Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 21/4: Ông Biden muốn chọn bà Obama làm cấp phó

21/04/2020, 20:23

Cập nhật tin thế giới mới nhất 21/4: Ông Biden muốn chọn bà Obama làm ứng viên phó tổng thống; Đức hủy lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất vì dịch.

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Ông Biden muốn chọn bà Obama làm ứng viên phó tổng thống "ngay tức thì"

Trả lời phỏng vấn với KDKA hôm 20/4, cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden - ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay - nói rằng ông muốn bà Obama trở thành người đồng hành với ông trong chiến dịch.

“Tôi sẽ chọn bà ấy ngay tức thì”, ông Biden trả lời khi được hỏi ông có chọn bà Obama nếu bà sẵn lòng trở thành ứng viên phó tổng thống cho ông hay không.

“Bà ấy rất thông minh. Bà ấy biết mọi điều. Bà ấy là một phụ nữ tốt. Gia đình Obama là những người bạn tuyệt vời”, ông Biden nhận xét.

Tuy nhiên, ông Biden cũng tỏ ngần ngại rằng bà Obama sẽ không có hứng thú với vị trí này.

“Tôi không nghĩ bà ấy sẽ mong muốn sống gần Nhà Trắng thêm lần nữa”, ông Biden cho biết.

Ứng viên đảng Dân chủ cho biết ông vẫn đang quyết định sẽ chọn ai làm ứng viên phó tổng thống. Ông một lần nữa cam kết rằng cấp phó của ông sẽ là phụ nữ.

Đây không phải là lần đầu tiên mà ông Biden bày tỏ mong muốn bà Obama sẽ trở thành người đồng hành với mình. Tại cuộc vận động tranh cử ở Iowa hồi tháng 1, ông Biden cho biết ông “chắc chắn muốn bà Michelle Obama trở thành phó tổng thống”.

Đức hủy lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất vì đại dịch Covid-19

Ngày 21/4, bang Baravia thông tin, Đức hủy bỏ lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất vì đại dịch Covid-19.

Hàng năm, lễ hội bia Oktoberfest thu hút khoảng 6 triệu người đến tham gia trong vòng 2 tuần tổ chức, thu về 1 tỉ Euro lợi nhuận cho thành phố.

“Chúng tôi biết rủi ro là quá lớn” - Reuters dẫn lời ông Markus Soeder, thủ hiến bang Baravia. “Tôi thật buồn khi phải thông báo tin này cho mọi người”.

img
Lễ hội bia Oktoberfest 2020 dự kiến tổ chức từ ngày 19/9 đến ngày 4/10

Hiện nay, một số khu vực ở Đức bắt đầu nới lỏng phong tỏa, nhưng các sự kiện lớn vẫn bị cấm cho đến cuối tháng 8. Vào ngày 20/4, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi công dân Đức tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm virus.

Thị trưởng thành phố Munich cho biết, ông rất tiếc khi làm thất vọng 2 triệu người trên khắp thế giới trong lễ hội năm nay. Đây cũng là một nỗi buồn đối với người dân Bavaria.

Lễ hội bia Oktoberfest được tổ chức từ năm 1810 để tôn vinh cuộc hôn nhân của Thái tử xứ Bavaria Ludwig. Lễ hội kéo dài trong 6 ngày, kết thúc bằng cuộc đua ngựa. Kể từ đó, hàng năm vào giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, Đức đều tổ chức lễ hội bia này.

Bộ trưởng cảnh sát Lesotho bị bắt vì trốn phong tỏa Covid-19 để… đi mua rượu

Hãng AFP ngày 21/4 đưa tin Bộ trưởng Cảnh sát và An ninh công cộng Lesotho, ông Lehlohonolo Moramotse vừa bị bắt vì vi phạm quy định phong tỏa để phòng chống Covid-19 và còn không chịu ra tòa.

img
Bộ trưởng Cảnh sát và An ninh công cộng Lesotho, ông Lehlohonolo Moramotse

Trước đó, ông Moramotse bị phát hiện đi mua rượu trong thời gian quốc gia châu Phi này phong tỏa trong 24 ngày, dự kiến kết thúc vào cuối ngày 21/4 (giờ địa phương).

Sau khi không trình diện vào ngày 20/4 theo yêu cầu của tòa, ông bị bắt vào tối cùng ngày tại văn phòng làm việc ở thủ đô Maseru.

Theo phát ngôn viên Mpiti Mopeli của cảnh sát Lesotho, Bộ trưởng Moamotse còn đối diện với tội danh kết nối trái phép đường ống cấp nước vào nhà riêng.

Tổng thống Trump đình chỉ nhập cư vào Mỹ

Trump sẽ ký sắc lệnh đình chỉ tất cả hoạt động nhập cư vào Mỹ để ứng phó với Covid-19 và bảo vệ việc làm cho lao động nước này.

img
Tổng thống Mỹ Trump chỉ vào một phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng về Covid-19 hôm 20/4. Ảnh: Reuters

"Trước sự tấn công của kẻ thù vô hình, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ việc làm cho những công dân Mỹ ưu tú của chúng ta, tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để tạm đình chỉ việc nhập cư vào Mỹ," Trump tuyên bố trên Twitter vào tối 20/4.

Trump cho biết ông hành động như trên là để bảo vệ lực lượng lao động Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đang chịu cảnh thất nghiệp sau khi các công ty rơi vào khó khăn và phải sa thải nhân viên do lệnh phong toả để ngăn chặn Covid-19.

Nhà Trắng từ chối cung cấp thêm chi tiết về lý do đằng sau quyết định của Tổng thống, thời điểm áp dụng cũng như cơ sở pháp lý của nó.

Hàn Quốc bác tin đồn về sức khỏe của ông Kim Jong-un

Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin nói rằng tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "nguy hiểm" sau khi phẫu thuật tim. Mỹ cho biết đang xác minh thông tin này.

img
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Reuters hôm nay 21/4 dẫn hai nguồn tin chính phủ Hàn Quốc nói rằng, thông tin tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "nguy hiểm" là không đúng.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết, "không có dấu hiệu bất thường" nào từ Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Hãng tin Daily NK có trụ sở tại Seoul, dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng, ông Kim Jong-un đang nghỉ ngơi tại một dinh thự ở khu nghỉ dưỡng núi Kumgang, huyện Hyangsan, tỉnh Bắc Pyongan sau khi làm thủ thuật tim mạch hôm 12/4 tại một bệnh viện ở đây.

Hãng tin CNN cho biết, Mỹ đang tìm cách xác minh thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un. Một quan chức Mỹ cho biết với CNN rằng, thông tin ông Kim Jong-un đang gặp vấn đề về sức khỏe là đúng, nhưng rất khó để đánh giá về tình hình.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi ông vắng mặt tại một số sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước, trong đó có ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4.

Nga nghi ngờ có âm mưu đằng sau việc giá dầu lao dốc kỷ lục

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, từng giữ chức tổng thống và thủ tướng Nga, hôm 21/4 đưa ra giả thuyết giá dầu xuống mức âm có thể là do bàn tay thao túng của một thế lực nào đó.

img
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev

Giá dầu thô Mỹ (WTI) rơi xuống mức chưa từng có khi giá dầu giao tháng 5 đã được chốt giá dưới 0: -37,63 USD/thùng vào thời điểm đóng cửa thị trường hôm 20/4.

Trước thông tin trên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Medvedev cho hay Nga đang chuẩn bị thảo luận với các đối tác để bắt đầu giao dịch dựa trên dạng hợp đồng mua hoặc trả để phù hợp với tình hình giá dầu hiện tại, theo AFP hôm 21/4.

Với loại hợp đồng này, người mua chọn cách hoặc lấy sản phẩm từ nhà cung cấp hoặc trả tiền phạt cho đối tác.

“Điều chúng ta chứng kiến đang diễn ra đối với các hợp đồng mua dầu tương lai rất giống với một thỏa thuận của một nhóm các tổ chức (nhằm đạt được lợi ích thương mại)”, ông Medvedev viết trên Facebook cá nhân.

Xả súng tại Canada: Số người thương vong tăng lên 19

Cảnh sát Canada vừa qua cho biết số người tử vong trong vụ xả súng "bạo lực vô nghĩa nhất" trong lịch sử nước này đã lên tới 19 người và có khả năng thương vong sẽ còn tiếp tục tăng, Reuters đưa tin.

Tay súng đã điên cuồng gây ra một cuộc tàn sát kéo dài 12 tiếng hôm 19/4 sau khi giả trang thành một cảnh sát và lái chiếc ôtô giống xe cảnh sát.

"Chúng tôi đã bao quát được hiện trường vụ án. Tuy nhiên, hỏa hoạn đã xảy ra tại một số nhà dân khiến cho việc tìm kiếm các nạn nhân trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi cho rằng vẫn còn người thiệt mạng bên trong các nơi đã cháy rụi", Cảnh sát trưởng Chris Leather cho biết.

Liên đoàn Cảnh sát Quốc gia (RCMP) xác định tay súng là Gabriel Wortman 51 tuổi, làm việc như một nha sĩ. Cảnh sát cho biết tay súng đã chết sau khi gây án và chưa xác định được động cơ thảm sát.

Hung thủ và các nạn nhân được cho là không có mối liên hệ rõ ràng nào. Tuy nhiên, Brenda Lucki, ủy viên RCMP bác tin vụ xả súng có liên quan đến khủng bố.

Rộ thông tin Kim Jong-un nguy kịch sau phẫu thuật tim mạch

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc và các hãng truyền thông Mỹ, Nga đồng loạt đưa tin Mỹ đang thẩm định thông tin tình báo với nội dung nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un “đang nguy kịch sau cuộc phẫu thuật tim mạch”.

Đài CNN hôm 21/4 dẫn lời một “quan chức Mỹ nắm được thông tin trực tiếp về vấn đề này”, nhưng không cung cấp thêm thông tin. Hãng tin Reuters cũng đưa tương tự.

img
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ngày 12/4

Hãng tin Sputnik News của Nga cũng đưa tin về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng tỏ ra hoài nghi.

Trong khi đó, báo The Korea Herald dẫn lời một quan chức Hàn Quốc thạo tin về Triều Tiên cho hay chẳng có vấn đề gì đặc biệt đối với sức khỏe của ông Kim Jong-un, và chỉ ra rằng nhà lãnh đạo đã tham gia một loạt sự kiện cho đến gần đây.

Còn Bộ Thống nhất liên Triều (Hàn Quốc) từ chối nhận xét về đồn đoán liên quan đến sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng

Theo CNBC, giá dầu giảm mạnh và lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng cho thấy tình trạng dư cung dầu thô trầm trọng, sức cầu thấp và thế giới thiếu không gian dự trữ.

img
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 0 USDthùng

Giá dầu thô WTI giao tháng 5 trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) tụt giảm chưa từng có trong lịch sử, giảm hàng trăm phần trăm xuống mức âm. Chốt phiên đầu tuần trên thị trường Nymex, giá dầu giảm 55,9 USD xuống còn -37,63 USD/thùng.

Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi các số liệu về biến động giá được ghi nhận vào năm 1983. Và theo theo dữ liệu từ Dow Jones Market, đây cũng là mức giá đóng cửa thấp kỷ lục mọi thời đại.

Tuy nhiên, các hợp đồng giao tháng 5 sẽ hết hạn trong phiên giao dịch ngày 21/4 (tức hết đêm nay giờ Việt Nam).

Tới đầu giờ sáng 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 5 hồi phục đôi chút nhưng vẫn ở vùng giá âm (khoảng -16 USD/thùng).

Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 cũng giảm mạnh nhưng đang ở quanh mốc 20 USD/thùng.

Giá dầu âm đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả thêm tiền cho người mua để mang dầu đi. Chi phí để tích trữ dầu cao hơn giá thành sản xuất.

Ireland bắt đối tượng liên quan tới vụ 39 người Việt thiệt mạng ở Anh

Ronan Hughes, 40 tuổi ở hạt Armagh, Bắc Ireland đã bị bắt tại Ireland ngày 20/4 do có liên quan tới cái chết của 39 người Việt trong thùng xe công-ten-nơ ở Essex, Anh hồi tháng 10/2019.

img
Cảnh sát điều tra hiện trường thảm kịch 39 người thiệt mạng

Reuters dẫn thông báo của cảnh sát Essex cho biết, Hughes bị cáo buộc 39 tội liên quan tới giết người và nhập cư. Theo lịch trình, trong ngày hôm nay (21/4), đối tượng này sẽ phải ra trước toà án ở Dublin.

Hồi đầu tháng này, tài xế xe tải người Bắc Ireland là Maurice Robinson đã nhận 39 tội giết người liên quan tới vụ 39 người Việt thiệt mạng ở Anh.

Hôm 23/10/2019, 39 thi thể đã được phát hiện trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade ở hạt Essex, phía đông thủ đô London, nước Anh. Các nạn nhân sau đó được xác định là người Việt.

WHO: Điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước khi nhiều nước dỡ bỏ hạn chế

Ngày 20/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gióng hồi chuông báo động rằng điều tồi tệ nhất của Covid-19 vẫn chưa đến trong khi nhiều quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm giảm sự lây lan.

img
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Ông Tedros không nêu rõ lý do tại sao ông tin rằng đại dịch Covid-19 - đã lây nhiễm khoảng 2,5 triệu người và làm hơn 170.000 người thiệt mạng - có thể trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, ông và những người khác trước đây đã chỉ ra khả năng lây lan dịch bệnh ở châu Phi, nơi các hệ thống y tế kém phát triển.

“Hãy tin chúng tôi. Điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước chúng ta - AP dẫn lời ông Tedros nói với các phóng viên từ trụ sở của WHO ở Geneva - Hãy ngăn chặn thảm kịch này. Đó là một loại virus mà nhiều người vẫn chưa hiểu”.

Một số chính phủ châu Á và châu Âu đang dần dần nới lỏng hoặc bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như các biện pháp kiểm dịch, đóng cửa trường học, kinh doanh và nới lỏng hạn chế các cuộc tụ họp công cộng, với lý do số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 giảm.

Tổng Giám đốc Tedros và WHO đã phòng thủ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhà tài trợ lớn nhất của WHO - tuần trước đã ra lệnh ngừng tài trợ cho cơ quan này, cho rằng WHO phản ứng chậm trễ trước sự bùng phát của Covid-19.

Trung Quốc nói cũng là nạn nhân của Covid-19

Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng đổ lỗi, khẳng định họ cũng là nạn nhân trong lúc quốc tế tăng áp lực về cách Bắc Kinh xử lý Covid-19.

"Cộng đồng quốc tế chỉ có thể chiến thắng nCoV khi đoàn kết và hợp tác để thực hiện các nỗ lực phối hợp. Công kích, làm mất uy tín quốc gia khác đơn giản chỉ lãng phí thời gian và không thể cứu được nhiều mạng sống", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 20/4.

img
Phát ngôn viên Cảnh Sảng tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 20/4. Ảnh: AFP

Theo ông Cảnh, người Mỹ nên hiểu rằng kẻ thù của họ là virus, không phải Trung Quốc. "Trung Quốc cũng bị nCoV tấn công và cũng là nạn nhân của virus. Chúng tôi không phải thủ phạm, cũng không phải đồng phạm của virus", ông nói.

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những lời kêu gọi điều tra về cách Bắc Kinh xử lý đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của nước này cuối năm 2019. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/4 nói rằng Washington đang thảo luận với Bắc Kinh để đưa nhóm chuyên gia tới Trung Quốc điều tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.