Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
3 trường đại học bị kiện vì không hoàn trả học phí trong dịch Covid-19
Đài CNN ngày 26/4 đưa tin các sinh viên vừa nộp đơn kiện tập thể cáo buộc 3 trường đại học ở New York (Mỹ) không hoàn trả học phí và các khoản phí liên quan khi dạy qua mạng vì dịch Covid-19.
Các trường bị kiện đều là trường tư, gồm Đại học Columbia, Đại học Pace và Đại học Long Island. Các sinh viên cho rằng những khoản phí của họ đã đóng vốn để học tại trường và các hoạt động khác.
Họ cho rằng việc học qua mạng đáng lẽ phải tốn ít phí hơn, bên cạnh chất lượng giảng dạy kém hơn.
Theo đơn, các sinh viên cho rằng nếu học tại trường, họ sẽ được tiếp xúc với các giáo sư nhiều hơn, tiếp cận các cơ sở vật chất của trường, các bữa ăn và giao tiếp xã hội.
Dù thừa nhận rằng việc đóng cửa trường và chuyển sang học qua mạng là cần thiết vì Covid-19, các đương đơn cho rằng việc áp dụng từ tháng 3 khiến họ bỏ lỡ một phần trong học kỳ mà họ đã trả phí.
Bà Marie Boster đại diện Đại học Pace cho biết đã điều chỉnh phí và dự định vận dụng đạo luật CARES nhằm hỗ trợ các sinh viên. Đạo luật này được Quốc hội thông qua năm nay liên quan đến quỹ cứu trợ trong thời Covid-19. Trong khi đó, Đại học Columbia và Đại học Long Island chưa đưa ra phản hồi.
Ca tử vong ở Mỹ vượt 53.000, ông Trump tính thay Bộ trưởng Y tế
Wall Street Journal hôm 25/4 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc khả năng thay thế Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Alex Azar, nguyên nhân bởi các bước đi bị đánh giá là sai lầm trong đối phó với virus corona thời điểm dịch bệnh mới bùng phát.
Ít nhất 6 nguồn tin cho Wall Street Journal biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành tại Nhà Trắng trong bối cảnh sự thất vọng đối với Bộ trưởng Azar đang tăng lên khi số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ tăng cao từng ngày.
Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump được cho là ngần ngại tạo ra sự thay đổi lớn ở thượng tầng khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, Politico cho biết Nhà Trắng đã xây dựng một danh sách những người có tiềm năng thay thế ông Azar, trong đó có Điều phối viên virus corona của Nhà Trắng Deborah Birx, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Medicare và Medicaid là Seema Verma, cùng Thứ trưởng Bộ Y tế Eric Hargan.
Tổng thống Trump và Putin ra tuyên bố chung
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra tuyên bố chung vào hôm 25/4, kỷ niệm 75 năm quân đội Mỹ và Liên Xô gặp nhau tại sông Elbe gần Torgau ở Đức năm 1945 trong Thế chiến II, theo The Hill.
“Ngày nay, khi chúng ta đương đầu với những thách thức quan trọng nhất của thế kỷ XXI, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với chiến sĩ và lòng can đảm của những người đã cùng nhau chiến đấu để đánh bại chủ nghĩa phát-xít”, tuyên bố viết.
Những người biết về bản dự thảo của tuyên bố nói rằng việc đưa ra tuyên bố mang ý nghĩa tượng trưng. Họ cũng lưu ý rằng mục đích của tuyên bố là để chứng minh với công chúng rằng các quốc gia có thể "gạt bỏ sự khác biệt của họ", theo Wall Street Journal.
"Cuộc gặp bên dòng sông Elbe là một ví dụ về cách các quốc gia có thể gạt bỏ sự khác biệt, tạo dựng niềm tin và hợp tác để theo đuổi một mục đích lớn hơn", theo tuyên bố.
Những tuyên bố như vậy rất hiếm được đưa ra. Lần gần đây nhất một tuyên bố như vậy được đưa ra là vào năm 2010 giữa cựu Tổng thống Obama và Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev.
Theo Wall Street Journal, quyết định đưa ra tuyên bố này đã gây tranh cãi giữa các quan chức trong chính quyền ông Trump tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Nhiều người đã hoài nghi về ý định của Moscow và phàn nàn một số vấn đề liên quan đến Nga.
Đoàn tàu bọc thép nghi của ông Kim Jong-un xuất hiện giữa tin đồn sức khỏe
Theo Reuters, các chuyên gia của tổ chức chuyên nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Washington, 38 North, hôm qua 25/4 cho biết: Dựa vào các ảnh chụp vệ tinh, họ phát hiện đoàn tàu được cho là của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đậu tại nhà ga riêng tại Wonsan hôm 21/4 và 23/4.
Mặc dù 38 North cho rằng đây là đoàn tàu đặc biệt của ông Kim Jong-un, song Reuters chưa thể xác nhận.
“Sự xuất hiện của đoàn tàu không khẳng định vị trí hiện tại của nhà lãnh đạo Triều Tiên hay nói lên bất cứ điều gì về sức khỏe của ông ấy nhưng nó củng cố lại các thông tin nói rằng ông Kim có thể đang nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng ở vùng duyên hải phía đông Triều Tiên”, báo cáo của 38 North nêu.
Những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un xuất hiện sau khi ông vắng mặt tại nhiều sự kiện quan trọng ở Triều Tiên. Hãng tin NK Daily có trụ sở tại Seoul đầu tuần này dẫn nguồn thạo tin giấu tên nói rằng, ông Kim Jong-un đang phải nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng núi Kumgang thuộc tỉnh Hyangsan sau phẫu thuật tim hôm 12/4. CNN dẫn nguồn tin tình báo cho biết, tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “rất nghiêm trọng”.
Reuters ngày 24/4 dẫn các nguồn tin cho biết, Trung Quốc dường như đã cử một đội ngũ chuyên gia y tế đến Triều Tiên.
Đến nay, truyền thông Triều Tiên không hề đề cập đến tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un. Trong khi đó, giới chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Donald Trump, nói rằng Mỹ không nắm được thông tin liên quan đến sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hàn Quốc, Trung Quốc cũng bày tỏ hoài nghi các đồn đoán về sức khỏe của ông Kim Jong-un.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng, đánh cắp nghiên cứu về Covid-19
Giới chức Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ và tổ chức y tế để đánh cắp các nghiên cứu về đại dịch Covid-19.
Theo CNN, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết trong thời gian qua họ chứng kiến nhiều vụ tấn công mạng vào các tổ chức chính phủ, tổ chức y khoa do các quốc gia và tổ chức nước ngoài thực hiện. Một số quan chức của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc đứng sau vài vụ việc.
Các bệnh viện, phòng nghiên cứu, đơn vị chăm sóc sức khỏe và công ty dược của Mỹ đều bị tấn công mạng, một nguồn thạo tin nói với CNN. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ - cơ quan quản lý trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) - dường như bị tấn công ồ ạt mỗi ngày.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ lo ngại về các vụ tấn công nghi do các tin tặc liên quan tới Trung Quốc thực hiện nhằm vào các bệnh viện và phòng thí nghiệm để đánh cắp các nghiên cứu liên quan với Covid-19.
Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên đưa tin về ông Kim Jong Un
Theo phản ánh của Ria Novosti, Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên sáng nay (26/4) đã công bố hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong Un giữa tin đồn dồn dập nói về tình trạng sức khỏe và sinh mệnh của ông.
Đài phát thanh DPRK nói rằng "Đồng chí Kim Jong Un đã gửi lời cảm ơn đến những người lao động và nhân viên đã hết lòng góp sức xây dựng thành phố Samzhiyon.".
Tuy nhiên, theo Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, tuyên bố này được ông Kim Jong Un đưa ra ở đâu và khi nào không được xác định.
Ngoài ra, ngày hôm qua 25/4, Ủy ban Giao thông vận tải Trung ương Triều Tiên tuyên bố rằng, hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhận được một bức điện chúc mừng từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Nga - ông Gennady Zyuganov nhân dịp kỷ niệm chuyến thăm của ông Kim Jong-Un tới Nga.
Không có báo cáo mới về sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Triều Tiên Kim Jong Un trong các sự kiện công cộng hoặc về các chuyến đi của ông trên khắp đất nước.
Bức ảnh cuối cùng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un được đăng tải trên trang web CTAC và cũng đã được sử dụng để công bố trên bản tin ngày 12/4 về việc ông Kim đi kiểm tra một trung đoàn không quân.
Mỹ tranh cãi kế hoạch thả tù nhân giữa Covid-19
Việc ngày càng nhiều tù nhân được phóng thích đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở thành phố St. Louis, bang Missouri, cùng nhiều nơi khác ở Mỹ.
Cuộc tranh cãi về việc tù nhân nào nên được thả đã trở nên gay gắt ở nhiều nơi. Tại Texas, Thống đốc Greg Abbott đã ban hành lệnh cấm thả một số tù nhân, khi cho rằng điều này "không chỉ đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của công chúng, mà còn cản trở nỗ lực đối phó với Covid-19". Lệnh cấm đã được đưa ra tòa án tối cao ở Texas và được thông qua tuần này.
Tại bang Washington, một số quan chức hành pháp cho rằng thống đốc đang có kế hoạch phóng thích sớm gần 1.000 tù nhân, trong đó có cả những người phạm tội hành hung hoặc tấn công tình dục.
"Tôi lo rằng việc thả những tù nhân này sẽ là mối đe dọa lớn cho an toàn của cộng đồng", Robert Snaza, Cảnh sát trưởng Hạt Lewis, cho biết.
Nhiều người phản đối chính sách này đã viện dẫn sự việc ở Florida tháng trước, khi một người đàn ông ở thành phố Tampa bắn chết người chỉ một ngày sau khi được thả ra cùng hơn 160 người khác tại nhà tù hạt Hillsborough.
Ả Rập Xê Út hủy bỏ phạt roi
Ả Rập Xê Út cho biết chính phủ vừa tiến hành đợt cải cách mới "phù hợp với các quy tắc nhân quyền quốc tế chống lại trừng phạt thân thể", theo AFP.
Các tòa án Ả Rập Xê Út trước đây có thể ra lệnh phạt roi những người phạm tội từ quan hệ tình dục ngoài hôn nhân cho đến gây rối trật tự công cộng.
Trong tương lai, các thẩm phán chỉ có thể ra lệnh phạt hành chính, án tù hoặc hình phạt không giam giữ khác để thay thế, chẳng hạn lao động công ích, theo thông báo của tòa án tối cao Ả Rập Xê Út.
Ông Awwad Alawwad, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Ả Rập Xê Út, cho biết đợt cải cách này là một bước tiến quan trọng trong vấn đề nhân quyền ở nước này.
Tuy nhiên, các hình thức trừng phạt thân thể khác, chẳng hạn như cắt cụt tay đối với hành vi trộm cắp hoặc chặt đầu vì tội giết người và khủng bố, vẫn được giữ nguyên.
“Đây là đợt cải cách đáng hoan nghênh nhưng Ả Rập Xê Út đáng lẽ ra nên thực hiện sớm hơn. Ngay bây giờ, không còn gì có thể cản trở Ả Rập Xê Út cải cách hệ thống tư pháp không công bằng”, ông Adam Coogle, đại diện của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, nói với Reuters.
WHO cảnh báo: Từng mắc Covid-19 vẫn có thể mắc lại
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, những người từng nhiễm SARS-Cov-02 không nhất thiết miễn dịch nhờ kháng thể, vẫn có khả năng nhiễm virus trở lại, CNN đưa tin ngày 25/4.
“Hiện không có bằng chứng cho thấy người từng mắc Covid-19 sẽ không mắc lần hai”, WHO tuyên bố trong một thông báo khoa học ngày 25/4.
WHO cảnh báo các chính phủ đang cân nhắc phát hành “hộ chiếu miễn dịch” cho những người từng mắc Covid-19 với hàm ý việc để họ trở lại nhịp sống bình thường là an toàn.
“Tại giai đoạn này của đại dịch, không có đủ bằng chứng về tính hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể để bảo đảm tính chính xác của ‘hộ chiếu miễn dịch’ hoặc ‘chứng chỉ không có nguy cơ’”, WHO tuyên bố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận