Chiều 1/8, ông Tôn Thất Viễn Bào xác nhận đã ký Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng bộ VHTT&DL |
Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Huế (Tổ chức kế thừa Tôn Nhơn Phủ trông coi việc Hoàng Tộc triều Nguyễn) cho biết đã ký Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc “lăng mộ của bà cửu giai Tài Nhân Lê Thị Thụy Thục Thuận bị phá hủy” để gửi lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.
Trong đơn, ông Viễn Bào cho biết, theo tài liệu lịch sử thì lăng vua Tự Đức còn gọi là Khiêm Lăng được xây dựng vào tháng 12/1864 ở Thủy Xuân (TP. Huế). Nơi đây mặc dù là mộ phần tổ tiên do hậu duệ nhà Nguyễn Phúc có trách nhiệm thờ cúng, nhưng lại thuộc quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ngày 19/6/2017, Công ty TNHH TMDV Chuỗi giá trị-chủ đầu tư Dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh (phường Thủy Xuân) đã cho san ủi mặt bằng khi chưa được Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế bàn giao mặt bằng. Qúa trình san ủi đã gặp một lăng mộ cổ có kiến trúc tương tự lăng bà Học Phi, một trong những phi tần của vua Tự Đức cách đó khoảng 100m.
Theo người dân sinh sống ở đây, đó là lăng của một bà phi tần của vua Tự Đức thường gọi là Lăng Đen. Theo ông Viễn Bào, dù người dân ở đây có hành động ngăn cản, nhưng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chuỗi giá trị không yêu cầu dừng lại mà để người lái xe ủi san lăng mộ này. Sự việc sau đó mới được một người trong dòng họ Nguyễn Phúc Tộc biết và thông báo. Khi Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc Huế đến hiện trường thì nơi đây đã bị san bằng.
Sau 3 ngày đào bới tìm kiếm, đến ngày 24/6, người của Nguyễn Phúc Tộc mới tìm thấy tấm bia đá cổ chôn vùi dưới khu vực bị san ủi. Trên tấm bia có ghi khắc các chữ Hán là “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị, Thụy Thục Thuận chi mộ”. Sau đó, Nguyễn Phúc Tộc cùng với một số nhà nghiên cứu đối chiếu với miếu thờ trong Chí Khiêm Đường-nơi thờ tự các phi tần vua Tự Đức và đã xác định có bài vị thờ bà Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận. Sau đó, cũng đã tìm thấy huyệt mộ của bà Tài Nhân tại khu vực bị san ủi mặt bằng làm dự án.
Dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân |
Ông Tôn Thất Viễn Bào khẳng định đó là lăng vợ vua Tự Đức (người họ Lê, tước Tài Nhân thuộc bậc thứ 9, khi qua đời được phong hiệu là Thục Thuận). Đồng thời cho biết, tại các cuộc làm việc với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc cùng ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương, ông Lê Quốc Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chuỗi giá trị đã thừa nhận sai và hứa khắc phục bằng cách xây lại nguyên lăng mộ của bà Tài Nhân tại địa điểm đã san ủi theo bản vẽ của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
"Mặc dù ông Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chuỗi giá trị đã xin lỗi và hứa khắc phục, nhưng rõ ràng hành vi ngang nhiên hết sức vô đạo này đã vi phạm điều 319 của BLHS là tội “cố ý phá hủy mồ mả”. Bên cạnh đó, Công ty này còn vi phạm hành vi nghiêm cấm đối với các di tích ở mục 3 điều 13 “Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh” trong Luật Di sản. Việc san ủi này rõ ràng bất chấp pháp luật, cụ thể khi chưa có ý kiến của phía liên quan là chưa được di dời”, Đơn kêu cứu khẩn cấp nêu.
Cũng trong đơn, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc Huế khẳng định lăng bà Tài Nhân đã tồn tại 124 năm và được xem là di vật văn hóa cần được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, căn cứ vào điều 3 của Bộ Luật này về di vật, vật thể văn hóa trên 100 năm. Vì vậy, lăng bà phi tần Lê Tài Nhân cùng với lăng bà Học Phi và lăng tập thể 15 vị phi tần khác là những đơn vị di tích lịch sử văn hóa hữu cơ nằm trong quần thể di tích lăng Tự Đức, tạo nên bộ mặt thiết chế văn hóa lịch sử của một thời đại quá khứ.
Sau tìm thấy tấm bia đá, huyệt mộ bà Tài Nhân được tìm thấy tại vị trí đã bị san ủi |
Có thể nói lăng này là một đơn vị hữu cơ trong quần thể lăng Tự Đức mà lăng Tự Đức đã được xem là di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993, nên hành vi phá hoại lăng bà Tài Nhân đồng nghĩa như phá hoại di tích quốc gia và bị chế tài theo các điều 29-32-37 của Luật Di sản văn hoá, ông Bào phân tích.
Tại các Đơn kêu cứu, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc Huế cũng cho biết: Sau hơn 1 tháng xảy ra sự việc, vẫn chưa có động thái dứt khoát nào để chúng tôi hoàn thành nơi an nghỉ của bà Tài Nhân cho chu đáo. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL xem xét điều chỉnh dự án và xử lý hành vi trái pháp luật, phục dựng tại vị trí cũ trên cơ sở bản vẻ thiết kế theo kiến trúc dành cho các phi tần đời vua Tự Đức mà Nguyễn Phúc Tộc và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận