Giới trẻ không ưa chuộng thuốc lá nung nóng vì chỉ chứa thuốc lá
Tại nhiều quốc gia, các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc lá nung nóng ở giới trẻ là rất thấp. Hơn nữa, tỷ lệ sử dụng sản phẩm này ở người dưới 21 tuổi phần lớn đều là những người đã từng hút thuốc lá điếu.
Điều này trái ngược với một số ý kiến cho rằng thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác sẽ thu hút giới trẻ, do vậy cần cấm để ngăn chặn nguy cơ này sẽ xảy ra.
Một trong những nguyên nhân được để cập tới là do chi phí và thiết kế, mùi vị của các sản phẩm này không nằm trong phân khúc dành cho giới trẻ.
Trên thực tế, thuốc lá nung nóng không phải là một sản phẩm mới hoàn toàn, vì vẫn được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá (gồm sợi, cọng, lá, thân cây thuốc lá) như thuốc lá truyền thống, dùng thiết bị làm nóng điếu thuốc thay vì đốt cháy như thuốc lá điếu.
Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận thuốc lá nung nóng là "sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá và được xem là sản phẩm thuốc lá", khác hoàn toàn với thuốc lá điện tử sử dụng dung dịch tinh dầu.
Tháng 5/2024, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO cũng ban hành 4 tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm thuốc lá nung nóng , bao gồm 1 tiêu chuẩn về thuật ngữ định nghĩa và 3 tiêu chuẩn điều kiện chuẩn để tạo và thu thập khí hơi (aerosol) của các dạng thuốc lá nung nóng. Thông tin được ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp tại tọa đàm "Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá" ngày 1/8 vừa qua.
Về khả năng bị biến tướng sai mục đích, ông Hưng khẳng định: "Thuốc lá nung nóng là hệ khép kín nên người dùng sẽ sử dụng đúng như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất". Điều này cũng trùng khớp với khẳng định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Theo đó, một trong các lý do để FDA cho phép lưu hành 1 sản phẩm thuốc lá nung nóng vào năm 2019 là vì thiết kế sản phẩm không đủ thu hút giới trẻ, thậm chí gây thách thức cho người dùng cố tình biến tướng sản phẩm.
Dưới góc độ người dùng, anh Đ.T (39 tuổi, TP.HCM), người đã từng bán hàng thuốc lá nung nóng "xách tay" nhiều năm qua cho biết: "Thuốc lá nung nóng không khác gì so với thuốc lá điếu về mặt mùi vị. Do đó những ai chưa từng hút thuốc sẽ không thích. Sản phẩm lại có giá từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng cho thiết bị làm nóng, và quan trọng hơn là gói thuốc lá loại này cũng hơn trăm ngàn đồng/gói, nên giới trẻ nào mà đủ điều kiện để mua?".
Tại Nhật Bản – một trong các quốc gia đã cho phép lưu hành thuốc lá nung nóng đầu tiên và hiện đang là thị trường lớn nhất toàn cầu, chỉ có 0,1% giới trẻ dùng sản phẩm này, theo khảo sát của Bộ Y tế Nhật thực hiện trên 60.000 học sinh THCS và THPT năm 2018.
Mới đây, Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại thuộc Đại học Seoul, Hàn Quốc công bố dữ liệu mới nhất từ Khảo sát sàng lọc sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia được tiến hành trên khoảng 4.514 người. Kết quả cho thấy, có đến 99,4% người dùng thuốc lá nung nóng đã từng hút thuốc lá truyền thống trước khi chuyển đổi, trong khi chỉ có 0,6% là người hút mới.
Đồng thời, những người bắt đầu hút thuốc lá trong độ tuổi thanh thiếu niên thường có xu hướng chọn hút thuốc lá truyền thống hơn là thuốc lá nung nóng. Nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi sang sử dụng thuốc lá nung nóng sẽ giúp tăng khả năng cai hoàn toàn thuốc lá, đồng thời không có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá nung nóng là nguyên nhân dẫn đến việc bắt đầu hút thuốc lá điếu.
Liệu 175 quốc gia không cấm thuốc lá nung nóng có đang đi ngược lại WHO?
Theo Báo cáo toàn diện về nghiên cứu và bằng chứng về các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đầu năm 2024, có đến 175 quốc gia thành viên không cấm kinh doanh thuốc lá nung nóng mà quản lý bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cũng tại hội thảo ngày 1/8, ông Lê Thành Hưng cho rằng cần hiểu rõ khuyến nghị cẩn trọng của tổ chức WHO toàn cầu trong việc quản lý thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Theo đó, WHO đã xác định thuốc lá nung nóng là thuốc lá, do đó khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng trong việc quản lý. Tại Kỳ họp các Bên tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 8 năm 2018 (COP8), WHO nêu rõ các nước cần quản lý thuốc lá nung nóng theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Điều này đồng nghĩa, thuốc lá điếu truyền thống được quản lý như thế nào thì WHO đang khuyến cáo là các nước thành viên FCTC sẽ quản lý sản phẩm này chặt chẽ giống như vậy.
"Chúng ta phải hiểu như thế, chứ không phải nghĩ là nếu đưa sản phẩm vào quản lý thì sẽ dễ tiếp cận hơn," ông Hưng nói.
Các cơ sở trên lý giải cho việc 175 quốc gia không cấm thuốc lá nung nóng cũng không thể bị cáo buộc là đang đi ngược lại với khuyến nghị của WHO, vốn là một trong số các quan điểm đang được phản ánh tại Việt Nam.
Từ khuyến nghị WHO và dữ liệu thực tiễn về tỷ lệ giới trẻ sử dụng sản phẩm này, các chuyên gia đánh giá, việc quản lý thuốc lá nung nóng như sản phẩm thuốc lá là phương án đáng cân nhắc để kiểm soát mọi loại thuốc lá trên thị trường, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ những nỗ lực quốc gia trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội, đại diện bộ ngành kêu gọi các cơ quan quản lý cần sớm đưa định nghĩa về thuốc lá nung nóng là sản phẩm thuốc lá vào văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có biện pháp chính thức quản lý tương đồng với chính sách kiểm soát các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào, thuốc lá cuốn... đang được áp dụng hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận