Các nhà ngoại giao hàng đầu thế giới đang hội tụ tại Bangkok, Thái Lan để chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Đông Nam Á diễn ra từ 29/7 đến 3/8. Đó là Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trong việc đòi yêu sách tại vùng biển rộng lớn ở Biển Đông.
SCMP dẫn lời một quan chức Indonesia giấu tên hôm 29/7 cho biết, sau khi các bên thống nhất về dự thảo sơ bộ, Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với 10 quốc gia trong khối ASEAN.
Trong khi đó, ông Alexander Neill, một chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự.
Theo dự đoán của ông Alexander Neill, Trung Quốc sẽ tìm cách kiềm chế lập trường cứng rắn của Philippines và lặp lại các yêu sách đòi chủ quyền (phi pháp- PV) của Bắc Kinh đối với các hòn đảo và rặng san hô trên khu vực Biển Đông đang có nhiều biến động nguy hiểm.
Trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Mỹ sẽ đặt vấn đề Biển Đông lên bàn hội nghị tại thủ đô Thái Lan.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 được tổ chức tại Bangkok với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề "hòa bình, an ninh và thương mại".
Ngoài 10 quốc gia Đông Nam Á trong số các nước tham gia hội nghị cũng có 10 nước đối tác. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ là đối tác đối thoại quan trọng tại các cuộc họp.
Phía Thái Lan nhấn mạnh rằng ASEAN sẽ cho phép các nước thảo luận những mối lo ngại đang diễn ra như cuộc khủng hoảng người Rohingya và tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm cả tiến trình về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Quan chức Mỹ nói rằng: "Chúng tôi sẽ dùng các diễn đàn để tìm cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng niềm tin, tìm kiếm giải pháp khả thi".
Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này cũng xác nhận vấn đề Biển Đông cũng sẽ được Mỹ đặt lên bàn hội nghị tại Bangkok.
Trước đó, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận