã nhảy xuống ứng cứu (trong đó có anh Vũ) nhưng khi ra tới nơi thì anh Giang đã chìm hẳn. Khi được đưa lên bờ để sơ cứu thì nạn nhân đã tử vong”,Thượng tá Vương nói và cho biết, nguyên nhân được xác định là do Giang sử dụng ma túy, bị ảo giác. Gia đình của nạn nhân cũng xin không khám nghiệm tử thi và đã nhận thi thể về mai táng.
Ông Trà Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 cũng xác nhận, anh Giang (biệt danh Cu Bon) là đối tượng nghiện ma túy lâu năm, đã đi cai nghiện vào các năm 2011-2013 và 2013-2015.Theo Thượng tá Vương, phản ứng của lực lượng công an như thế là kịp thời, hoàn toàn không có chuyện thiếu trách nhiệm, vô cảm như nhiều ý kiến trên mạng xã hội bức xúc. Việc cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi phải có phương tiện, kỹ năng, nếu không dễ gây hậu quả cho cả bản thân người đi cứu.
Anh Trần Văn Đãi (SN 1982, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), người có thâm niên 6 năm làm cứu hộ bãi biển Mỹ Khê cho biết, dù là cứu hộ chuyên nghiệp, nhưng việc cứu người đuối nước là không đơn giản và không phải ai cũng nắm vững việc cứu người một cách bài bản, đúng cách. “Việc phán xét những người đứng nhìn người chết đuối mà không cứu là vô cảm thì quá vội vàng, không hiểu những nguy hiểm mà người cứu hộ phải đối mặt”, anh Đãi cho hay.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) Điều 102 BLHS quy định tội danh “Không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi bản thân có điều kiện”. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng khó quy trách nhiệm cho những người dân đứng xung quanh được. Bởi lẽ trách nhiệm cứu người đầu tiên thuộc về các lực lượng chuyên trách khi họ có đầy đủ phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để làm. Mặt khác, người dân phải xác định được bản thân có đủ khả năng, trong trường hợp này là khả năng bơi lội và sức khỏe để cứu người. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận