Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 12/4: Taliban và Kabul cùng thả tù binh giữa mùa dịch

12/04/2020, 20:55

Cập nhật tin thế giới mới nhất 12/4: Taliban và Kabul cùng thả tù binh giữa mùa dịch; Thủ tướng Anh được xuất viện...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Tù binh Taliban được Chính phủ Afghanistan trao trả tại nhà tù Bagram, phía bắc thủ đô Kabul ngày 11/4. Ảnh: Reuters

Taliban và Kabul cùng thả tù binh giữa mùa dịch

Hãng thông tấn AFP dẫn lời người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen cho biết 20 tù binh là thành viên Chính phủ Afghanistan đã được trao trả tại thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan hôm nay 12/4.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế sẽ đảm nhận vai trò người tiếp nhận các tù binh từ Taliban. Zabihullah Mujahid, người phát ngôn khác của Taliban, cảnh báo Mỹ và chính quyền Kabul đừng nghĩ đây là một bước đi nhượng bộ của lực lượng này.

Trước đó, Chính phủ Afghanistan đã phóng thích gần 200 tù binh Taliban. Kabul sẽ thả 5.000 tù binh Taliban, đổi lại 1.000 tù binh thân chính phủ bị Taliban bắt giữ theo một thỏa thuận hồi tháng 2 giữa Mỹ và Taliban.

Theo đó, Washington cam kết sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước mùa hè năm sau. Đổi lại Taliban phải chấp nhận đàm phán với chính quyền Kabul và tuân thủ các thỏa thuận khác.

Thỏ socola đeo khẩu trang, xu hướng độc lạ trong lễ Phục sinh 2020

Nhà sản xuất socola người Bỉ - Genevieve Trepant - đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi tạo ra thỏ Phục sinh có đeo thêm khẩu trang, được làm bằng socola trắng và đen.

img
Thỏ socola đeo khẩu trang được bày bán trong cửa hàng Cocoatree ở Lonzee, Bỉ. Ảnh: Yahoo

Khi Bỉ phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, phân xưởng của bà Trepant ở gần thành phố Namur, vùng Wallonie, phía nam Bỉ, buộc phải đóng cửa. Từ đó, bà mở bán hàng trực tuyến với mỗi con thỏ Phục sinh đeo khẩu trang có giá 12 Euro (khoảng gần 300 nghìn đồng).

Theo bà, việc sáng tạo những chú thỏ Phục sinh cao 20 centimet nhằm thể hiện sự quyết tâm và đồng lòng với Bệnh viện Namur.

Với việc gây quỹ cho tổ chức King Baudouin, bà Trepant hy vọng có thể mua thiết bị y tế cho bệnh viện địa phương.

Tính đến sáng ngày 12/4, Bỉ xác nhận có 28.018 ca mắc Covid-19, với 3.346 ca tử vong.

Thủ tướng Anh được xuất viện

Tối 12/4 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được cho xuất viện sau gần một tuần điều trị tại bệnh viện St Thomas. Tuy nhiên ông Johnson sẽ không quay trở lại làm việc ngay lập tức.

Thông báo của Văn phòng thủ tướng Anh không nói rõ ông Johnson đã được xét nghiệm lại hay chưa. Người phát ngôn của ông Johnson chỉ cho biết ông được cho xuất viện để tiếp tục hồi phục tại Chequers, một trang viên ở ngoại ô London.

Trước đó, cũng trong ngày 12/4, tờ Telegraph đã dẫn lời một vài người bạn của ông Johnson tiết lộ thủ tướng 55 tuổi của nước Anh đã có thể tự ngồi dậy và đi bộ ngắn sau thời gian được tích cực chữa trị tại Bệnh viện St Thomas. Ông cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để tìm về tuổi thơ khi đọc lại bộ truyện tranh "Những cuộc phiêu lưu của Tintin".

Người gốc Việt ở Đức đầu tiên tử vong vì Covid-19

Ngày 11/4, một người Đức gốc Việt đã qua đời tại bang München do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp - COVID-19. Đây có thể là trường hợp người gốc Việt ở Đức đầu tiên tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

img
Nhân viên y tế lấy dịch mũi họng một phụ nữ ở Munich, Đức để tầm soát Covid-19. Ảnh: Reuters

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/Main đã xác nhận thông tin trên, đồng thời đã cử đại diện thăm hỏi gia quyến cũng như trao đổi về các bước tiếp theo.

Ông Phạm Trường Giang - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/Main - cho biết người tử vong là ông Nguyễn Đức Sơn, sinh năm 1962, quê quán tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trước đó, ông Sơn đã bị lây bệnh Covid-19 từ vợ.

Liên quan tình hình dịch ở Đức, tính đến 20h ngày 11/4 theo giờ Đức, trên cả nước Đức đã ghi nhận gần 123.900 ca dương tính với SARS-CoV-2, trên 58.200 ca khỏi bệnh và 2.736 ca tử vong.

Ca nhiễm Ebola tái xuất hiện vài ngày trước khi WHO công bố hết dịch

Theo Washington Post, một ca nhiễm Ebola đã xuất hiện chỉ 2 ngày trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự định tuyên bố kết thúc đại dịch ở miền Đông Congo, và 52 ngày kể từ khi ca nhiễm trước đó được phát hiện, thông tin do Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus xác nhận hôm 11/4.

img
Các nhân viên y tế chuẩn bị tiếp cận một ngôi nhà - nơi một người bị nghi là tử vong vì nhiễm Covid-19. Bên cạnh Ebola, Côngô cũng bị đe dọa bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 và các cuộc xung đột. Ảnh: Reuters

"Chỉ hai ngày trước khi mọi thứ kết thúc, thật đáng buồn. Chúng tôi hiện vẫn trong trạng thái phản ứng nhanh, và sẽ tiếp tục cho tới khi dịch bệnh chấm dứt", bà Marie Roseline Belizaire, quan chức WHO, cho biết.

Ca nhiễm mới xuất hiện đồng nghĩa với dịch Ebola, khởi phát tháng 8/2018 và đã làm 2.200 người tử vong, sẽ tiếp tục kéo dài trong ít nhất 2 tháng nữa trước khi các nhân viên y tế có thể chắc chắn đã chấm dứt sự lây lan.

Lần đầu tiên tất cả 50 bang của Mỹ ban bố tình trạng thảm họa

Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington D.C đã được đặt dưới tình trạng thảm họa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

img
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe tại một điểm lưu động tại Wyoming. Ảnh: AP

Theo Guardian, Wyoming hôm 11/4 đã trở thành bang thứ 50, và là bang cuối cùng của Mỹ, ban bố tình trạng thảm họa sau khi được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên toàn bộ 50 bang của Mỹ cùng thủ đô Washington D.C được đặt dưới tình trạng thảm họa cùng lúc.

Bên cạnh đó, các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ như quần đảo Bắc Mariana, Guam, Puerto Rico cũng đã ban bố tình trạng thảm họa.

Việc tuyên bố tình trạng thảm họa được đánh giá là giúp chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ sử dụng ngân sách liên bang để ứng phó với đại dịch.

Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu lên tiếng sau khi rời ICU

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra tuyên bố đầu tiên sau khi rời phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), cám ơn các bác sĩ đã cứu mạng ông.

img
Ông Boris Johnson tại thời điểm trước khi các triệu chứng của ông trở nặng. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn để cảm ơn các nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Bệnh viện St Thomas sau khi được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, theo Hiệp hội Báo chí Anh.

"Tôi không biết cám ơn thế nào cho đủ. Họ đã cứu mạng tôi", ông Johnson nói, theo Hiệp hội Báo chí Anh.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Johnson lên tiếng kể từ khi ông nhập viện vào hôm 5/4 sau khi có kết quả dương tính với Covid-19. Ông Johnson đã trải qua 3 ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện St Thomas và được thở máy không xâm lấn. Thủ tướng Boris Johnson được rời ICU vào ngày 9/4, tuy nhiên ông vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm.

Thêm nhiều ca Covid-19 trên tàu sân bay Pháp, Mỹ

Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp xác nhận 50 thủy thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong khi đó, số ca nhiễm trên tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tăng lên hơn 500.

img
50 thủy thủ trên tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle được xác nhận mắc Covid-19

Tàu sân bay Charles de Gaulle, dùng năng lượng hạt nhân, sẽ cập cảng Toulon phía nam nước Pháp, trong ngày 12/4 để các thủy thủ nhiễm Covid-19 có thể lên bờ cách ly, theo thông báo của Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp ngày 11/4.

Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc gây bùng phát dịch Covid-19 trên tàu sân bay Pháp và tất cả thủy thủ hiện đang phải đeo khẩu trang.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ ngày 11/4 thông báo có thêm 103 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 550.

Cũng theo thông báo, 92% thủy thủ đã được xét nghiệm Covid-19, với 550 kết quả dương tính và 3.673 kết quả âm tính, và 3.696 thủy thủ đã lên bờ ở đảo Guam.

Bị chỉ trích về chất lượng, Trung Quốc hoãn xuất khẩu vật tư y tế

New York Times đưa tin, Trung Quốc đã yêu cầu không xuất khẩu các vật y tế cho tới khi giới chức hải quan tiến hành kiểm tra chất lượng đối với từng lô hàng khẩu trang N95, máy thở, bộ đồ bảo hộ và các vật y tế quan trọng khác.

Chính sách mới, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/4, đã gây ra tình trạng đình trệ tạm thời đối với nhiều lô hàng, trong bối cảnh các nhà sản xuất, các hãng vận tải và các thương gia làm rõ cách thức áp dụng chính sách mới.

img
Một nhà máy may khẩu trang ở Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chủ yếu chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra số lượng, các vấn đề sở hữu trí tuệ và các giấy tờ. Nhưng kể từ bây giờ, họ cũng kiểm tra chất lượng của các lô hàng.

Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất một loạt vật tư y tế và vị thế dẫn đầu về sản xuất của nước này đã được mở rộng trong nhiều lĩnh vực khi Trung Quốc mở cuộc huy động toàn quốc nhằm sản xuất trang thiết bị y tế từ cuối tháng 1.

Chính sách mới cũng diễn ra sau khi nhiều quốc gia phàn nàn về chất lượng vật y tế của Trung Quốc. Một quan các quốc gia châu Âu cho biết khẩu trang y tế của Trung Quốc có vấn đề. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc nói rằng nhiều trong số đó là khẩu trang công nghiệp không được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn y tế và không nên kỳ vọng như vậy.

Nga: Sau Covid-19, có thể còn có thêm các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm

Theo hãng thông tấn Tass, đại diện toàn quyền của chính phủ Nga tại Tòa án Hiến pháp và Tòa án Tối cao Liên bang Nga - ông Mikhail Barshchevsky đã đưa ra đề nghị như vậy tại diễn đàn Pháp lý Quốc tế St. Petersburg được tổ chức dưới định dạng trực tuyến.

"Tôi tin rằng sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, sẽ cần có một số thỏa thuận mới có nghĩa vụ ràng buộc các quốc gia cùng nhận thức và chuẩn bị sẵn sàng cho một số bệnh dịch mới có thể xuất hiện.

Tôi cho rằng sẽ có ít nhất 4 loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm mới xuất hiện trong thế kỷ XXI, sẽ bao trùm toàn bộ (như đại dịch Covid-19 hoặc một phần ba thế giới. Các cơ chế pháp luật quốc gia và quốc tế đều chưa sẵn sàng cho những thách thức này" - ông Mikhail Barshchevsky cảnh báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.