Theo thông báo của viện IHU Méditerrannée tại Marseille, Pháp, biến chủng mới được phát hiện vào đầu tháng 12 ở một người vừa từ Cameroon về Pháp. Hiện tại, biến chủng này đã lây lan sang 12 người khác tại miền Nam nước Pháp.
Theo nghiên cứu ban đầu (chưa có tham chiếu chéo với các đồng nghiệp), biến chủng mới được gọi là B.1.640.2 có tới 46 đột biến.
Nghiên cứu chỉ ra, biến chủng mới có sự xuất hiện của cả hai đột biến trên protein gai đã biết như N501Y và E484K.
Chừng nào thế giới còn chưa tiêm phủ hết vaccine, chừng đó còn biến chủng sinh sôi
Trong đó, N501Y được phát hiện đầu tiên ở biến chủng Alpha, khiến cho biến chủng có thể gắn chặt hơn với tế bào người và lây lan dễ dàng hơn.
Còn E484K là một trong những đột biến cho phép biến chủng có khả năng lẩn trốn, xuất hiện trực tiếp trên protein gai nên có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine phòng Covid-19.
Chỉ với số ít dữ liệu trên, chưa ai có thể khẳng định biến chủng mới B.1.640.2 có dễ lây nhiễm hơn các biến chủng trước hay không. Hơn nữa, không ai có thể khẳng định biến chủng mới xuất phát từ đâu dù B.1.640.2 được phát hiện ở người trở về từ Cameroon.
Song, một điều có thể chắc chắn đó là tỉ lệ tiêm phòng rất thấp sẽ tạo thuận lợi cho các biến chủng mới sinh sôi. Ở Cameroon, chỉ có 2,4% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ.
Một khi vaccine chưa được tiêm phủ toàn cầu, sẽ còn biến chủng mới xuất hiện ở đâu đó.
Về bình luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với biến chủng mới, tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 4/1, ông Abdi Mahamud, quan chức phụ trách quản lý sự cố của WHO đánh giá biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Pháp không có nguy cơ cao, WHO đã và đang theo dõi biến chủng này.
WHO đang theo dõi rất nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. Khi phát hiện một biến chủng có nguy cơ cao, tổ chức này sẽ tuyên bố đây là “biến chủng đáng quan ngại”. Loại B.1.640.2 mới phát hiện ở Pháp chỉ dừng ở mức được quan sát và tìm hiểu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận