Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Trump “xả giận” về ông Obama trên mạng xã hội
Tổng thống Donald Trump ngày 10/5 liên tiếp công kích và chia sẻ các đăng tải chỉ trích người tiền nhiệm, cựu tổng thống Barack Obama, trên mạng xã hội Twitter, theo The Hill.
Trong một đăng tải, ông Trump dẫn lại nhận định của Buck Sexton, một nhà bình luận chính trị theo lập trường bảo thủ, cáo buộc ông Obama "sử dụng những tuần cuối cùng tại nhiệm nhắm đến các nhân vật sắp nhậm chức và phá hoại chính phủ mới". Ông Trump cho rằng đây là "hành động tội phạm chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ từ trước đến nay".
Cùng ngày, ông Trump lại chia sẻ một đăng tải khác từ người ủng hộ, cáo buộc ông Obama là "cựu tổng thống đầu tiên phát ngôn chống đối người kế nhiệm". Tổng thống Trump viết kèm thông điệp "Obamagate", ngầm so sánh với vụ bê bối Watergate của cựu tổng thống Richard Nixon.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn chia sẻ nhiều ảnh chế công kích người tiền nhiệm của mình trên tài khoản Twitter.
"Bão tweet" trên tài khoản cá nhân của ông Trump xảy ra vài ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ xúc tiến hủy các cáo buộc nhắm vào Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng.
Đại sứ từ chức vì so sánh Thủ tướng Merkel với Hitler
Đại sứ Malta ở Phần Lan từ chức sau bài đăng Facebook so sánh Thủ tướng Đức Angela Merkel với trùm phát xít Adolf Hitler.
"75 năm trước chúng ta đã ngăn chặn Hitler. Ai sẽ ngăn chặn Angela Merkel? Bà ấy đã thực hiện giấc mơ kiểm soát châu Âu của Hitler", đại sứ Cộng hòa Malta tại Phần Lan Michael Zammit Tabona đăng Facebook hôm 8/5, ngày kỷ niệm 75 năm Thế chiến II kết thúc ở châu Âu.
Tabona, một doanh nhân và là đại sứ tại Phần Lan từ năm 2014, đã hứng chỉ trích vì bài đăng này. Ông đã xóa bài viết và chưa đưa ra bình luận nào về sự việc.
Bộ Ngoại giao Malta, một quốc gia Nam Âu, ra tuyên bố cho biết đã yêu cầu Tabona xóa bài đăng và nhà ngoại giao này từ chức hôm 10/5.
"Khi chấp nhận đơn từ chức có hiệu lực ngay lập tức của đại sứ, Ngoại trưởng Evarist Bartolo nhấn mạnh những bình luận của đại sứ về Thủ tướng Đức Angela Merkel không đại diện cho tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau giữa Malta và Đức", tuyên bố cho hay.
Ngoại trưởng Bartolo cho biết sẽ gửi lời xin lỗi đến đại sứ quán Đức.
Zambia cảm ơn gái bán dâm giúp truy vết người nhiễm virus Corona
Bộ trưởng Y tế Chitalu Chilufya cho biết người hành nghề mại dâm đã hỗ trợ truy vết ca nhiễm virus Corona sau khi dịch bệnh bùng phát ở thị trấn vùng biên Nakonde của Zambia.
"Những người hành nghề mại dâm đã rất hợp tác và hỗ trợ chúng tôi mọi manh mối cần thiết", Bộ trưởng Y tế Chitalu Chilufya cho biết.
Đến nay, Zambia đã ghi nhận tổng cộng 267 ca bệnh Covid-19 với 7 trường hợp tử vong. Trong số 85 ca nhiễm mới tại thị trấn giáp biên giới Tanzania, có đến 76 trường hợp là gái bán dâm hoặc tài xế xe tải, theo BBC.
Ổ dịch vùng biên bùng phát sau khi Tổng thống Edgar Lungu tuần trước cho phép nhà hàng, sòng bạc và các phòng tập thể hình hoạt động trở. Zambia vừa trải qua 1 tháng phong tỏa để khống chế dịch Covid-19 lây lan.
"Tình hình ở Nakonde vẫn nghiêm trọng. Tổng thống chia sẻ lo ngại", Bộ trưởng Chilufya ngày 10/5 cho biết Tổng thống Lungu đã yêu cầu tạm thời đóng cửa biên giới với Tanzania.
"Chúng tôi không muốn kỳ thị hoặc phân biệt đối xử đối với họ (người hành nghề mại dâm). Họ giúp ích rất nhiều trong việc truy vết tiếp xúc", ông Chilufya khẳng định những người hành nghề mại dâm "rất hợp tác điều tra".
Trung Quốc “trấn an” làn sóng kêu gọi tranh thủ Covid-19 sáp nhập Đài Loan
Trung Quốc đang cố gắng làm dịu làn sóng đang dâng cao ở trong nước kêu gọi Bắc Kinh nên tranh thủ việc thế giới bận đối phó với đại dịch Covid-19 để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
SCMP đưa tin, một loạt các nhà bình luận và các cựu quan chức quân đội Trung Quốc đã lên mạng xã hội kêu gọi sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực - điều mà Bắc Kinh không loại trừ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giới chức muốn duy trì “một lộ trình dài hơi hơn” và đang cố gắng làm dịu những kêu gọi này.
Một số cựu quan chức quân đội cho rằng, Mỹ - vốn cam kết trợ giúp chính quyền Đài Loan bảo vệ chính mình - hiện không có khả năng làm vậy vì tất cả 4 tàu sân bay của Washington ở Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Một số nhà bình luận, trong đó có Tian Feilong, một phó giáo sư tại Đại học Beihang tại Bắc Kinh, đã kêu gọi chính phủ cân nhắc sử dụng vũ lực và cho rằng một luật “chống ly khai” được phê chuẩn vào năm 2005 cho phép chính phủ có quyền hợp pháp để làm vậy.
Ông Tian viết trong bài báo đăng tải trên một trang web tin tức rằng các diễn biến chính trị và xã hội trên hòn đảo cho thấy khó có thể giải quyết tình hình hòa bình và rằng các cuộc biểu tình chống chính quyền tại Hong Kong chứng tỏ mô hình “một nhà nước, hai chế độ” - mà Bắc Kinh hi vọng có thể sử dụng làm cơ sở để sáp nhập Đài Loan - đã thất bại.
Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ phương án dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo.
New York cảnh báo hội chứng bí ẩn liên quan Covid-19 khiến 3 em nhỏ thiệt mạng
Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo hôm qua gửi lời cảnh báo tới chính phủ và cơ quan y tế 49 tiểu bang khác của Mỹ về một hội chứng bí ẩn mới liên quan đến dịch Covid-19. Hội chứng này gây bệnh nặng, thậm chí khiến trẻ nhỏ tử vong.
Ông Cuomo cho biết hội chứng mới đã khiến ít nhất 3 trẻ em thiệt mạng. Trong đó, bệnh nhân nhỏ nhất mới chỉ 5 tuổi, còn bệnh nhân lớn nhất đã hơn 10 tuổi.
Theo ông Coumo, cả 3 bệnh nhân đều tử vong sau khi có dấu hiệu viêm mạch máu.
“Cơ quan y tế bang New York đã gửi cảnh báo đến 49 bang khác về vấn đề này”, Thống đốc Coumo nói trong cuộc họp báo ngày Chủ nhật.
Cũng theo ông Coumo, các chuyên gia y tế bang New York hiện đang theo dõi 85 trẻ em khác mắc các hội chứng liên quan đến Covid-19, và điều tra cái chết của 2 em nhỏ.
Các trẻ em này dù dương tính với SARS-CoV-2, nhưng không có các biểu hiện bệnh thường thấy, mà thay vào đó, lại bị viêm mạch máu hoặc viêm tim.
Theo ông Coumo, tình trạng này giống với hội chứng sốc độc và bệnh Kawasaki - bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính, không rõ nguyên nhân, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi.
81.000 người chết vì Covid-19, Phó tổng thống Mỹ tự cách ly
Hàng loạt quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence đã phải tự cách ly sau khi Nhà Trắng ghi nhận những ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin ngày 10/5 cho biết, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tự cách ly tại nhà ở Washington sau khi thư ký báo chí của ông mắc Covid-19. Theo đó, ông Pence đã không tham dự cuộc họp với Tổng thống Donald Trump và các quan chức quân sự vào hôm 9/5 ngay cả khi có kết quả âm tính với virus gây dịch bệnh Covid-19.
Phó tổng thống Pence, người đứng đầu ban chỉ đạo ứng phó dịch Covid-19 của Nhà Trắng, đã trở thành người thứ 4 trong nhóm chuyên trách này quyết định tự cách ly trong vòng 2 ngày trở lại đây.
Trước đó, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ Stephen Hahn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Robert Redfield cũng tự cách ly vì tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong Nhà Trắng.
Hãng tin Channel News Asia cho biết, theo luật pháp Mỹ, trong trường hợp cả Tổng thống và Phó tổng thống tạm thời không thể tiếp tục công việc điều hành chính phủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ đảm nhận thay vai trò này.
Tình báo Mỹ, Anh xem xét giả thuyết phòng thí nghiệm Vũ Hán gặp sự cố
Tình báo Mỹ, Anh đang xem xét báo cáo về dữ liệu điện thoại di động có thể cho thấy Viện Virus học Vũ Hán gặp sự cố vào tháng 10/2019.
Các cơ quan tình báo hai nước đang nghiên cứu một báo cáo 24 trang do Đơn vị Kiểm chứng Tin tức NBC có trụ sở ở London, Anh thu thập được, cho thấy không có bất kỳ hoạt động nào của điện thoại di động trong khu an ninh cao của Viện Virus học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 7/10 đến 24/10 năm ngoái.
Trước đó, điện thoại di động thường xuyên được sử dụng ở khu vực này. Báo cáo của cơ quan phân tích độc lập này cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy đã xảy ra một "sự cố nguy hiểm" buộc phòng thí nghiệm này dừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 6/10 đến 11/10/2019.
Phân tích dữ liệu điện thoại di động từ khu vực xung quanh Viện Virus học Vũ Hán cũng cho thấy các rào chắn đã được dựng lên trên các con đường gần cơ sở này trong khoảng thời gian từ 14/10 đến 19/10/2019.
Ngoài các cơ quan tình báo Mỹ, Anh, báo cáo cũng đang được Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ xem xét.
Tuy nhiên, tổ chức thực hiện báo cáo dài 24 trang cho hay thông tin này "củng cố giả thuyết Covid-19 khởi phát từ Viện Virus học Vũ Hán" và đại dịch có thể bắt đầu sớm hơn so với những gì mọi người vẫn tưởng. Ca nhiễm nCoV đầu tiên được xác nhận tại Trung Quốc là vào ngày 17/11/2019.
Covid-19 trở lại Vũ Hán, Trung Quốc lo sợ làn sóng lây nhiễm mới
Sau một tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc đã có thêm một ca mới trong bối cảnh giới chức nước này lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai ở vùng đông bắc đất nước.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này ghi nhận thêm 14 ca mắc Covid-19 trong ngày 9/5, nhiều nhất kể từ ngày 28/4. Đặc biệt, trong số này có 1 ca ở Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên trên thế giới. Đây là ca mắc mới đầu tiên ở Vũ Hán sau hơn 1 tháng không ghi nhận ca bệnh nào. Ca bệnh này trước đó không hề có triệu chứng.
Ngoài ra, 11 trong 14 ca mắc mới là các trường hợp lây nhiễm theo nhóm được phát hiện ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên.
Giới chức tỉnh Cát Lâm hôm qua đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh tại Thư Lan từ trung bình lên cao. Thành phố Thư Lan cũng bắt đầu tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bao gồm phong tỏa các nhà tập thể, cấm các hoạt động giao thông không thiết yếu, đóng cửa trường học.
Với những diễn biến mới nhất này, giới chức Trung Quốc lo ngại, đây có thể là khởi đầu của làn sóng lây nhiễm mới ở khu vực đông bắc của đất nước. Tính đến ngày 9/5, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 82.900 ca Covid-19, trong đó 4.663 trường hợp đã tử vong.
Tay súng đi môtô bắn chết 20 người ở vùng biên giới khốc liệt bậc nhất
Ít nhất 20 người bị giết trong các cuộc tấn công từ những tay súng chưa xác định ở các ngôi làng tại vùng Tillaberi, phía Tây Niger.
Thống đốc vùng Tillaberi, ông Ibrahim Tidjani Katchella hôm 10/5 nói trên đài phát thanh quốc gia rằng vụ tấn công xảy ra một ngày trước đó, do các tay súng trên môtô gây ra. Ông không cho biết thêm chi tiết của vụ tấn công.
Tillaberi là khu vực biên giới giữa ba nước Niger, Burkina Faso và Mali, còn được biết tới với cái tên Liptako-Gourma. Tại đây, các phiến quân Hồi giáo có liên kết với các tổ chức khủng bố al Qaeda và Islamic State tìm cách củng cố chỗ đứng, tạo ra vùng Sahel khô cằn không thể kiểm soát được.
Pháp cùng một số nước châu Phi và châu Âu đã thiết lập một đội đặc nhiệm gồm các lực lượng đặc biệt để chiến đấu chống những nhóm nhóm nổi dậy trong khu vực cùng với quân đội Mali và Nigeria.
Hồi tháng 1/2019, giới chức trách Niger đã giới hạn môtô lưu thông trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động của phiến quân trong khu vực. Họ cũng đóng cửa một số chợ bán thực phẩm bị cáo buộc "cung cấp nhiên liệu và ngũ cốc cho khủng bố", theo thống đốc.
Chính phủ gần đây cũng gia hạn lệnh khẩn cấp quốc gia trong khu vực được áp đặt từ năm 2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận