Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Mỹ cắt tài trợ, WHO có “mạnh thường quân” ủng hộ 150 triệu USD
Quỹ Bill & Melinda Gates vừa thông báo ủng hộ 150 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trước đó, Tổng thống Donald Trump hôm 14/4 tuyên bố Mỹ tạm dừng tài trợ cho WHO trong lúc chờ đánh giá “vai trò của WHO trong sai lầm nghiêm trọng về công tác quản lý và che đậy sự lây lan của Covid-19”.
“Cắt tài trợ cho WHO là một động thái nguy hiểm và vô nghĩa khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch Covid-19” - bà Melinda Gates, vợ tỉ phú Bill Gates cho biết hôm 15/4.
Thông báo thêm 150 triệu USD tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates để giúp đẩy nhanh nghiên cứu các phương pháp điều trị, vaccine và các biện pháp y tế công cộng để đối phó virus, bà Melinda Gates cho biết WHO "chính xác là tổ chức có thể đối phó với đại dịch này".
Quỹ Bill & Melinda Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai cho WHO sau Mỹ. Cam kết 150 triệu USD mới của Quỹ Gates nâng tổng tài trợ của quỹ này cho phản ứng quốc tế ứng phó dịch Covid-19 lên 250 triệu USD. Tuy nhiên, bà Melinda Gates cho biết bất kỳ khoảng trống còn lại nào trong tài trợ của WHO sẽ rất khó để lấp đầy.
Trung Quốc dẫn tuyên bố WHO bác Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Trung Quốc hôm nay dẫn thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để bác bỏ nghi vấn của Mỹ rằng Covid-19 có thể xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
“Lập trường của Trung Quốc luôn rõ ràng về nguồn gốc cũng như con đường lây nhiễm của virus corona chủng mới. Chúng tôi luôn giữ quan điểm rằng đây là một vấn đề khoa học và nên được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và các chuyên gia y tế”, CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian phát biểu tại cuộc họp báo thường ngày hôm nay 16/4.
Tuyên bố của ông Zhao được đưa ra nhằm bác bỏ cáo buộc cho rằng, virus corona chủng mới (Covid-19) bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc. Đây cũng là nơi khởi phát dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 khiến 137.000 người thiệt mạng và hơn 2 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm tính đến thời điểm hiện tại.
Ấn Độ phát hiện thêm virus Corona chủng mới ở dơi
Trong bối cảnh cả thế giới đang dốc sức chống đại dịch Covid-19, các nhà khoa học Ấn Độ vừa phát hiện thêm một loại virus corona nữa ở những con dơi sống tại nước này.
Hãng tin RT dẫn nội dung một nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) cho biết, 25 con dơi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới được đặt tên là BtCov.
Những con vật này thuộc hai loài dơi Rousettus và Pteropus, còn được biết đến là dơi ăn trái cây. Chúng cư trú ở các bang miền nam gồm Kerala, Tamil Nadu và Puducherry, và bang miền bắc Himachal Pradesh ở dãy Himalayas.
"Virus corona ở những con dơi này không hề liên quan đến virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19" đang tấn công thế giới hiện nay, Pragya Yadav - nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học quốc gia Ấn Độ (NIV) ở Pune và là đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết. Bà giải thích thêm rằng hiện vẫn chưa có bằng chứng virus mới phát hiện gây bệnh cho con người.
Tuy nhiên, các loài dơi Pteropus trước kia từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah, loại virus đã cướp đi mạng sống của 17 người trong đợt dịch bùng phát năm 2018 ở Kerala.
Kinh tế châu Á sắp ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm
Tờ The Star ngày 16/4 đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á năm nay sẽ lần đầu tiên ngừng tăng trưởng trong vòng 60 năm do đại dịch Covid-19 gây tác động chưa từng có đến lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu.
Ông Changyong Rhee, giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF kêu gọi các nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các lệnh cấm đi lại, chính sách cách ly xã hội và các biện pháp phòng chống dịch.
“Đây là những thời điểm không chắc chắn và đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không ngoại lệ. Tác động của virus Corona trong khu vực sẽ nghiêm trọng, toàn diện và chưa từng có”, ông phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến.
Theo báo cáo của IMF đưa ra vào cùng ngày, dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm qua.
Ông Trump dọa đình chỉ quốc hội dù phải ra tòa
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đình chỉ quốc hội nếu các nghị sĩ không quay trở lại làm việc để phê chuẩn các đề cử của ông giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát.
"Việc rời khỏi thành phố (thủ đô Washington DC), trong khi tiến hành các phiên họp giả dối hình thức, là sự né tránh bổn phận, điều mà người dân Mỹ không thể chấp nhận trong cuộc khủng hoảng này", Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 15/4.
Sau khi chỉ trích quốc hội vì khiến các đề cử nhân sự của ông vẫn phải chờ sự phê chuẩn của quốc hội nhiều tháng qua, ông Trump cảnh báo sẽ đình chỉ quốc hội nếu các nghị sĩ không quay trở lại làm việc để thông qua các đề cử này bất chấp dịch Covid-19. Ông Trump nói rằng, các ứng viên mà ông đề cử là những nhân sự được kỳ vọng sẽ giúp ứng phó đại dịch Covid-19.
Chủ nhân Nhà Trắng thừa nhận việc đình chỉ quốc hội có thể khiến ông vướng vào vòng lao lý nhưng ông tin rằng ông sẽ chiến thắng.
Tranh cãi việc séc cứu trợ hàng chục triệu người Mỹ in tên ông Trump
Hãng tin AFP đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ đã xác nhận thông tin rằng tên của ông Trump sẽ được in trên những tờ séc có trị giá tối đa 1.200 USD mà chính phủ nước này sẽ phát cho những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Washington Post là bên đầu tiên đưa tin về sự việc này hôm 14/4 và dẫn nguồn tin từ Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ cho biết việc Bộ Tài chính yêu cầu in tên ông Trump lên tờ séc có thể làm chậm quá trình phát khoản hỗ trợ tới người dân Mỹ thêm vài ngày.
Thông tin này đã vấp phải các phản ứng trái chiều từ phía đảng Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 15/4 đã chỉ trích động thái in tên ông Trump lên tờ séc, cáo buộc rằng việc này đã “làm chậm” việc hỗ trợ cho “những gia đình dễ tổn thương” chỉ để “in tên ông ấy lên”.
Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng chỉ trích ông Trump, cáo buộc ông Trump “chính trị hóa” việc cứu trợ cuộc khủng hoảng diễn ra vào lúc dịch bệnh diễn ra trùng với năm Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống.
Phát biểu tại cuộc họp báo về Covid-19 hôm qua, Tổng thống Trump đã bác bỏ các ý kiến trái chiều liên quan tới tranh cãi về việc tên ông được in lên tờ séc.
Những tờ séc nói trên nằm trên gói giải cứu khẩn cấp trị giá 2.000 tỷ USD đã được lưỡng đảng thông qua và ông Trump ký thành luật hồi cuối tháng 3.
Cựu chiến binh Anh 99 tuổi quyên được 12 triệu bảng giúp y bác sĩ
Một cụ ông người Anh 99 tuổi, cựu chiến binh từ thời Thế chiến 2, đã huy động được gần 12 triệu bảng Anh (15 triệu USD) hỗ trợ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Theo Hãng tin AFP, ông cụ Tom Moore đã thực hiện chiến dịch vận động nhằm giúp các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Anh bằng một thử thách tự đặt ra cho mình: đi bộ 100 lần vòng quanh khu vườn của gia đình và hoàn thành mục tiêu vào ngày sinh nhật thứ 100 cuối tháng này.
Gia đình cụ Tom Moore đã dùng mạng xã hội để giúp cụ huy động nguồn đóng góp tài chính giúp các nhân viên y tế đang chống dịch Covid-19, cũng là cách để cụ cảm ơn bệnh viện đã giúp cụ điều trị trước đó vì vỡ xương hông và ung thư.
10 vòng đi bộ cuối cùng để hoàn thành mục tiêu thử thách của cụ Tom sẽ được phát trực tiếp trên hai chương trình tivi buổi sáng lớn nhất của Vương quốc Anh ngày 17/4.
Đức nới phong tỏa
Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức bước đầu thành công trong cuộc chiến Covid-19 và sẽ dần nới lỏng phong tỏa từ tuần sau.
"Chúng ta đang từng bước tiến lên. Tình hình hiện nay chưa chắc chắn, vẫn cần phải cẩn trọng, không nên quá hồ hởi", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 15/4.
Theo sự nhất trí của Merkel và các thủ hiến, các cửa hàng bán lẻ có mặt bằng dưới 800 mét vuông sẽ được phép mở cửa vào tuần tới. Các đại lý xe hơi, xe đạp, tiệm làm tóc và tiệm sách cũng được hoạt động trở lại, song phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh nghiêm ngặt.
Trường học sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 4/5, trong đó ưu tiên cho những học sinh cuối cấp.
Chính phủ Đức tiếp tục đề nghị người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và khi đi mua sắm. Lệnh cấm vẫn duy trì với quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim, trung tâm âm nhạc và các buổi tụ họp tôn giáo. Các sự kiện lớn cũng bị đình chỉ cho đến ngày 31/8.
Fox News nghi virus Covid -19 là nỗ lực thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán
Kênh Fox News ngày 15/4 đăng tải một phóng sự độc quyền, trong đó cho biết “ngày càng có nhiều sự tự tin” rằng virus Corona chủng mới (Covid-19) có lẽ đã được bắt đầu từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không phải dưới dạng một loại vũ khí sinh học mà là một phần của nỗ lực của Bắc Kinh trong việc minh chứng khả năng xác định và chống lại các loại virus nói chung.
Theo kênh truyền hình của Mỹ, nỗ lực này của Trung Quốc là để thể hiện rằng khả năng nghiên cứu sinh học của Bắc Kinh là ngang bằng, thậm chí lớn hơn năng lực tương tự của Hoa Kỳ.
Nhiều nguồn tin, những người từng được nhận các báo cáo về các “hành động sớm” của chính quyền Trung Quốc và các tài liệu có liên quan đã nhận định như vậy với Fox News.
“Đây có thể là sự che đậy tốn kém nhất từ một chính phủ trong mọi thời đại", một trong những nguồn tin cho biết.
Fox News trích dẫn một thông tin được báo Washington Post đăng tải hôm 14/3 vừa qua nói rằng, vào tháng 1/2018, các quan chức của Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc đã được cảnh báo về sự không an toàn đầy đủ trong hoạt động nghiên cứu tại Viện nghiên cứu sinh học Vũ Hán.
Khi đó, giới chức trong Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc nhận được thông tin nói rằng các nhà khoa học tại viện nghiên cứu ở Vũ Hán đang tiến hành các “nghiên cứu rất rủi ro” về virus Corona ở loài dơi.
Trung Quốc bị cáo buộc chậm công bố dịch Covid-19 đến 6 ngày
Dựa trên thông tin nội bộ và ước tính của các chuyên gia dựa trên số liệu nhiễm trước đó, Hãng AP ngày 15/4 đưa tin giới chức Trung Quốc chậm công bố dịch Covid-19 chậm đến 6 ngày khi dịch bệnh lây lan tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào tháng 1. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Theo AP, trong 6 ngày đó, người dân Vũ Hán tổ chức một sự kiện thu hút hàng chục ngàn người, trong khi hàng triệu người bắt đầu đi lại nhiều vào dịp Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về dịch bệnh vào ngày 20/1. Tuy nhiên, vào thời điểm này đã có hơn 3.000 người nhiễm Covid-19 sau một tuần chưa có thông báo, theo các chuyên gia ước tính dựa trên số liệu nhiễm Covid-19.
Theo AP, việc trì hoãn từ ngày 14-20/1 không phải là sai sót đầu tiên của giới lãnh đạo các cấp ở Trung Quốc khi đối phó với dịch bệnh, cũng không phải là thời gian trì hoãn dài nhất vì nhiều nước cũng chậm hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới đề cập đến tình hình Covid-19.
Tuy nhiên, việc trì hoãn tại nước đầu tiên ghi nhận ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 lại rơi vào thời điểm trọng yếu là lúc dịch bắt đầu bùng phát.
Gần 700 thủy thủ mắc Covid-19 trên tàu sân bay duy nhất của Pháp
Reuters dẫn lời Bộ Lực lượng Vũ trang nói rằng 1.767 lính thủy đánh bộ, gần như tất cả đều từ Charles de Gaulle, đã được xét nghiệm và kết quả cho thấy ít nhất 668 thuỷ thủ tàu sân bay mắc Covid-19. Kết quả này vẫn chưa phải là 1/3 tổng số xét nghiệm.
Tàu sân bay Charles de Gaulle - gần đây nhất tham gia tập trận với hải quân các nước Bắc Âu ở biển Baltic - đã về căn cứ ở Toulon sớm hơn 2 tuần so với dự kiến sau khi khoảng 40 thành viên thủy thủ đoàn có triệu chứng mắc Covid-19.
Các thành viên thủy thủ đoàn nhiễm bệnh đã được theo dõi y tế nghiêm ngặt trên tàu sân bay này.
Thuỷ thủ đoàn tàu sân bay Charles de Gaulle và tàu khu trục Chevalier Paul hiện đang bị cách ly ở căn cứ hải quân, trong khi các phi công của máy bay chiến đấu và trực thăng cũng bị cách ly. Bộ trưởng Hải quân đã ra lệnh điều tra về việc này.
Tính đến ngày 15/4, Pháp có hơn 147.800 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 17.100 ca tử vong. Tính riêng trong ngày 15/4, Pháp có thêm 4.560 ca mắc mới và 1.438 ca tử vong.
Các cựu binh Nga thúc ông Putin hủy duyệt binh
Ngày 15/4, các cựu binh Nga đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin hoãn duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng lần thứ 75 do mối đe dọa của Covid-19 với những người tham gia, theo Hãng tin AFP.
Cho đến nay, Nga vẫn chưa tuyên bố từ bỏ kế hoạch tổ chức duyệt binh quy mô lớn, với hàng ngàn binh sĩ dự kiến sẽ đi qua Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5 tới.
Những người đứng đầu của 3 tổ chức cựu binh Nga đã gửi thư lên ông Putin để thúc ông hủy sự kiện này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hứa hẹn "lời thỉnh cầu này sẽ được xem xét".
11 tàu tấn công nhanh Iran bủa vây, uy hiếp tàu chiến Mỹ trên Vịnh Ba Tư
Trong thông báo đăng trên Twitter ngày 15/4, Hạm đội 5 thuộc hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu cao tốc tấn công nhanh của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) dàn đội hình đe dọa uy hiếp các tàu chiến Mỹ.
Theo Hải quân Mỹ, vụ việc xảy ra vào ngày 15/4, khi 6 tàu hải quân Mỹ đang huấn luyện cùng các máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache thuộc Lục quân Mỹ tại vùng biển quốc tế ở phía bắc Vịnh Ba Tư.
Vào thời điểm trên, các tàu Mỹ được triển khai gồm tàu đổ bộ USS Lewis B. Puller, tàu khu trục USS Paul Hamilton, các tàu tuần tra USS Firebolt và USS Sirocco, tàu USCGC Wrangell và USCGC Maui thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.
“Đội tàu của IRGC liên tục quay đầu lượn vòng xung quanh các tàu Mỹ ở cự ly rất gần với tốc độ cao, bao gồm nhiều lần lượn quanh tàu Puller với điểm tiếp cận gần nhất cách tàu Puller chỉ tầm 46 m, và cách tàu Maui chỉ 9m”, theo thông báo của Hải quân Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận