Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:
Mỹ nói Triều Tiên nổ súng về phía Hàn Quốc do "sơ ý"
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay nói rằng việc Triều Tiên nổ súng về phía Hàn Quốc ở DMZ là sự việc vô tình và không có thương vong về người.
"Nhiều phát đạn được bắn ra từ phía bắc, chúng tôi nghĩ là do sơ ý. Hàn Quốc đã bắn trả. Không có thương vong từ cả hai phía", Pompeo cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC.
Ngoại trưởng Mỹ cũng từ chối bình luận về những thông tin Mỹ nắm được liên quan tới sự vắng mặt của lãnh đạo Triều Tiên cũng như các đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong-un.
"Chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy các hình ảnh giống với những gì thế giới thấy vào hôm qua. Có vẻ Chủ tịch Kim vẫn sống và khỏe mạnh", ông nói. "Nhiệm vụ của chúng ta vẫn không đổi, đó là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và kiến tạo một tương lai tươi đẹp hơn cho người dân Triều Tiên".
Nổ súng ở biên giới Hàn - Triều
Quân đội Hàn Quốc cho biết phía Triều Tiên nã nhiều phát đạn vào tháp canh bên kia biên giới, buộc lực lượng này bắn cảnh cáo đáp trả.
"Nhiều phát đạn từ phía Triều Tiên bắn trúng một trạm gác của Hàn Quốc bên trong Khu Phi quân sự (DMZ), khiến lực lượng của chúng tôi phát tín hiệu cảnh báo và bắn trả", Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm nay cho biết.
JSC cho hay, tháp canh gần thị trấn biên giới Cheorwon bị trúng đạn vào khoảng 7h41 (5h41 giờ Hà Nội), nhưng không gây thiệt hại về người hay cơ sở vật chất.
Sau khi xem xét tình hình, binh sĩ Hàn Quốc phát loa cảnh báo và bắn hai phát súng trường đáp trả về phía Triều Tiên. Tình hình lắng xuống lúc 11h (9h giờ Hà Nội).
Sự cố diễn ra một ngày sau khi truyền thông Triều Tiên đưa tin về sự tái xuất của lãnh đạo Kim Jong-un sau nhiều tuần vắng bóng, động thái được cho là nhằm dập tắt các tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông.
Vụ nổ súng này vi phạm thỏa thuận quân sự hai bên đạt được hồi năm 2018 nhằm ngăn xung đột bất ngờ nổ ra ở biên giới.
Các quan chức quân sự Hàn Quốc đang phân tích về vụ nổ súng và nghiêng về giả thuyết đây là một sự cố. Tuy nhiên, họ cho biết không loại trừ đây là hành vi cố tình khiêu khích, bởi nó diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Kim Jong-un "tái xuất".
Thủ tướng Anh đặt tên con gợi nhớ quãng thời gian điều trị Covid-19
Theo CNN, con trai Thủ tướng Boris Johnson chào đời hôm thứ tư, 29/4, và được cha đặt tên là Wilfred Lawrie Nicholas Johnson.
Lí giải về tên con trai, bà Carrie Symonds - bạn gái Thủ tướng Johnson - cho biết: “Tên Wilfred được đặt theo ông của Boris. Lawrie là tên của ông tôi. Nicholas là tên của hai bác sĩ đã điều trị cho Boris hồi tháng trước - bác sĩ Nick Price và bác sĩ Nick Hart.”
Hiện bà Symonds và con trai Wilfred vẫn khỏe.
Con trai Wilfred chào đời khi ông Boris Johnson vừa trở lại làm việc 2 ngày, sau 3 tuần điều trị Covid-19 và từng phải nằm tại khoa chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện.
Trước bà Symonds, ông Johnson từng kết hôn và có 4 con chung với vợ cũ Marina Wheeler.
Tổng thống hứng chỉ trích, Brazil nguy cơ "thất thủ" vì Covid-19
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bị chỉ trích vì lời bình luận bị mô tả là “thiếu sự cảm thông” trước thông tin 5.000 người chết vì Covid-19 ở quốc gia Mỹ Latinh.
Ngày 28/4, khi được hỏi về thông tin 5.000 người đã chết vì dịch Covid-19, Tổng thống Bolssonaro đã đáp lại: “Vậy thì sao nào?”.
Theo AFP, bình luận của ông Bolssonaro này đã "thổi bùng" sự tranh cãi trong dư luận Brazil. Các thống đốc, chính trị gia, chuyên gia y tế và giới truyền thông đã chỉ trích Tổng thống Brazil vì “sự thiếu cảm thông”.
Ông Bolsonaro, người thường có phát ngôn gây tranh cãi, đã khiến dư luận giận dữ trong bối cảnh Brazil dường như đã “vỡ trận” vì Covid-19 trong khi các nhà khoa học dự đoán nước này còn vài tuần nữa mới lên tới đỉnh dịch.
Số ca Covid-19 được ghi nhận chính thức ở Brazil hiện là hơn 96.000 và số người chết vì dịch là 6.750. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng con số ca nhiễm thực tế có thể cao gấp 15-20 lần.
Thủ tướng Anh: Các bác sĩ đã chuẩn bị cho cái chết của tôi
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong thời gian ông nằm viện vì nhiễm Covid-19, các bác sĩ đã chuẩn bị kế hoạch cần làm gì nếu ông không may tử vong.
Trong bài phỏng vấn với tờ The Sun, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói các bác sĩ đã chuẩn bị tuyên bố cái chết của ông trong tình huống xấu xảy ra.
“Đó là khoảnh khắc thật khó khăn, tôi không phủ nhận điều đó. Họ đã có chiến lược để đối phó với cái chết của tôi”, ông Johnson nói với The Sun. “Tuy nhiên, thời điểm tồi tệ nhất là khi các bác sĩ xem liệu họ có phải đặt ống khí quản cho tôi không”, ông Johnson nói. “Đó là khi họ bắt đầu nghĩ cách thông báo cái chết của tôi”.
“Nhờ sự chăm sóc tuyệt vời của các nhân viên y tế nên tôi mới qua khỏi”, ông chia sẻ. “Tôi không biết phải giải thích chuyện này thế nào, thật tuyệt vời”.
Vết đỏ gây đồn đoán trên cổ tay Kim Jong-un ngày tái xuất
NK News, trang chuyên đưa tin về tình hình Triều Tiên, phát hiện một vết đỏ giống như sẹo trên cổ tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi ông xuất hiện trong video được truyền thông nhà nước công bố hôm 2/5.
Trong video này, ông Kim mỉm cười bước đi một cách khoan thai khi tới dự lễ khánh thành Nhà máy Phân bón Sunchon ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng hôm 1/5, nhân Ngày Quốc tế Lao động. Ông ngồi trên một chiếc xe điện vui vẻ trò chuyện cùng các quan chức khi tham quan nhà máy, vết đỏ lộ ra khi ông đưa tay phải lên cao.
Một chuyên gia y tế Mỹ nói với NK News rằng dấu vết trên cổ tay phải ông Kim có thể là sẹo liên quan đến một ca phẫu thuật tim mạch gần đây, nhiều khả năng là chọc dò động mạch phải để lấy mẫu máu đi phân tích.
Nhiều đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un rộ lên kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên không xuất hiện trong Ngày Mặt trời, sự kiện trọng đại hàng đầu kỷ niệm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Truyền thông Triều Tiên không đăng bất cứ thông tin nào về ông Kim suốt 20 ngày sau đó.
Giới quan sát cho rằng việc truyền thông nhà nước Triều Tiên ban đầu đăng ảnh Kim Jong-un tới thị sát nhà máy Sunchon, sau đó công bố tiếp video về buổi lễ khánh thành nhà máy, là thông điệp nhằm "xua tan" mọi tin đồn rằng Kim Jong-un đang gặp vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo và khẳng định ông vẫn là người nắm giữ quyền lực cao nhất ở Triều Tiên.
Mỹ vượt 66.000 người chết, thống đốc New York cảnh báo về "mở cửa mù quáng"
Theo thống kê của đại học John Hopkins, Mỹ hiện có ít nhất 1.126.519 người nhiễm virus Corona mới (SARS-CoV-2) trong khi số người thiệt mạng vì dịch là 66.051.
Con số thống kê này ghi nhận trên toàn bộ 50 bang, Quận Columbia, các vùng lãnh thổ khác của Mỹ và các ca bệnh được sơ tán về Mỹ.
Thống đốc New York Cuomo ngày 2/5 đã phản bác những gì mà ông gọi là “các nhu cầu sớm” đòi hỏi ông phải mở cửa lại bang. Ông nói rằng, dù biết mọi người đang sống rất khó khăn vì không có việc làm, nhưng việc hiểu về tình hình dịch bệnh cũng rất cần thiết.
Ông Cuomo cảnh báo việc mở cửa lại “một cách mù quáng”, cho rằng thứ cần được sử dụng để đưa ra quyết định vào lúc này là thông tin, chứ không phải là “cảm xúc, chính trị, hay việc mọi người nghĩ hay cảm thấy ra sao mà là dựa vào những gì chúng ta nắm được thực tế”.
Tính đến cuối tuần này, khoảng một nửa các bang Mỹ đã mở cửa một phần lại nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Cuomo nhấn mạnh rằng cần có thêm thông tin về tình trạng dịch bệnh trước khi đưa ra quyết định.
New York hiện là vùng dịch lớn nhất của Mỹ với hơn 312.000 ca Covid-19 và trên 24.000 người chết vì dịch.
Nga ghi nhận kỷ lục buồn
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Nga có thêm 9.623 trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới, mức tăng cao nhất trong ngày từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 124.054 người. Tổng số ca tử vong vì dịch trên toàn quốc hiện là 1.222 người, tăng 53 trường hợp so với một ngày trước đó.
Theo Báo RT, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Nga gần đây có thể một phần do việc tăng xét nghiệm diện rộng ở thủ đô Moscow, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tại quốc gia này. Chỉ trong ngày 2/5, Moscow đã ghi nhận thêm 5.358 ca mắc mới Covid-19.
Thị trưởng Moscow Serge Sobyanin cho biết, thành phố đã tăng gấp đôi công suất của các trung tâm xét nghiệm và tăng xét nghiệm kháng thể lên 10 lần trong tuần qua. Moscow đang cân nhắc thiết lập các bệnh viện dã chiến tại những khu liên hợp thể thao và trung tâm mua sắm để đối phó với sự gia tăng các bệnh nhân Covid-19.
Nhà chức trách Nga kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội, đồng thời hy vọng các biện pháp xét nghiệm tốt hơn sẽ giúp tăng cường công tác kiểm dịch và cho phép can thiệp y tế sớm với các ca bệnh nghiêm trọng.
Philippines phóng thích gần 10.000 tù nhân để ngừa lây lan dịch Covid-19
Straits Times dẫn tin từ thông báo của thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Mario Victor Leonen cho biết gần 10.000 tù nhân nước này đã được thả để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Covid-19 đã được báo cáo lây lan tại một số nhà tù quá đông ở Philippines, gây ảnh hưởng đến cả tù nhân cũng như các quản giáo.
Hai nhà tù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 tại Philippines đến nay là ở Cebu, nơi phát hiện 348 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số hơn 8.000 tù nhân hôm 1/5.
Trước tình hình này, nhiều nhóm hoạt động đã kêu gọi trả tự do sớm cho các tù nhân bị kết án vì những tội phi bạo lực, cũng như các tù nhân có bệnh và đã cao tuổi.
Cách ly xã hội được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch, tuy nhiên, điều này khó có thể được đảm bảo thực hiện tại các nhà tù - nơi nhiều phòng giam "nhồi nhét" tới gấp 5 lần mức quy định do cơ sở hạ tầng thiếu thốn.
Điển hình là nhà tù Quezon City ở thành phố Quezon, phía đông bắc thủ đô Manila, nơi đông đúc đến mức các tù nhân phải thay phiên nhau ngủ trên cầu thang và sân bóng rổ ngoài trời.
Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, hôm 24/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5.
Tính đến chiều 2/5, Philippines đã ghi nhận 8.928 ca mắc Covid-19 và 603 người tử vong.
Pháp kéo dài sắc lệnh khẩn cấp y tế đến tháng 7
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 2/5 thông báo, sau một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bộ trưởng, chính phủ nước này nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế đã ban hành trên toàn quốc từ tháng 3, đến tận ngày 24/7 để ngăn chặn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo BBC, nhà chức trách Pháp vẫn có kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5. Các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống sự lây lan của virus Corona chủng mới sẽ được điều chỉnh theo từng vùng.
Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lưu ý, "nếu đáp ứng các điều kiện", mọi người sẽ không còn phải xin phép để ra ngoài đường nữa. Song, Thủ tướng Édouard Philippe sẽ có thể "thực hiện các biện pháp bằng nghị định để điều phối hoạt động di chuyển của người dân cũng như việc sử dụng các phương tiện giao thông".
Phát biểu sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Castaner nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải chung sống với virus Corona chủng mới trong một thời gian. Học cách chung sống với virus này là điều cần làm trong những tháng tới".
Pháp hiện vẫn là "điểm nóng" về dịch Covid-19 trên thế giới với hơn 168.000 ca nhiễm Covid-19 và 24.760 trường hợp trong số đó đã tử vong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận