Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Tây Ban Nha tăng 738 ca tử vong vì Covid-19, tổng số người chết vượt Trung Quốc
Tây Ban Nha trở thành nước có người chết vì Covid-19 nhiều thứ hai thế giới, sau khi 738 ca tử vong mới được báo cáo hôm 25/3, ngày chết chóc nhất ở nước này từ đầu dịch.
Với tổng cộng 3.434 ca tử vong, Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc đại lục, nơi đã chứng kiến 3.285 người chết. Italy hiện vẫn là nước có nhiều ca tử vong nhất thế giới: 6.820 ca, cao hơn cả Tây Ban Nha và Trung Quốc cộng lại.
Tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha cũng tăng thêm 20% so với một ngày trước, lên đến 47.610 ca.
Số ca tử vong đang gia tăng chóng mặt tại Tây Ban Nha khi nước này bước vào ngày thứ 11 của cuộc phong tỏa chưa từng có tiền lệ để khống chế virus. Lệnh phong tỏa, bắt đầu từ hôm 14/3 và ban đầu dự kiến kéo dài 2 tuần, nay đã được gia hạn đến ngày 11/4.
Thái tử Charles của nước Anh dương tính với Covid-19
Báo The Sun đưa tin, Thái tử, Thân vương xứ Wales Charles đã dương tính với virus gây dịch Covid-19.
Nguồn tin từ Điện Clarence House, nơi ở của hoàng gia Anh (tại khu The Mall ở Thành phố Westminster, London) cho cánh báo chí biết thông tin này vào sáng nay 25/3 (theo giờ London).
"Thái tử Charles đã dương tính với virus Corona chủng mới. Thân vương xứ Wales, vua tương lai của nước Anh có các triệu chứng nhẹ và vẫn duy trì tình trạng sức khỏe tốt. Ông vẫn đang làm việc ở nhà trong vài ngày qua như bình thường" - thông báo từ Điện Clarence House cho hay.
Thân vương xứ Wales, là con đầu và cũng là con trai trưởng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Vương tế Philip, Công tước xứ Edinburgh, ông là người kế thừa ngai vàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cùng 16 vùng đất khác thuộc Khối thịnh vượng chung.
Mỹ thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD lớn nhất lịch sử
Gói kích thích kinh tế này sẽ chuyển tiền trực tiếp cho cá nhân, doanh nghiệp Mỹ, tăng trợ cấp thất nghiệp, giữa bối cảnh phong tỏa lan rộng làm cuộc sống ở Mỹ đình trệ.
Đạo luật về gói cứu trợ này sẽ có hiệu lực trong vài ngày và là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.
Thỏa thuận đạt được vào gần 1h sáng 25/3, là kết quả của các cuộc thương thảo “marathon” giữa Nhà Trắng, phe Cộng hòa và phe Dân chủ trong Thượng viện.
Chướng ngại trước đó nằm ở việc đảng Dân chủ yêu cầu các điều khoản giám sát mạnh hơn và bảo vệ lao động tốt hơn đối với khoản ngân quỹ 500 tỷ USD giải cứu các doanh nghiệp.
Các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Myanmar đều từ phương Tây
Reuters dẫn tuyên bố mới của Bộ Y tế Myanmar cho biết, cả hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của nước này đều là các ca bệnh "nhập khẩu", bắt nguồn từ một công dân 36 tuổi hồi hương từ Mỹ và một công dân 26 tuổi hồi hương từ Anh. Cả hai người này cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus sau khi nhập cảnh.
Thông tin về các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên đã khiến nhiều người dân lo lắng, dẫn tới tình trạng đổ xô tới các siêu thị mua đồ tích trữ ở thành phố Yangon hôm 24/3.
Tuần trước, Myanmar đã cho đóng cửa biên giới trên bộ và cấm tụ tập đông người, kể cả các hoạt động kỷ niệm năm mới của tín đồ Phật giáo để ngăn ngừa mầm bệnh nguy hiểm lây lan. Các rạp chiếu phim bị buộc phải đóng cửa dù các quán bar và nhà hàng vẫn được phép tiếp tục hoạt động.
Phát hiện 64 thi thể trong xe tải đến Mozambique
Theo Guardian, 64 người đã khởi hành từ Ethiopia (Đông Phi) đến tây bắc Mozambique trong tình trạng nhồi nhét trong một container hàng hóa.
Các nạn nhân được phát hiện hôm 24/3 trong chiếc container màu xanh ở tỉnh Tete. Người sống, người chết ngồi lẫn lộn bên trong. Nhiệt độ trung bình hiện tại ở Tete vào khoảng 34 độ C.
“Chiếc xe tải chở người nhập cư bất hợp pháp từ Malawi, nghi là người Ethiopia, đã bị chặn lại ở cầu Mussacana ở tỉnh Tete. 64 người được tìm thấy đã chết, có thể do bị ngạt. Chỉ có 14 người sống sót”, một quan chức cấp cao giấu tên cho biết.
Mozambique được xem là cửa ngõ trung chuyển cho người di cư từ các quốc gia nghèo đói của châu Phi đến Nam Phi giàu có. Quốc gia công nghiệp của lục địa đen là “nam châm” không chỉ đối với người di cư nghèo từ các quốc gia láng giềng như Lesotho và Zimbabwe, mà với cả các quốc gia xa xôi hơn, như Ethiopia.
Khủng hoảng vì Covid-19: Anh sẽ đóng cửa Nghị viện trong những ngày tới
Anh có kế hoạch đóng cửa Nghị viện (quốc hội) cho đến khi có thông báo mới khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát.
Động thái lên kế hoạch đóng cửa Nghị viện được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đã ra phán quyết buộc Anh phải ở vào trạng thái phong tỏa toàn bộ, ra lệnh cho mọi người ở nhà, cấm các cuộc tụ họp công cộng và đóng cửa các cơ sở giáo dục và giải trí.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Anh dự kiến sẽ bắt đầu bị đóng cửa vào ngày 31/3 để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới - Bloomberg đưa tin như vậy, trích dẫn các nguồn tin nặc danh quen thuộc với vấn đề này.
Cuối hôm thứ Hai vừa qua, Thủ tướng Anh, ông Borish Johnson tuyên bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus và bắt buộc người Anh phải ở nhà trong ba tuần tới để giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Vương quốc Anh đã ghi nhận 8.077 trường hợp nhiễm Covid-19. Đợt dịch này đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 422 người ở nước này.
Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước trong vòng 21 ngày, bắt đầu từ 12h đêm ngày 24/3. Tất cả 36 bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ sẽ bị phong toả hoàn toàn, trong nỗ lực đẩy lùi sự lây lan của virus corona chủng mới.
Dưới lệnh phong tỏa, chỉ có các dịch vụ thiết yếu bao gồm điện, nước, thực phẩm, y tế, cứu hoả, và các dịch vụ hành chính địa phương được phép mở cửa. Tất cả các cửa hàng, cơ sở thương mại, nhà máy, công xưởng, văn phòng, chợ và tất cả các địa điểm thờ cúng tôn giáo sẽ phải đóng cửa. Các tuyến xe khách và tàu điện liên bang sẽ ngừng hoạt động. Các hoạt động xây dựng cũng sẽ bị đình chỉ trong khoảng thời gian này.
Ấn Độ hiện ghi nhận 519 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Tây Ban Nha cầu cứu NATO
Ở Tây Ban Nha, đại dịch Covid-19 vẫn chưa hề có dấu hiệu đổi chiều. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 514 người thiệt mạng, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên trên 2.800, trong khi số ca nhiễm gần chạm ngưỡng 40.000. Quân đội nước này hôm 24/3 đã cầu cứu sự trợ giúp nhân đạo từ NATO trong cuộc chiến chống chọi lại dịch bệnh, trước tình hình số nhân viên y tế nhiễm virus ở nước này tăng cao, chiếm tới 13,6% tổng số ca nhiễm.
Số lượng trang thiết bị bao gồm 1,5 triệu khẩu trang y tế, 500.000 kit thử nhanh Covid-19, 450.000 mặt nạ dưỡng khí và 500 máy thở đã được Tây Ban Nha đề xuất trong kiến nghị chính thức được Bộ Quốc phòng nước này gửi đến Trung tâm phối hợp ứng phó thảm họa châu Âu - Đại Tây Dương (EADRCC) thuộc NATO.
100 người Việt đang mắc kẹt tại Thái Lan và Singapore
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đã hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh (transit), nhiều hãng hàng không nước ngoài ngừng nhận khách, hủy chuyến, cũng như thay đổi các quy định về vận chuyển hàng hóa.
Ngày 24/3/2020, ngay sau khi nhận được thông tin khoảng 100 công dân Việt Nam trên đường về nước bị “kẹt” khi quá cảnh tại các sân bay quốc tế của Thái Lan và Singapore, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái Lan và Singapore khẩn trương liên hệ với các nhóm công dân nói trên để tìm hiểu thông tin, chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các hãng hàng không để tìm chuyến bay phù hợp, đưa công dân về nước.
Các cơ quan đại diện đã kiên trì trao đổi với các hãng Hàng không Singapore Airlines và Thai Airways, đưa các công dân về đến Việt Nam ngay trong ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận