Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 25/4: Tiết lộ động cơ vụ xả súng đẫm máu ở Canada

25/04/2020, 13:45

Cập nhật tin thế giới mới nhất 25/4: Tiết lộ động cơ vụ xả súng đẫm máu ở Canada; Ông Trump bị kiện vì gói cứu trợ 2.000 tỷ USD chống dịch...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Nhân viên pháp y đưa thi thể một nạn nhân khỏi cây xăng ở Enfield, Nova Scotia, Canada, ngày 19/4. Ảnh:AP

Tiết lộ manh mối động cơ vụ xả súng điên cuồng ở Canada

Vụ xả súng "bạo lực vô nghĩa nhất" trong lịch sử Canada xảy ra sau cuộc cãi vã, xô xát giữa hung thủ và bạn gái, CNBC đưa tin từ thông báo của cảnh sát Canada hôm 24/4.

"Hung thủ và bạn gái đã xảy ra xô xát, cô ấy trốn chạy và đây có thể là "chất xúc tác" dẫn đến vụ xả súng sau đó", đại diện Liên đoàn Cảnh sát Quốc gia Canada (RCMP) Darren Campbell nói.

Theo đó, bạn gái của hung thủ đã sống sót sau khi chạy thoát, trốn cả đêm trong rừng. Vào khoảng 6h30 sáng ngày hôm sau, cô gái đã gọi 911 và cung cấp cho cảnh sát thông tin chi tiết về hung thủ, bao gồm cả việc lái xe cảnh sát giả và mặc đồng phục cảnh sát.

John Hudson, người đã biết hung thủ khoảng 18 năm, cho biết hắn đôi khi công khai kiểm soát và hay ghen dù đã gắn bó lâu năm với bạn gái. "Tôi không trực tiếp nhìn thấy, nhưng tôi biết họ đã xô xát với nhau hôm đó", Hudson nói.

Trước đó, hôm 19/4, 1 vụ xả súng điên cuồng đã xảy ra ở tỉnh Nova Scotia. RCMP xác định tay súng là Gabriel Wortman 51 tuổi, làm việc như một nha sĩ. Y bị cảnh sát bắt giữ tại một trạm xăng ở Enfield, Nova Scotia, phía tây bắc thành phố Halifax. Cảnh sát sau đó tuyên bố hung thủ đã bị bắn chết.

Hiện bạn gái của Wortman đang trong quá trình hồi phục và tiếp tục phối hợp với cảnh sát. Vụ thảm sát đã khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có 1 nữ cảnh sát. Ngoài ra, nhiều ngôi nhà tại hiện trường, bao gồm cả nhà của hung thủ đã bị cháy rụi do xảy ra hỏa hoạn sau đó.

Ông Trump bị kiện vì gói cứu trợ 2.000 tỷ USD chống dịch Covid-19

Bloomberg đưa tin, hồ sơ vụ kiện ông Trump được gửi lên tòa hôm 24/4 bởi một người đàn ông ở bang Illinois sử dụng bí danh John Doe.

Theo hồ sơ vụ việc, có một điều khoản trong gói cứu trợ 2.000 tỷ USD có thể ngăn không phát tờ séc trị giá 1.200 USD cho hơn 1 triệu người Mỹ kết hôn với người nhập cư không có số an sinh xã hội.

John Doe nói rằng ông muốn đại diện cho tất cả những người ở trong hoàn cảnh tương tự với mình. Người đàn ông này cáo buộc điều khoản nói trên đã phân biệt đối xử với ông dựa trên “người mà ông chọn để kết hôn”.

Gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD đã được lưỡng viện Mỹ thông qua tháng trước, cung cấp 1.200 USD cho những người đóng thuế ở Mỹ kiếm được tối đa 75.000 USD/năm và thêm 500 USD cho mỗi người con. Tuy nhiên, để đủ điều kiện được trợ cấp, cả 2 thành viên là vợ chồng trong một gia đình khai thuế chung đều phải có số an sinh xã hội - trừ khi một trong 2 người làm việc trong quân đội Mỹ.

Theo hồ sơ vụ kiện, điều khoản này đã khiến 1,2 triệu người Mỹ không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Con số này được tham khảo từ số liệu của viện chính sách nhập cư Mỹ đăng trên trang web về số lượng người nhập cư “chưa chính thức” kết hôn với công dân Mỹ.

Ngoài ông Trump, John Doe cũng kiện lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và quyền Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Nguyên đơn cáo buộc rằng 3 chính trị gia này có liên quan tới điều khoản mà ông mô tả là “đã thất bại trong việc đối xử với John Doe công bằng như những công dân Mỹ khác”.

Trung Quốc gây sức ép để EU phải sửa báo cáo về Covid-19

Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo nói rằng Bắc Kinh lan truyền thông tin sai lệch về sự bùng phát của virus corona, Reuters dẫn 4 nguồn tin và tài liệu ngoại giao đưa tin.

img
Một cửa hàng bán đồ ăn trên phố ở Bắc Kinh ngày 24/4. Ảnh: Reuters

Báo cáo này cuối cùng vẫn được công bố, mặc dù vào thời điểm sắp nghỉ cuối tuần của châu Âu và một số lời lẽ chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã bị xóa bỏ hoặc thay đổi - dấu hiệu cho thấy Brussels đã nhượng bộ khi Covid-19 gây xáo trộn các quan hệ quốc tế.

Phái đoàn Trung Quốc tại EU chưa đưa ra bình luận nào và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa phản hồi đề nghị bình luận.

Một phát ngôn viên của EU khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ bình luận về nội dung hoặc những điều được cho là nội dung của những trao đổi ngoại giao nội bộ và trao đổi với các đối tác ở quốc gia khác”.

Một quan chức EU khác nói với Reuters rằng báo cáo về tình trạng phát tán thông tin sai lệch đã được công bố như bình thường và phủ nhận lời lẽ trong văn bản đã bị giảm tông.

Bốn nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng báo cáo đáng lẽ được công bố vào ngày 21/4, nhưng bị hoãn lại sau khi các quan chức Trung Quốc đọc bài trên tạp chí Politico nên biết trước kết luận của báo cáo.

Bùng phát cụm dịch mới trên du thuyền ngoài khơi Nhật Bản

Với 60 ca mới được phát hiện, tổng số người mắc COVID-19 trên tàu Costa Atlantica đã lên tới 150, chiếm gần 1/4 số thủy thủ đoàn, theo Reuters.

Cụm lây nhiễm trên tàu đang cập cảng ở Nagasaki xuất hiện trong bối cảnh các bệnh viện sắp kín giường bệnh ở một số vùng của Nhật Bản, nơi các trường hợp mắc Covid-19 đã tăng lên trên 12.800 và 345 người đã tử vong.

Trong số những người mắc Covid-19 trên tàu Costa Atlantica, mới chỉ có một thủy thủ đoàn nhập viện, số còn lại vẫn ở trên tàu, có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Costa Atlantica được vận hành bởi CSSC Carnival Cruise Shipping, đối tác giữa Carnival Corp và Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc.

Tàu đã cập cảng tại Nhật Bản từ tháng 2 để sửa chữa và bảo trì sau khi không thể theo đúng lịch trình bảo trì tại Trung Quốc vì dịch Covid-19. Chính quyền Nagasaki đã cách ly tàu từ khi cập cảng và yêu cầu thủy thủ đoàn không di chuyển khỏi ngoài cầu cảng trừ khi đến bệnh viện.

Quan chức Mỹ: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự đi bộ ở Wonsan

Tờ Dong-A Ilbo hôm nay (25/4) dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được nhìn thấy tự đi bộ ở thành phố Wonsan, giữa lúc có thông tin trái chiều về sức khỏe của ông Kim.

img
Ông Kim Jong-un thăm một đơn vị không quân trong ảnh hãng thông tấn KCNA công bố hôm 12/4

“Ông Kim Jong-un được xác định ở Wonsan trong suốt tuần trước. Ông ấy được nhìn thấy tự đi bộ từ ngày 15 – 20/4”, vị quan chức Mỹ trên cho hay.

Cũng theo Dong-A Ilbo, có báo cáo nhiều người nhìn thấy xe và thuộc cấp của ông Kim và ông ấy tự đi bộ mà không cần sự hỗ trợ của người khác hay xe lăn. Giới chức Mỹ dường như xác nhận thông tin này dựa trên phân tích về radar và hình ảnh chụp được từ máy bay trinh sát. Trong mấy ngày gần đây, Mỹ liên tục điều máy bay trinh sát hoạt động trên bán đảo Triều Tiên.

“Khi vài thân cận của ông Kim và quan chức cấp cao nhiễm Covid-19, ông Kim dường như đã rời khỏi Bình Nhưỡng nhằm tránh dịch bệnh”, vị quan chức trên nhận định khi xem xét những lý do nhà lãnh đạo Triều Tiên không xuất hiện trước công chúng từ ngày 11/4.

Cựu Tổng thống Obama hiến kể để Mỹ sớm đẩy lùi Covid-19

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Mỹ cần "một chương trình xét nghiệm toàn diện" nếu muốn cuộc sống trở lại như bình thường sớm, CNN đưa tin ngày 25/4.

img
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: BLOOMBERG

Ông Obama chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng, đây không phải là phương pháp rẻ nhưng cuối cùng sẽ được đền đáp gấp nhiều lần bởi các sinh mạng được cứu sống, các doanh nghiệp được cứu và nhiều việc làm được giữ lại.

Theo CNN, Mỹ hiện đang tiến hành xét nghiệm cho khoảng 150.000 người mỗi ngày.

Trong khi đó, Đức, vốn có dân số ít hơn Mỹ, tiến hành khoảng 120.000 xét nghiệm mỗi ngày, New York Times thông tin.

Các nhà nghiên cứu Harvard đã nêu rằng, chỉ khi Mỹ có thể nâng số xét nghiệm lên 500.000 mỗi ngày vào 1.5, nền kinh tế nước này mới có thể mở cửa trở lại.

Số ca mắc Covid-19 của Mỹ tới 10h30 sáng 25/4, giờ Hà Nội, đã vượt ngưỡng 925.038, với 52.185 ca tử vong liên quan tới dịch bệnh, theo thống kê của Worldometers.

Mỹ dọa phạt nặng WHO

Trong cuộc phỏng vấn mới với kênh Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh đến nhu cầu phải cải tổ cấu trúc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm "sửa chữa những thiếu sót" của cơ quan này. Ông Pompeo cũng cảnh báo, Washington có thể vĩnh viễn cắt tài trợ cho WHO.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo cuộc họp báo về dịch bệnh Covid-19 tại Nhà Trắng ngày 24/4. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump và nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ hiện đổ lỗi cho WHO về những thất bại trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu, đồng thời cáo buộc cơ quan này "bao che, thiên vị" Trung Quốc. Ông Trump hôm 14/4 đã thông báo ngưng chu cấp tài chính cho WHO trong 60 - 90 ngày để thẩm tra cách xử lý khủng hoảng.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm (886.709 người) và tử vong (50.243 người) tính đến chiều 24/4 đều cao nhất thế giới.

Theo Reuters, chỉ trong vòng 5 tuần qua đã có đến 26 triệu người lao động ở Mỹ, tương đương 1/6 lực lượng lao động của xứ cờ hoa đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tỉ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể tăng đến mức kỷ lục trong tháng 4, tới 20% do sự hoành hành của dịch bệnh và ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm làm chậm lại đà lây lan của virus.

Rộ tin Trung Quốc gửi bác sĩ đến Triều Tiên tư vấn cho ông Kim Jong-un

Reuters hôm nay (25/4) dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Trung Quốc đã gửi một nhóm bác sĩ và quan chức đến tư vấn cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un giữa lúc có thông tin trái chiều về sức khỏe của ông Kim.

img
Một nguồn tin từ Hàn Quốc hôm 24/4 tiết lộ với Reuters rằng thông tin tình báo của họ cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sớm xuất hiện trước công chúng

Cụ thể, theo nguồn tin, phái đoàn do một thành viên cấp cao của Ban Liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu, đã rời khỏi Bắc Kinh để đến Triều Tiên hôm 23/4. Tuy nhiên, ban này cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/4 chưa có phản hồi về thông tin trên, theo Reuters.

Trước đó, vào ngày 20/4, Daily NK, chuyên trang theo dõi tình hình Triều Tiên có trụ sở ở Seoul, dẫn một số nguồn tin từ Triều Tiên cho hay nhà lãnh đạo Kim đang hồi phục sau ca phẫu thuật tim vào ngày 12/4. Trong khi đó, CNN hôm 20/4 dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay chính phủ Mỹ đang theo dõi thông tin tình báo cho rằng lãnh đạo Kim đang trong tình trạng nguy kịch sau ca mổ tim”.

Tuy nhiên, một quan chức tại Ban Liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó cho Reuters biết nguồn tin của ông không tin rằng lãnh đạo Triều Tiên bị bệnh nặng. Hai quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng đã bác bỏ thông tin từ CNN nhưng không nói rõ liệu ông Kim có trải qua cuộc phẫu thuật hay không.

Phản đối Tổng thống, Bộ trưởng tư pháp Brazil từ chức

Sergio Moro, cựu thẩm phán chống tham nhũng nổi tiếng tại Brazil, Bộ trưởng Tư pháp, hôm nay thông báo từ chức vì Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Mauricio Valeixo vì "lý do cá nhân và chính trị".

img
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Brazil phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Brasillia ngày 24/4. Ảnh: Reuters

Tuyên bố từ chức của Moro có thể gây ra khủng hoảng chính trị và làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Bolsonaro, trong lúc uy tín của Tổng thống Brazil giảm sút vì cách xử lý khủng hoảng Covid-19 gây tranh cãi.

Các cuộc biểu tình nổ ra khắp Brazil sau tuyên bố của Moro, dân chúng đập chảo và nồi từ trong nhà khi hét lên "Bolsonaro từ chức đi!".

Văn phòng Tổng thống Brazil chưa bình luận về thông tin.

"Việc Bộ trưởng Sergio Moro rời khỏi chính phủ cho thấy chính quyền của Bolsonaro rời xa nguyện vọng chống tham nhũng của số đông. Đó là thất bại về mặt đạo đức", theo thông cáo của đảng đối lập Podemos.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Brasilia, Moro nói đồng ý phục vụ trong chính quyền Tổng thống Bolsonaro với điều kiện ông có quyền tự do bổ nhiệm cấp dưới mà không phải chịu áp lực chính trị. Tuy nhiên, Bolsonaro tìm cách thay người đứng đầu lực lượng cảnh sát liên bang của Brazil từ nửa cuối năm 2019 mà không đưa ra lý do chính đáng, Moro cho biết.

Ca tử vong ở Mỹ vượt mốc 50.000, tăng gấp đôi sau 10 ngày

Số ca tử vong ở Mỹ vượt mốc 50.000 ngày 24/4, sau khi tăng gấp đôi trong vòng 10 ngày qua. Khoảng 880.000 ca nhiễm ở nước này.

img
Dù tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, một số bang như Georgia ở Mỹ đang mở cửa dần. Ảnh chụp tại một tiệm cắt tóc ở Atlanta, Georgia hôm 24/4. Ảnh: AP

Số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ hiện cao nhất thế giới với trung bình khoảng 2.000 người chết mỗi ngày trong tháng 4 này.

Số ca nhiễm thực có thể cao hơn, khi các quan chức đều cảnh báo rằng thiếu hụt nhân lực và vật tư y tế đã giới hạn khả năng xét nghiệm.

Số ca tử vong có thể cũng sẽ tăng khi đa số tiểu bang chỉ đếm số người chết ở bệnh viện và viện dưỡng lão, và chưa ghi nhận hết số người chết tại nhà.

Mất 38 ngày để số ca tử vong ở Mỹ tăng từ ca đầu tiên lên 10.000 ca. Nhưng sau đó, chỉ mất 5 ngày để số ca tử vong tăng lên 20.000. Con số này tăng từ 30.000 lên 40.000 trong bốn ngày, vào khoảng ngày 20/4, bao gồm các ca tử vong “nghi nhiễm Covid-19” mà New York công bố gần đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.