Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 16/10: Dân Trung Quốc ca ngợi Ngoại trưởng Nga Lavrov

16/10/2020, 13:55

Cập nhật tin thế giới mới nhất 16/10: Dân Trung Quốc ca ngợi Ngoại trưởng Nga Lavrov, Nhật Bản làm căng vụ tàu TQ xâm phạm hải phận...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những thông tin, sự kiện, tuyên bố... được chú ý nhất liên quan đến tình hình thời sự quốc tế.

Người Trung Quốc ca ngợi tuyên bố của Ngoại trưởng Nga

img
Ông Sergei Lavrov.


Theo phản ánh của báo Sputnik, người dùng cổng thông tin Guancha của Trung Quốc hào hứng bình luận về phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trước những tuyên bố của Mỹ liên quan đến việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3).

Trước đó, ông Sergei Lavrov đã gọi tuyên bố của Washington nói rằng họ hầu như đã đạt được thỏa thuận về vũ khí chiến lược với Nga, cũng như lập trường của Moscow về sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình này, là "những lời nói gian trá".

Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng Hoa Kỳ đã lợi dụng chủ đề này một cách trắng trợn. Sau tuyên bố này, độc giả Trung Quốc đánh giá cao phản ứng của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga.

"Người Nga thực sự rất thẳng thắn, họ đã cho người Mỹ một cái tát, một cái tát thật mạnh, tôi tán thành", - một người dùng mạng nhận xét.

“Nếu anh không gian trá, không biết cách lừa gạt, thì anh không bao giờ có thể trở thành một chính trị gia thành công ở Mỹ”,- một người dùng khác bình luận.

"Nếu hôm nay ký kết thỏa thuận với họ, thì liệu thỏa thuận ấy có còn hiệu lực khi họ thay đổi tổng thống không nhỉ?" - một bình luận viên khác lên tiếng.

“Đối với một tổng thống đã công khai nói dối, thì việc vô số cấp dưới của ông ta dối trá cũng là chuyện bình thường”, - một độc giả khác nói thêm.

Thủ tướng Nhật Bản họp báo nhân tròn 1 tháng nhậm chức

img
Ông Suga Yoshihide.

Ngày 16/10, trong buổi họp báo nhân tròn 1 tháng kể từ ngày nhậm chức, Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết sẽ giải quyết các vấn đề chủ chốt.

Ông Suga phát biểu với báo giới rằng đã 1 tháng trôi qua kể từ khi ông thành lập nội các làm việc vì nhân dân và ông cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói thêm ông luôn nhớ tới việc làm những gì cần phải làm một cách nhanh chóng, không chần chừ.

Thủ tướng Suga cũng đề cập tới việc giảm phí sử dụng điện thoại di động, một trong những mục tiêu trong chính sách của ông.

Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản nói ông sẽ thúc đẩy việc cải tổ bằng cách bắt đầu những việc gì có thể làm được ngay để người dân có thể cảm nhận được lợi ích, đồng thời nhấn mạnh sẽ giải quyết nhiều vấn đề một cách thận trọng và luôn nhớ tới mục tiêu ban đầu của mình.

Tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản lâu nhất

img
Tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku.


Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết 2 tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản trong 2 ngày vừa qua. Đây được xem là khoảng thời gian lâu nhất trong vòng 8 năm qua.

Theo giới chức Nhật Bản, 2 tàu nói trên đi vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku trên Biển Đông Trung Hoa ngay sau 11 giờ trưa Chủ Nhật và tìm cách tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản.

Chính quyền Nhật cho biết những tàu này lưu lại vùng biển cách đảo Taisho khoảng 8 đến 13km về phía Nam cho đến 3 giờ chiều thứ Ba.

Lần xâm nhập này là lâu nhất kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại một số đảo trong quần đảo Senkaku từ tay chủ sở hữu tư nhân người Nhật vào năm 2012.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã cử tàu tuần tra tới khu vực này và liên tiếp cảnh báo tàu Trung Quốc phải ngay lập tức rời khỏi vùng biển của Nhật Bản.

Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku còn Trung Quốc và đảo Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Nhật Bản duy trì quan điểm quần đảo này là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản về mặt lịch sử và luật quốc tế. Nhật Bản khẳng định không tồn tại vấn đề lãnh thổ cần phải giải quyết.

Nhật Bản kháng nghị vụ tàu Trung Quốc xâm phạm

Chính phủ Nhật Bản đã kháng nghị việc 2 tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku trong hơn 2 ngày.

Theo giới chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, các tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku trên Biển Đông Trung Hoa vào sáng Chủ Nhật cuối tuần qua. Các tàu rời vùng biển này vào sáng thứ Ba, tức là đã ở trong vùng biển này hơn 57 tiếng.

Hôm thứ Ba, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng quần đảo trên là “một phần của lãnh thổ Trung Quốc”. Vị đại diện này nói thêm rằng “Nhật Bản cần tôn trọng quyền tuần tra khu vực này của Trung Quốc”.

Ghi nhận kỷ lục mới về nhiệt độ Trái Đất trong ba ngàn năm qua

img
Một bờ biển bên Đại Tây Dương.

Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu các hệ thống khí hậu thuộc Đại học Massachusetts, Mỹ, đã ghi nhận được nhiệt độ của Đại Tây Dương tăng lên mức chưa từng có trong ba nghìn năm qua.

Thông tin mới này được đưa ra trong một bài báo đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các lớp trầm tích ở đáy một hồ nước trên đảo Ellesmere ở miền bắc Canada.

Họ đo nồng độ titan lắng đọng xuống đáy hồ cùng với các sản phẩm của quá trình phong hóa đá núi, từ đó xác định nhiệt độ và áp suất khí quyển trong quá khứ ở khu vực này.

Thời kỳ nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được là vào khoảng thời gian năm 1400-1600 trước Công nguyên, còn thời kỳ Trái Đất có nhiệt độ ấm nhất chính là trong thập niên gần đây. Khi nhiệt độ ở khu vực Bắc Đại Tây Dương xuống thấp, áp suất khí quyển quan sát được tại hầu như khắp cả vùng Bắc Cực thuộc Canada và Greenland cũng ở mức tương đối thấp.

Nguyên nhân là do ở vùng này tuyết tan chậm hơn, hàm lượng titan trong lớp trầm tích cao hơn. Khi đại dương ấm hơn thì áp suất khí quyển cũng cao hơn, tuyết tan nhanh và nồng độ titan giảm đi.

Sự thay đổi khí hậu ở Bắc Cực hiện nay nhanh hơn từ hai đến ba lần so với mức trung bình trên Trái đất. Nguyên nhân là do tình trạng phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu khoáng sản, còn các chu kỳ biến đổi của tự nhiên sẽ khiến tình trạng Trái Đất ấm lên diễn biến mạnh hơn hoặc yếu đi.

Sinh viên Mỹ bị nghi ngờ cố tình lây nhiễm virus để kiếm tiền

Đại học Brigham Young ở bang Idaho đã nghi ngờ sinh viên của mình cố tình cố ý nhiễm virus Corona để kiếm tiền bằng cách hiến huyết tương có chứa kháng thể trong máu.

img
Đại học Brigham Young.

"Đại học Brigham Young lo ngại sâu sắc về dữ liệu liên quan tới các cá nhân đã cố tình lây nhiễm virus cho bản thân và những người khác với hy vọng mắc bệnh và sau đó nhận tiền từ việc hiến huyết tương có chứa kháng thể" - Đại học Brigham Young cho biết.

Trường đại học này cũng đã đe dọa đình chỉ học tập và thậm chí đuổi học tất cả những sinh viên cố tình nhiễm bệnh.

Bên cạnh khuôn viên trường có một trung tâm tiếp nhận huyết tương, họ trả cho các tình nguyện viên 100 USD để hiến máu. Đồng thời có thể hiến máu vài lần liên tiếp, khi mà trong máu vẫn còn kháng thể. Một trung tâm tương tự khác trong cùng khu vực còn trả 200 USD cho mỗi lần hiến máu.

Gần 8 triệu ca nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ

Theo số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins tính toán dựa trên thông tin từ các tổ chức quốc tế, chính quyền liên bang và địa phương, tại Mỹ đã có hơn 7,9 triệu ca nhiễm coronavirus được ghi nhận, hơn 216 nghìn người tử vong.

Nhật Bản có thể có vaccine tự sản xuất vào năm 2022

Các công ty dược của Nhật Bản cho biết có thể có vaccine phòng Covid-19 được sản xuất trong nước vào khoảng năm 2022.

Trước đó, 5 công ty dược đang phát triển vaccine loại này đã tham dự buổi hội thảo tại thành phố Yokohama vào giữa tuần này.

Các công ty đã giải thích về tính chất và tiến triển của các vaccine được phát triển. Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Osaka đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine sử dụng công nghệ mới bao gồm ADN.

Theo một diễn giả thì ngay cả khi quá trình phát triển vaccine diễn ra thuận lợi thì phải đến nửa cuối năm 2022 mới có thể có vaccine để sản xuất hàng loạt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.