Xã hội

Covid-19 ngày 11/6: Cả nước có 196 ca mắc mới, riêng TP.HCM 48 ca

11/06/2021, 09:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 11/6 tại Việt Nam: Việt Nam ghi nhận thêm 196 ca mắc mới, trong đó, 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

img

Tin tức dịch Covid-19 ngày 11/6 tại Việt Nam và thế giới liên tục được cập nhật.

Tin tức Covid-19 hôm nay mới nhất

Bộ Y tế thông tin, tính từ 12h đến 18h ngày 11/6 có 63 ca mắc mới (BN9918 - 9980) ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (27), TP.HCM (20), Bắc Ninh (15), Hà Nội (1); trong đó 56 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Theo đó, trong ngày 11/6, Việt Nam ghi nhận thêm 196 ca mắc mới, trong đó có 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Tây Ninh (1). 185 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (95), TP.HCM (48), Bắc Ninh (28), Hà Tĩnh (8 ), Hà Nội (6); trong đó 168 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Có 17 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

- CA BỆNH BN9918-BN9920, BN9925-BN9926, BN9931, BN9934, BN9936-BN9944, BN9949-BN9953, BN9955-BN9960 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN9921-BN9924, BN9927-BN9928, BN9930, BN9932-BN9933, BN9935, BN9945-BN9948, BN9954 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 10 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 01 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 04 ca liên quan đến ổ dịch Thuận Thành. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN9929 ghi nhận tại TP. Hà Nội: nam, 3 tuổi, là F1 của BN4260, BN4564; đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

- CA BỆNH BN9961-BN9980 ghi nhận tại TP.HCM: 13 ca là các trường hợp F1, 3 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 4 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng theo Bộ Y tế, hôm nay có 96 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Hai nữ bệnh nhân Covid-19 tử vong

Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về 2 ca tử vong số 56 và 57 là hai bệnh nhân nữ có bệnh ác tính nặng, liên quan đến COVID-19, cụ thể:

CA TỬ VONG 56: BN4115, 65 tuổi, địa chỉ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tiền sử: ung thư cổ tử cung có di căn hạch ổ bụng vào tháng 3/2020, đã hóa và xạ trị 6 đợt.

Ngày 3/5, bệnh nhân vào Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cấp cứu vì viêm trực tràng, đi tiểu ra máu, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm trực tràng, viêm bàng quang chảy máu, suy thận / ung thư cổ tử cung tiến triển tại mỏm cụt, di căn hạch chủ bụng.

Ngày 16/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Sau 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện sốt cao, khó thở tăng dần, bệnh nhân được theo dõi sát và điều trị tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, được đặt nội khí quản ngày 2/6.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực: thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng nấm, điều chỉnh rối loạn đông máu, nuôi dưỡng chăm sóc toàn diện. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân đáp ứng điều trị kém, chức năng phổi không cải thiện, sốc không hồi phục. Bệnh nhân tử vong ngày 10/6/2020.

Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi do SARS-CoV-2, nhiễm nấm candida xâm lấn/ K cổ tử cung di căn hạch ổ bụng.

CA TỬ VONG 57: BN3595, 59 tuổi, có địa chỉ huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tiền sử: Ung thư túi mật giai đoạn muộn có đã di căn gan.

Bệnh nhân điều trị ung thư túi mật tại khoa Gan – Mật – Tụy tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, có con gái được xác định mắc COVID-19, bệnh nhân được khẳng định nhiễm COVID-19 vào ngày 11/5, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Tại đây bệnh nhân được theo dõi sát và sử dụng các thuốc điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu và kháng sinh điều trị tình trạng bội nhiễm. Nhưng tới ngày thứ 10 sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân suy hô hấp tiến triển tăng dần, được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực: thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng, nuôi dưỡng, chăm sóc toàn diện, hội chẩn ngoại khoa dẫn lưu dịch mật ra ngoài. Tuy được điều trị hồi sức tích cực, nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc không hồi phục. Bệnh nhân tử vong ngày 10/6/2021.

Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do SARS-CoV-2 trên nền bệnh nhân ung thư túi mật giai đoạn muộn.

img

Như vậy liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Cửa hàng mới (ca bệnh chỉ điểm là bệnh nhân 9139), từ ngày 7/6 đến nay đã ghi nhận 14 trường hợp.

Hàng trăm công nhân làm việc ở Bắc Giang đăng ký về quê Thanh Hóa

Chiều ngày 11/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có 272 công nhân người Thanh Hóa làm việc tại tỉnh Bắc Giang đăng ký trở về Thanh Hóa. Người lao động trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội đã được sàng lọc, xét nghiệm Realtime - PCR âm tính nhiều lần. Đây là các công nhân đã hoàn thành thời gian cách ly, được xét nghiệm âm tính nhiều lần có nguyện vọng trở về địa phương.

img

Tỉnh Thanh Hóa đang lên phương án đảm bảo công tác tổ chức đón công nhân làm việc ở Bắc Giang về quê theo nguyện vọng

Hiện nay Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành chức năng xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức đón công nhân từ tỉnh Bắc Giang về địa phương. Đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Khiên - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, đã có phương án dự phòng bố trí các phương tiện để vận chuyển người từ vùng dịch về khu cách ly tập trung. Sở GTVT Thanh Hóa sẵn sàng điều động phương tiện khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Người phụ nữ Hà Nội mắc Covid-19 khi đi chợ

Trưa 11/6, CDC Hà Nội công bố chi tiết 5 ca Covid-19 mới trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 4 trường hợp liên quan đến chợ Cửa hàng mới ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.

Trường hợp đầu tiên là N.T.Đ, nữ, 45 tuổi, địa chỉ 147 tổ 20, Uy Nỗ, Đông Anh. Nhà ở của bệnh nhân gần chợ Cửa hàng mới. Từ ngày 1-7/6, bệnh nhân có đến mua hàng tại các quầy thịt, quầy hoa quả, gần với quầy rau của bệnh nhân 9139.

Ngày 9/6, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tối ngày 10/6.

Trường hợp thứ hai là chồng của bệnh nhân N.T.Đ, anh T.N.H., nam, 49 tuổi, địa chỉ 147 tổ 20, Uy Nỗ cũng được lấy mẫu xét nghiệm ngày 10/6 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân P.T.L., nam, 9 tuổi, địa chỉ tại Kính Nỗ, Uy Nỗ, Đông Anh. Bệnh nhân là con trai của ca bệnh 9521 và 9522, được Bộ Y tế công bố chiều 9/6.

Ngày 8/6 bé trai được TTYT huyện Đông Anh lấy mẫu xét nghiệm cùng gia đình nhưng cho kết quả âm tính. Đến ngày 9/6, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh điều trị. Ngày 10/6, TTYT huyện Đông Anh tiếp tục lấy mẫu lần 2 để xét nghiệm cho bệnh nhân, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó vào ngày 9/6, con gái út 6 tuổi của cặp vợ chồng này cũng đã có kết quả dương tính.

Trường hợp thứ tư là bệnh nhân L.V.V., nam, 36 tuổi, địa chỉ Mai Đình, Sóc Sơn. Bệnh nhân là người bán hải sản tại chợ Cửa hàng mới đến hết ngày 28/5 (ngày chợ đóng cửa). Ngày 10/6, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy liên quan đến chùm ca bệnh tại chợ Cửa hàng mới (ca bệnh chỉ điểm là bệnh nhân 9139), từ ngày 7/6 đến nay đã ghi nhận 14 trường hợp.

Trường hợp thứ 5 là bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 5325, liên quan công ty T&T. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6 dương tính với SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 24/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 456 ca Covid-19, trong đó có 246 ca ghi nhận trên địa bàn, số còn lại phát hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.

img

Chùm ca bệnh mới phát sinh tại chợ Cửa hàng mới tại thị trấn Đông Anh từ ngày 7/6 đến nay đã ghi nhận 14 trường hợp dương tính

Bình Dương thông tin về ca nghi nhiễm là tài xế siêu thị Nguyễn Kim

Ngay sau khi nhận được tin báo nam tài xế siêu thị Nguyễn Kim dương tính với SARS-CoV-2, Bình Dương đã truy vết các F1. Kết quả cho thấy tất cả đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Sáng 11/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An (Bình Dương), cho biết đêm 10/6, khi nhận được thông tin ca nghi mắc COVID-19 là tài xế lái xe chở hàng của Siêu thị Nguyễn Kim (TP.Hồ Chí Minh), ngành y tế đã truy vết địa phương, trường hợp liên quan.

Trước đó, nam tài xế này đã lái xe đi nhận hàng lưu tại kho Duy Hưng Logistics, Đại lộ Độc Lập, khu công nghiệp Sóng Thần I, TP.Dĩ An, Bình Dương.

Qua điều tra, trích xuất camera tại kho, cơ quan y tế xác định bệnh nhân đã tiếp xúc gần với 17 nhân viên có mặt tại kho và 96 trường hợp F2.

Ngành y tế đã đưa 17 trường hợp F1 đến cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế TP.Dĩ An và cách ly tại chỗ 96 trường hợp F2. Kết quả xét nghiệm 17 trường hợp F1 cho thấy, tất cả đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Hiện, nam tài xế nghi mắc COVID-19 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An. Từ ngày 27/5 đến 8/6, trường hợp dương tính này thường vận chuyển, giao hàng cho Công ty Nguyễn Kim có kho hàng ở Công ty Duy Hưng Logistics. Nhận được tin báo từ Công ty Nguyễn Kim có ca F0, trường hợp dương tính này đã đến cơ sở y tế khai báo, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

img

Tính từ đợt dịch thứ 4 này, Bình Dương ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngoài ra, còn có 6 ca ở TP.HCM có yếu tố dịch tễ tại tỉnh Bình Dương.

TP.HCM thêm 18 bệnh nhân tại nhiều ổ dịch mới

Các bệnh nhân mới được ghi nhận tại Bắc Giang (45), TP.HCM (18), Bắc Ninh (9), Hà Nội (5), Hà Tĩnh (4). Trong đó, 77 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Bắc Giang vẫn là địa phương có số ca mắc lớn nhất với 45 trường hợp được phát hiện trong khu cách ly, vùng phong tỏa liên quan công nhân làm việc tại khu công nghiệp.

Tại Bắc Ninh, 7 ca mắc mới liên quan khu công nghiệp Quế Võ, một trường hợp từ ổ dịch khu công nghiệp Khắc Niệm và người còn lại là F1.

Tại TP.HCM, theo Sở Y tế, ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng về cơ bản đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, thành phố ghi nhận nhiều ổ dịch nhỏ mới, phát hiện rải rác trong cộng đồng.

Tuy nhiên, nhờ giãn cách xã hội, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan do tiếp xúc gần của người cùng gia đình hoặc trong xóm.

Theo các chuyên gia y tế, TP.HCM nên thay đổi phương án xét nghiệm. Trong đó, ưu tiên là xét nghiệm nhanh, đơn giản, trả kết quả sớm. Khi có xét nghiệm nhanh dương tính, hệ thống truy vết từ đó được kích hoạt sớm, ngăn chặn việc hình thành ổ dịch mới.

img

Lực lượng y tế lấy mẫu tầm soát cho người dân.

Bảo mẫu khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 mắc Covid-19

Sáng 11/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết người này quê ở Củ Chi. Bệnh nhân từng tiếp xúc người thân mắc Covid-19 khi trở về quê.

"May mắn, nhân viên làm việc cùng khoa với bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều âm tính với nCoV. Đây là bài học cho nhân viên tại các cơ sở y tế ở TP.HCM về việc vô tình tiếp xúc với người thân", ông Bỉnh nói thêm.

Theo nguồn tin của Zing, người này là bảo mẫu làm việc tại khoa Sơ sinh. Hiện tại, khoa tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định sau 10 ngày áp dụng giãn cách cách xã hội, trong 5 ngày gần đây, số lượng ca mắc giảm xuống. Chủ yếu là các ca mắc được phát hiện trong khu vực khoanh vùng. Điều này cho thấy ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát.

img

Đội ngũ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại công ty TNHH Vietnam Samho.

Xuất hiện 3 ca F0 ở công ty có hơn 10.000 lao động

Sau khi 3 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) được công bố dương tính với SARS–CoV-2, ngày 11-6, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hơn 3.500 công nhân thuộc 3 xưởng B, F, Pre-stitching (nhà A), nơi các ca F0 làm việc

Đây là 3 ca bệnh liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở Xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, hiện đã được đưa đi cách ly. 84 lao động làm chung với 3 công nhân này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng để xử lý theo quy định.

Trước đó, khi nhận được thông tin, Công ty TNHH Việt Nam Samho (Huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã cho công nhân ở 3 xưởng nêu trên tạm nghỉ từ ngày 10-6 để khoanh vùng và xác định các trường hợp liên quan. Đồng thời, lập tực triển khai các giải pháp ứng phó nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm.

Cụ thể, công ty bố trí riêng điểm giữ xe, lối ra vô riêng, giờ ăn riêng cho công nhân thuộc khu nhà A; Giờ ăn của các khu khác được bố trí lệch giờ với khu A; Thực hiện khử khuẩn toàn bộ nhà máy hàng ngày; Yêu cầu người lao động phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế hàng ngày. Để đảm bảo người lao động thực hiện nghiêm, nhân viên an toàn sẽ giám sát việc thực hiện tuần tra và giám sát công tác phòng dịch tại các xưởng, bộ phận bảo vệ và an ninh kiểm soát tại các cổng ra vào; Thông tin rộng rãi đường dây nóng của công ty để người lao động báo cáo các vấn đề liên quan dịch bệnh nhằm kịp thời xử lý.

Công ty TNHH Việt Nam Samho đang sử dụng khoảng 10.000 lao động. Ngoài các bộ phận tạm thời ngừng việc, sáng nay công ty vẫn hoạt động bình thường.

img

Phong toả một bệnh viện do có các ca nhiễm tới khám.

Sáng 11/6 có 51 ca mắc mới

Tính từ 18h ngày 10/6 đến 6h ngày 11/6 có 51 ca mắc mới (BN9785-9835), trong đó có 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu; 41 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (23), TP. Hồ Chí Minh (10), Bắc Ninh (4), Hà Tĩnh (4); trong đó 35 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 8.206 ca ghi nhận trong nước và 1.629 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.636 ca.

Có 17 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người.

img

Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vaccine COVID-19

Theo Bộ Y tế, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khuyến cáo: Theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Do đó, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

img

Phun khử khuẩn, tiêu độc khử trùng khu vực có ca nhiễm mới.

19 người đã tiêm thử vaccine Nano Covax giai đoạn 3

Đại diện Học viện Quân Y cho biết, trong chiều 10/6, 19 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3. Đây là vaccine do Công ty Nanogen sản xuất.

Theo đó, 19 tình nguyện viện được theo dõi sức khỏe sau tiêm 1 giờ tại Học viện Quân y và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, không có vấn đề bất thường. Các tình nguyện viên sẽ quay trở lại tiêm mũi 2 sau 28 ngày. 42 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu để đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine.

Tính tới thời điểm hiện tại, Học viện Quân y đã nhận được khoảng 6.500 đơn đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm Nano Covax giai đoạn 3, trong đó, người cao tuổi nhất là 83 tuổi. Tuy nhiên, trường hợp này đến nay vẫn chỉ là tình nguyện viên nộp đơn, chưa được thu tuyển tham gia chương trình.

Vaccine Nano Covax thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã thông báo tuyển tình nguyện viên đáp ứng yêu cầu đủ 18 tuổi và không giới hạn độ tuổi tối đa. Bên cạnh đó, vaccine này cũng sẽ tiêm cho những tình nguyện viên có bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường...

Những bệnh này phải trong giai đoạn ổn định, không tiêm khi đang trong giai đoạn cấp tính. Việc tiêm thử nghiệm trên đối tượng này nhằm đánh giá kết quả về sinh miễn dịch, phản ứng sau tiêm… là cơ sở để tiêm đại trà, sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ được tiêm thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên. Đại diện Học viện Quân y cho hay, trong số 13.000 tình nguyện viên, 1.000 người đầu tiên sẽ tiêm tại Học viện Quân y và Bến Lức (Long An). 12.000 người còn lại có thể sẽ mở rộng và tiêm thêm tại Hưng Yên, Tiền Giang. Mức liều tối ưu được lựa chọn tiêm cho các tình nguyện viên là 25mcg (mức thấp nhất).

img

19 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3.

Hai mẹ con bán xôi ở chợ Thủ Đức và Hóc Môn nghi mắc COVID-19

Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn đã thông tin về 2 ca nghi mắc COVID-19 là hai mẹ con bán xôi ở chợ Thủ Đức và ngã tư giao đường Lý Thường Kiệt và Song Hành (huyện Hóc Môn).

Theo đó, bà N.T.M. (địa chỉ cư trú 78/5/1, đường số 3, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) bán xôi tại chợ Thủ Đức. Người con là N.T.N.H. (cư trú tại nhà trọ cây phượng, Tân Hiệp 16, tổ 10, ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) bán ở ngã tư giao đường Lý Thường Kiệt và Song Hành, huyện Hóc Môn.

hiện lực lượng chức năng truy vết được 4 F1, trong đó chồng của bà M. (cũng bán xôi, cư trú tại nhà trọ Cây Phượng, Tân Hiệp 16, tổ 10, ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) và 169 F2 liên quan 2 trường hợp này đang được điều tra, truy vết.

Cùng ngày, UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức phát đi thông báo tìm người từng tiếp xúc với người mẹ ở góc ngã tư đường Hồ Văn Tư - đường Đoàn Công Hớn, gần Miếu Bà (chợ Thủ Đức B, địa chỉ 21 đường Hồ Văn Tư, khu phố 1, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) vào khung giờ 16h30 - 17h30 từ ngày 25/5 đến ngày 4/6.

Cơ quan chức năng đề nghị những người liên quan tới ca bệnh liên hệ ngay với Trạm y tế phường Trường Thọ để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm.

img

Lực lượng y tế lấy mẫu tầm soát cho người dân.

Phát hiện chùm ca bệnh gồm 17 người chưa rõ nguồn lây ở huyện Củ Chi

Chiều 10/6, bác sĩ Hồ Thanh Phong, khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Củ Chi, cho biết những người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là vợ, con, mẹ, hàng xóm, bạn bè của 2 bệnh nhân ban đầu.

Họ có địa chỉ cư trú ở huyện Củ Chi. Các bệnh nhân đã được chuyển Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Trong số này, Bộ Y tế đã công bố 8 người.

Hai bệnh nhân đầu tiên trong chùm ca bệnh này trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, được phát hiện vào ngày 8/6 khi đến khám ở Bệnh viện Thống Nhất.

Nhận được tin báo, lực lượng phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Củ Chi đã tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp liên quan.

Ngày 9/6, 14 mẫu đơn và một mẫu gộp 5 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, từ 2 ca bệnh ban đầu chưa rõ nguồn lây, ngành y tế đã xác định thêm ít nhất 15 người có xét nghiệm dương tính (do mẫu gộp 5 dương tính). Những người trong mẫu gộp được xét nghiệm lại mẫu đơn để khẳng định.

Lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp F1, F2 và người có liên quan các bệnh nhân để tầm soát Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay tính đến ngày 10/6, thành phố ghi nhận thêm 26 trường hợp nhiễm mới (BN9606-BN9631).

Trong đó, 8 trường hợp liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa. 5 trường hợp là F1 của bệnh nhân đã được công bố trước đây. Họ cũng nằm trong khu vực phong tỏa. 13 trường hợp còn lại liên quan một chuỗi lây nhiễm đang được điều tra dịch tễ. Trong đó, huyện Củ Chi có 8 trường hợp, các ca còn lại ghi nhận tại Bình Chánh (2), Tân Bình (2), Bình Tân (1).

img

Từ hai ca bệnh được phát hiện ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), ngành y tế huyện Củ Chi đã xác định thêm 15 người liên quan dương tính với SARS-CoV-2.

28 ca mắc từ chuỗi lây xưởng cơ khí và khách sạn TP.HCM

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), chuỗi lây nhiễm được phát hiện từ hai bệnh nhân chỉ điểm là ca 9612 và 9613. Hai người làm việc tại một công ty cơ khí chế tạo máy ở Ấp Mới 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

BN 9612 (bố vợ) và BN 9613 (con rể), có triệu chứng sốt từ ngày 5/6, ngày 8/6 đến khám tại BV Thống Nhất, xét nghiệm dương tính nCoV. Hai người đều cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Em trai của BN 9612 cùng làm việc tại xưởng cơ khí đi khám tại BV Trưng Vương ngày 8/6 và dương tính nCoV mang số hiệu BN 9614, cư trú tại quận Tân Bình.

Từ đây, qua quá trình điều tra, truy vết, thành phố đã phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan ba bệnh nhân này. Tất cả bệnh nhân được phát hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Gia đình BN 9612 gồm có vợ là BN 9611 cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi cùng 4 người con là các BN: 9615, 9616, 9617, 9620. Trường hợp người vợ - BN 9611, ngày 30/5 đã có triệu chứng sốt. Người này có mối quan hệ bà con với BN 9504.

BN 9504 làm việc tại nhà bếp của một khách sạn ở Tân Bình, có triệu chứng hô hấp nên đi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ngày 6/6. Từ BN 9504 phát hiện thêm hai bệnh nhân làm chung tại khách sạn là 9017 và 9505.

Trường hợp ca 9613 là con rể của 9612 và 9611. Người này có vợ là 9617. Ca 9613 sống cùng nhà với mẹ ruột là 9618 và con gái là 9619 cũng tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Hàng xóm của 9613 đã phát hiện 7 người nhiễm được công bố mã bệnh nhân 9772-9778.

9614 (em trai của 9612), cư trú tại Tân Bình có vợ là 9621 và tiếp xúc với vợ chồng sui gia là 9622, 9623, đang cư trú tại Bình Chánh. Hàng xóm của 9614 cũng được phát hiện nhiễm là 9779-9782.

Theo HCDC, tính đến ngày 10/6, liên quan đến chuỗi này đã có 28 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố. Các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm đã được chuyển cách ly tập trung. Các trường hợp tiếp xúc vòng hai cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa nơi cư trú của các bệnh nhân, mở rộng xét nghiệm tầm soát các hộ gia đình nơi phong tỏa.

img

Lực lượng chức năng phong tỏa khu vực sinh sống của bệnh nhân Covid-19. Ảnh- Hoàng Giám.

79 bệnh nhân tiên lượng rất nặng, 9 ca đang can thiệp ECMO

Tiểu Ban Điều trị cho biết, cả nước đang có 182 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng, nặng và nguy cơ tử vong. Trong đó, 103 ca tiến triển nặng lên, 76 ca tiên lượng rất nặng và 3 ca tiên lượng tử vong, 9 bệnh nhân đang chạy ECMO.

Hiện tại, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đang có 21 ca nguy kịch, hầu hết có bệnh nền, được phát hiện mắc COVID-19 trong bệnh viện; 7 trường hợp điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, 2 trong số đó phải lọc máu liên tục; 2 trường hợp ở Bắc Giang; 1 trường hợp điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Trường hợp tại BV Tâm thần Bắc Giang mới 31 tuổi, không bệnh nền, ngay sau khi vào viện đã phải thở máy, lọc máu liên tục. Bệnh viện này hiện đang là ICU lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường bệnh, chuyên tiếp nhận điều trị các ca COVID-19 nặng với sự giúp sức của các bác sĩ đến từ nhiều tỉnh thành.

Trong 9 ca ECMO, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 4 ca, 1 ca tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang; 1 ca tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là thuyền trưởng người Hàn Quốc, 67 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, béo phì;

2 ca ECMO tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM gồm nam thanh niên 22 tuổi, quê ở Long An (BN7455), phổi đông đặc như bệnh nhân 91- phi công người Anh và BN8346 ngụ ở Tây Ninh, là ca nhập cảnh, chuyển vào viện ngày 4/6 trong tình trạng suy hô hấp nặng, đến nay tình trạng suy hô hấp chưa cải thiện.

1 ca còn lại tại Bệnh viện Chợ Rẫy là BN8944, chiến sĩ công an quận Tân Phú, được can thiệp ECMO từ sáng 8/6 do tổn thương phổi nặng, suy hô hấp. Ca bệnh này được Bộ Y tế công bố ngày 7/6.

Do số lượng bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng, hiện đã lên tới 542 ca, do đó trong những ngày tới, 2 ekip của Bệnh viện Chợ Rẫy đang hỗ trợ tại tâm dịch Bắc Giang sẽ rút dần về TP. Hồ Chí Minh.

img

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa vừa ghi nhận 1 ca tái dương tính sau khi trở về quê.

Thêm 1 ca tái dương tính tại Thanh Hóa

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, kết quả xét nghiệm vào lúc 16h30 ngày 10/6 đã ghi nhận ca tái dương tính với SARS-CoV-2 là trường hợp BN3974, xã ở Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, công nhân Công ty HOSIDEN, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 14/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được Bộ Y tế định danh là BN3974 và được điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang, sau đó được chuyển đến điều trị tiếp tại khu vực điều trị COVID-19, BV tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ngày 28/5, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tiếp tại khu vực điều trị COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 2- Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang.

Tại đây bệnh nhân được xét nghiệm 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và được thông báo chuyển về địa phương tiếp tục theo dõi và quản lý theo quy định.

Ngày 9/6, bệnh nhân được vận chuyển về địa phương bằng xe cứu thương của BV đa khoa Khu vực Ngọc Lặc và bàn giao cho chính quyền xã Kiên Thọ triển khai cách ly bệnh nhân tại nhà. Hiện, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cách ly điều trị tiếp theo quy định.

Trước đó, tối 5/6, Sở Y tế Thanh Hoá cho biết đã ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá là thanh niên 24 tuổi ở thị trấn Bút Sơn trở về từ Nhật Bản.

img

Di chuyển công nhân khu công nghiệp có ca mắc Covid-19 tới các khu cách ly tập trung.

61 ca mắc mới Covid-19

Bộ Y tế chiều 10/6 ghi nhận 61 ca dương tính nCoV, gồm 59 ca trong nước và hai ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Như vậy trong ngày 10/6, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca nhiễm, gồm 8 ca nhập cảnh và 211 ca trong nước.

61 ca mới chiều nay được ghi nhận từ số 9724-9784. 59 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 23, TP HCM 20, Bắc Ninh 12, Tiền Giang và Hà Tĩnh đều 2. Trong đó 57 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca tại Bắc Giang 3.696, Bắc Ninh 1.227, TP HCM 562, Hà Tĩnh 18, Tiền Giang 3.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 6.596, ghi nhận ở 39 tỉnh thành. Hôm nay, 72 bệnh nhân được công bố khỏi Covid-19, nâng tổng số khỏi từ đầu dịch lên 3.708 ca.

Có 17 tỉnh gồm Đồng Nai, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người.

img

Bệnh viện quận Tân Phú bị phong tỏa lúc có các ca nhiễm tới khám.

Hà Nội xuất hiện ca Covid-19 thứ 7 thuộc chùm ca bệnh ở Đông Anh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa cho biết, Hà Nội vừa ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19 mới, thuộc chùm ca bệnh tại huyện Đông Anh.

Ca bệnh mới trên là nữ, sinh năm 2015, địa chỉ tại Kính Nỗ, thị trấn Đông Anh (Hà Nội). Đây là ca bệnh thứ 7 được ghi nhận thuộc chùm ca bệnh tại thị trấn Đông Anh kể từ ngày 7/6.

Được biết, bệnh nhân là con và là F1 của BN9521 (N.T.H.H., nữ, sinh năm 1986) và BN9522 (P., nam, sinh năm 1982) - đây là 2 bệnh nhân vừa được công bố dương tính với SARS-CoV-2 vào đầu giờ chiều nay.

Ngay trong ngày 9/6, bệnh nhân được Trung tâm y tế huyện Đông Anh lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, CDC Hà Nội đang cùng với Trung tâm y tế huyện Đông Anh tiếp tục điều tra, xác minh những người tiếp xúc gần, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Trước đó, chiều cùng ngày, CDC Hà Nội cho biết vừa ghi nhận thêm 4 ca mắc COVID-19 mới, là F1 của bệnh nhân 9139, bán rau ở Đông Anh, được ghi nhận cách đây 2 ngày.

img

Nhân viên y tế chuẩn bị dụng cụ tiêm vaccine Covid-19 tại một trung tâm tiêm ngừa. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ ghi nhận ngày nhiều ca COVID-19 tử vong nhất

Reuters đưa tin con số tử vong trong 1 ngày qua tại Ấn Độ tăng vọt, sau khi các bang lớn ở miền đông nước này công bố lại các số liệu về dịch COVID-19, theo đó rất nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tử vong tại nhà hoặc trong các bệnh viện tư nhân. Số nạn nhân tử vong này trước đó đã không được thống kê.

Bilhar, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, nhà chức trách ngày 10/6 đã điều chỉnh lại số ca tử vong vì COVID-19 từ 5.400 ca lên trên 9.400 ca.

Theo yêu cầu của Tòa án Cấp cao Patna, chính quyền bang Bihar đã kiểm lại số liệu ca tử vong và mắc mới COVID-19 tại bang này. Kết quả là số ca tử vong tăng tới 72,84%.

Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo tính đến ngày 10/6, Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng 372,2 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, tăng thêm 2 triệu lượt so với một ngày trước đó. Đến nay, nước này đã tiêm tổng cộng 242,72 triệu lượt vaccine phòng COVID-19, trong đó có 3,37 triệu liều trong ngày 9/6.

Các chuyên gia cảnh báo các biến thể của virus SARS CoV-2 là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao tại Ấn Độ nên chính phủ nước này cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ virus đột biến liên tục.

Chính phủ Ấn Độ trước đó đã đặt mua 250 triệu liều vaccine Covishield và 190 triệu liều vaccine Covaxin, và số vaccine phòng COVID-19 này sẽ được cung cấp bắt đầu từ nay cho đến tháng 12/2021. Đây là tuyên bố ngày 8/6 của ông V.K. Paul, thành viên Ủy ban cải cách thể chế quốc gia (Niti Ayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ.

Ông V.K. Paul cho biết, chính phủ đã tạm ứng 30% cho Viện Huyết thanh Ấn Độ và công ty dược phẩm Bharat Biotech để mua hai loại vaccine ngừa COVID-19 nói trên. Ngoài ra, chính phủ cũng đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological E, dự kiến được cung cấp vào tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ đặt hàng với một nhà sản xuất vaccine trước khi sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.