Xã hội

Covid-19 ngày 17/11: Thêm 9.839 ca mắc mới tại 56 tỉnh, thành

Tin tức Covid-19 ngày 17/11: Số ca nhiễm mới tăng 198 ca so với ngày trước đó, trong đó có 4.956 ca cộng đồng.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay ngày 17/11

Tính từ 16h ngày 16/11 đến 16h ngày 17/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước (tăng 198 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng).

img

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM (ảnh minh hoạ)

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.337), Đồng Nai (664), Bình Dương (601), An Giang (527), Tiền Giang (526), Bình Thuận (489), Đồng Tháp (489), Bà Rịa - Vũng Tàu (428), Kiên Giang (396), Tây Ninh (376), Sóc Trăng (364), Bạc Liêu (323), Vĩnh Long (290), Cà Mau (233), Hà Nội (218), Bình Phước (217), Đắk Lắk (188), Bến Tre (180), Long An (153), Trà Vinh (152), Cần Thơ (145), Khánh Hòa (144), Hà Giang (134), Bắc Ninh (107), Thừa Thiên Huế (96), Hậu Giang (94), Bình Định (87), Hải Dương (81), Bắc Giang (79), Quảng Ninh (79), Nghệ An (77), Quảng Nam (70), Thái Bình (60), Nam Định (51), Đà Nẵng (37), Quảng Ngãi (36), Ninh Thuận (34), Đắk Nông (32), Quảng Bình (29), Thanh Hóa (29), Tuyên Quang (25), Ninh Bình (19), Hà Nam (18), Phú Thọ (17), Cao Bằng (16), Quảng Trị (15), Hà Tĩnh (14), Phú Yên (13), Hưng Yên (12), Vĩnh Phúc (11), Hải Phòng (7), Kon Tum (7), Hòa Bình (6), Thái Nguyên (3), Điện Biên (3), Lào Cai (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-307), Tiền Giang (-145), Cà Mau (-107).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+154), Bà Rịa - Vũng Tàu (+128), Đắk Lắk (+100).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.831 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (451.113), Bình Dương (245.321), Đồng Nai (79.926), Long An (36.925), Tiền Giang (21.951).

Số bệnh nhân khỏi bệnh: - Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3.873 - Tổng số ca được điều trị khỏi: 874.870.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca, trong đó: - Thở ô xy qua mặt nạ: 2.960 - Thở ô xy dòng cao HFNC: 847 - Thở máy không xâm lấn: 126 - Thở máy xâm lấn: 394 - ECMO: 11

Từ 17h30 ngày 16/11 đến 17h30 ngày 17/11 ghi nhận 67 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (26), Bình Dương (12), An Giang (7), Tây Ninh (4), Long An (4), Cần Thơ (3), Sóc Trăng (3), Bình Thuận (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 82 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 113.507 xét nghiệm cho 280.186 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.466.573 mẫu cho 64.994.812 lượt người.

Trong ngày 16/11 có 1.097.539 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 102.030.576 liều.

TP.HCM thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống đến 22h, được bán rượu bia

UBND TP.HCM vừa có văn bản cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thí điểm hoạt động đến 22h hằng ngày từ nay đến hết ngày 30-11.

Các cơ sở phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới.

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công thương tổng hợp, đề xuất UBND TP.

Hà Nội cách ly F1 tại nhà không cần hàng xóm đồng ý

Sáng 17/11, mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin việc Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà nhưng đối tượng F1 phải được sự đồng ý của hàng xóm.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định TP Hà Nội không có quy định này.

img

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định TP Hà Nội không có quy định cách ly F1 tại nhà phải xin phép hàng xóm.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc thí điểm cách ly F1 tại nhà quận cũng đã thực hiện được một thời gian. Trước khi đồng ý cho các F1 (là người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai...) cách ly tại nhà thì lực lượng chức năng sẽ đến kiểm tra, khảo sát điều kiện của các đối tượng F1, nếu đủ điều kiện theo quy định thì mới đồng ý cho cách ly tại nhà.

Theo quy định của Hà Nội về việc cách ly F1 tại nhà, gia đình F1 phải có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải...

Còn theo một Giám đốc Trung tâm y tế một quận ở Hà Nội, quy định về cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế không có quy định cách ly F1 tại nhà phải được hàng xóm đồng ý. "Chúng tôi triển khai cách ly F1 tại nhà đều tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội. Không áp dụng thêm các điều kiện nào khác" - vị này nói.

Ngày 16/11, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn. UBND TP sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 tại nhà, giao chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn.

Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Quá trình thực hiện phải bảo đảm thống nhất, bài bản, khoa học, hiệu quả. Đồng thời, phải có cơ chế để tiếp tục cách ly tập trung F1 đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tại khách sạn nếu người dân có nguyện vọng.

Cùng ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện hỏa tốc số 23 về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới. Theo đó, TP điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày.

Tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc đã rà soát chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly (tính các cơ sở giáo dục, trường học, khu ký túc xá học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học), đảm bảo trang thiết bị, hậu cần cho các khu cách ly để sẵn sàng tiếp nhận công dân đến cách ly. Thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Hà Nội lập 5 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19

Những ngày gần đây, xu hướng các ca nhiễm tăng nhanh tại nhiều địa bàn của Hà Nội với nhiều ổ dịch phức tạp. Một số tổ chức, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ và người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện nghiêm quy định 5K.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đạt độ bao phủ theo yêu cầu và người dưới 18 tuổi chưa được tiêm; nguy cơ, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.

Do đó, từ ngày 17/11, Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung, điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Cụ thể, TP chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Thí điểm thu dung, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Các cơ sở đặt tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường. Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức - quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh). Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn - quy mô 200 giường. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường. Trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức - quy mô 200 giường.

Hà Nội cũng mở rộng cơ sở thu dung, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm. Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của TP, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến TP.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng huy động các bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ, ngành Trung ương, các Trường Đại học, cao đẳng Y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh Covid-19.

TP cũng rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sĩ, sinh viên, học sinh, y bác sĩ đã nghỉ hưu) tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.

Trước đó, tối 15/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã ký văn bản về việc bổ sung đối tượng cách ly tập trung y tế là người tiếp xúc gần (F1) do người cách ly tự nguyện chi trả chi phí tại các khách sạn cách ly.

Theo đó, trong số 23 khách sạn trên địa bàn thành phố được lựa chọn là địa điểm cách ly y tế tập trung, 12 cơ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn sẽ được đón đối tượng F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí.

Hà Nội nguy cơ bùng phát Covid-19

Tính từ ngày 11/10 đến nay, bình quân mỗi ngày phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đặc biệt, từ 18 giờ ngày 14/11 đến 18h ngày 15/11, trên địa bàn TP đã ghi nhận thêm 289 ca F0.

img

Một khu vực ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đang bị phong tỏa

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, toàn TP Hà Nội đang có 12 chùm ca bệnh và vẫn còn hơn 120 điểm phong tỏa. Dự báo số ca F0 phát sinh trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cao do các nguồn lây đã tồn tại trong cộng đồng và nhiều người dân trở về từ các địa phương có dịch mà chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Ông Đinh Tiến Dũng cảnh báo tâm lý chủ quan cũng ngày càng phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm "5K"; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép... Qua đó cho thấy diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát mạnh.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế), hiện nay theo Nghị quyết 128, các địa phương đã nới lỏng các hoạt động cũng như nới lỏng việc đi lại và chấp nhận không thể "Zero Covid". Khi số ca nhiễm tiếp tục gia tăng sẽ kéo theo số F1 tăng lên, vì thế việc áp dụng cách ly tại nhà rất cần thiết.

Hiện nay, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, TP Hà Nội cũng xuất hiện nhiều ổ dịch mới với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, diễn biến phức tạp, khó lường. Hà Nội cần cảnh giác cao độ trong đó cần xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ; đặc biệt xét nghiệm hằng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng Hà Nội nên cho phép cách ly các trường hợp F1 tại nhà, thậm chí cả những trường hợp F0 thể nhẹ, không có triệu chứng. Việc cho phép cách ly tại nhà sẽ bảo đảm an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.045.397 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.609 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.040.346 ca, trong đó có 868.180 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 17/11.

TP.HCM cho phép quán bar, karaoke, vũ trường và bán vé số... hoạt động lại

Chiều tối 16/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định về quy định tạm thời các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM".

Trong đó có nội dung chính thức cho các sở sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 1 được hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh này phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Đối với các địa phương thuộc cấp độ 2, các loại hình này được hoạt động nhưng có hạn chế. Cụ thể, các cơ sở dịch vụ chỉ được hoạt động tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm. Ngoài ra, người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Đối với phường, xã, thị trấn có cấp độ 3 được hoạt động nhưng các dịch vụ cũng sẽ được hoạt động hạn chế. Cụ thể cơ sở dịch vụ hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm, không hoạt động các dịch vụ như bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.

Ngoài ra người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Riêng với địa phương thuộc cấp độ 4 không được hoạt động.

Đối với các hoạt động thư viện, đọc sách; rạp chiếu phim, điện tử; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trò chơi điện tử (không có kết nối mạng) sẽ mở trở lại. Tuy nhiên khu vực cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 cơ sở hoạt động tối đa lần lượt từ 100%, 50%, 25%. Riêng cấp độ 4 không được hoạt động.

Đối với bán hàng rong, vé số dạo: Phường, xã, thị trấn cấp độ 1 được hoạt động; đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Phường, xã, thị trấn cấp độ 2 hoạt động có điều kiện. Người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh; đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Phường, xã, thị trấn cấp độ 3, 4 không hoạt động.

img

F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại cơ sở, F1 đủ điều kiện sẽ cách ly tại nhà.

Từ hôm nay 17/11, Hà Nội thí điểm điều trị F0 tại cơ sở, cách ly F1 tại nhà

Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cơ sở, thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện; đồng thời tăng cường, kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới.

Công điện nêu, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, khi Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã mở rộng, nới lỏng các hoạt động, lượng người từ các địa phương khác trở về TP làm việc, giao dịch tăng nhanh liên tục.

Từ ngày 17/11/2021, TP Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội. Chủ động xây dựng phương án thu dung, điều trị người bị nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố với các kịch bản cao theo mô hình tháp 3 tầng.

Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bànxã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ” do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Mở rộng cơ sở thu dung điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm. Rà soát và mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị tại các cơ sở thu dung của Thành phố, các Bệnh viện tuyến huyện và tuyến TP.

Huy động các Bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ, ngành T.Ư, các Trường Đại học, cao đẳng Y dược và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tham gia công tác thu dung điều trị người bệnh (F0).

Rà soát các cơ sở thu dung điều trị, huy động nhân lực y tế (bác sỹ, sinh viên, học sinh, y bác sỹ đã nghỉ hưu) tham gia phòng chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.

Về phương án cách ly các đối tượng tiếp xúc gần (F1), Hà Nội điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày.

Thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế.

Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (theo nguyện vọng cá nhân, phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được Thành phố phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung (F1) và cam kết chi trả kinh phí).

Cả nước có 1.045.397 ca nhiễm, 868.180 ca khỏi bệnh

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.045.397 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.609 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.040.346 ca, trong đó có 868.180 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 16/11, CDC Bình Thuận đăng ký bổ sung thông tin cho 609 ca nhiễm đã được lấy mẫu từ các ngày trước đó tại Bình Thuận.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.557 ca/ngày.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (449.776), Bình Dương (244.720), Đồng Nai (79.262), Long An (36.772), Tiền Giang (21.951).

Về tình hình điều trị, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.481. Tổng số ca được điều trị khỏi: 870.997. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.101 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 2.813; Thở ô xy dòng cao HFNC: 796; Thở máy không xâm lấn: 115; Thở máy xâm lấn: 366; ECMO: 11.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 83 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.270 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 166.888 xét nghiệm cho 238.597 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.353.066 mẫu cho 64.714.626 lượt người.

Trong ngày 15/11 có 1.089.217 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 100.862.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.767.521 liều, tiêm mũi 2 là 36.095.377 liều.

Lào Cai khẩn trương truy vết sau 2 ca mắc cộng đồng trở về bằng máy bay

Theo Trung tâm chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh Lào Cai, địa phương đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm và truy vết F1, F2.

Trường hợp thứ nhất, nữ bệnh nhân mang mã BN1036369 trở về từ Thanh Hóa. Ngày 11/11/2021, bệnh nhân đi xe khách từ Cẩm Châu, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá đến bến xe Mỹ Đình, Hà Nội và đi xe khách Hà Sơn-Hải Vân (biển kiểm soát 24B – 00633) về Lào Cai; đến địa phận xã Xuân Giao, Bảo Thắng, bệnh nhân xuống khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch lưu động phòng chống dịch Covid-19 xã Xuân Giao, chốt kiểm soát dịch IC17 và Trạm y tế xã Xuân Giao, sau đó về tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

img

Lực lượng chức năng lập rào cách ly nơi ca mắc Covid-19 từng đi tới. (Ảnh minh họa)

Ngày 15/11/2021 xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vắc xin.

Trường hợp thứ hai, nam bệnh nhân mang mã BN1038029 trở về từ Bình Dương, đã tiêm 1 mũi vắc xin. Ngày 13/11/2021, bệnh nhân di chuyển từ TP.HCM về sân bay Nội Bài, Hà Nội trên chuyến bay của hãng Bamboo Airways (ký hiệu QH0240, số ghế 39K), sau đó đi xe khách Hà Sơn - Hải Vân (BKS 29B-13907) về Lào Cai lúc 1h ngày 14/11 và về nhà trọ tại thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát. Ngày 14/11/2021, bệnh nhân đến khai báo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát và Trạm Y tế thị trấn, đến 17h00 công dân được chuyển đến khu cách ly tập trung của huyện.

Ngày 15/11/2021 xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Lào Cai đã chuyển 02 bệnh nhân về Bệnh viện Dã chiến số 1 để cách ly, điều trị; thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2 và tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; quản lý chặt chẽ trong khu cách ly tập trung, tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Lực lượng chức năng đã thông báo các địa điểm có liên quan đến các ca bệnh để người dân chủ động khai báo với chính quyền và cơ quan y tế; thông báo chuyến bay, xe khách có ca dương tính cho các tỉnh để thực hiện truy vết người đi cùng; xử lý, phun tiêu độc khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca bệnh.

Tính đến 18h ngày 16/11, Lào Cai có tổng cộng 147 ca mắc COVID-19, trong đó 136 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. Hiện còn 11 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại địa phương.

Hà Nội lập đường dây nóng phản ánh về tiêu cực trong xét nghiệm Covid-19

Hôm nay (16/11), UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch Covid-19.

img

Hà Nội lập đường dây nóng phản ánh về tiêu cực trong xét nghiệm Covid-19.

Kế hoạch yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp cung ứng vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người đang công tác trong lĩnh vực y tế để nâng cao đạo đức, nhận thức, chung sức, đồng lòng, tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thành lập số điện thoại đường dây nóng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh về các tiêu cực trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch Covid-19.

Thành phố cũng kiểm tra, rà soát về nhu cầu và việc quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trực thuộc, bảo đảm việc sử dụng phải phù hợp với nhiệm vụ được giao, đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Sở Y tế và các đơn vị y tế, đơn vị thực hiện việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 phải chủ động thống kê danh mục, đối tượng được giao mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, vật tư y tế.

Thực hiện kiểm tra, rà soát về nhu cầu, dự toán việc mua sắm, tiếp nhận, quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin... theo các phương án phòng, chống dịch bảo đảm minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.

UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện dịch vụ xét nghiệm Covid-19 phải công khai giá dịch vụ xét nghiệm; trường hợp các cơ sở y tế vi phạm quy định về giá dịch vụ xét nghiệm phải được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định.

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch giá các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, giá các dịch vụ xét nghiệm, test, kit xét nghiệm... kịp thời, cập nhật liên tục tránh tình trạng nâng giá của các đơn vị, cá nhân, bảo đảm đúng quy định.

UBND thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các tiêu cực trong tiêm phòng vắc xin như: Cơ chế xin cho, quà tặng, bồi dưỡng... để được tiêm nhanh hoặc lựa chọn vắc xin theo nhu cầu gây bức xúc cho nhân dân.

Huế: Nữ bệnh nhân Covid-19 có tiền sử béo phì từng nguy kịch đã xuất viện

Tối 16/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, một nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 nguy kịch đã được cứu bằng phương pháp đặt ECMO tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TP.HCM (trung tâm ICU thuộc BV Trung ương Huế).​

img

Nữ bệnh nhân 46 tuổi nhiễm Covid-19 nguy kịch được cứu sống bằng ECMO... Ảnh: Nhật Tân

Trước đó, bệnh nhân này (SN 1974, quê ở TP Vũng Tàu) bị nhiễm SARS-CoV-2 và được điều trị tại tuyến dưới. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, bệnh diễn biến trở nặng nên được chuyển đến trung tâm ICU thuộc BV Trung ương Huế 18h ngày 10/10.

Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân hôn mê, thở máy, da niêm mạc nhạt, mạch nhanh… cùng tiền sử béo phì và tăng huyết áp. Sau khi hồi sức tích cực bệnh vẫn không cải thiện, các bác sỹ đã tiến hành đặt catheter HA động mạch xâm lấn vào lúc 18h30 ngày 11/10.

BSCKII Võ Đại Quyền, Trưởng bộ phận nguy kịch - trung tâm ICU thuộc BV Trung ương Huế cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp bác sĩ đã tiên lượng trường hợp này sẽ tiến triển xấu, khả năng tử vong cao, dựa vào các chỉ số cận lâm sàng và khám lâm sàng đã đủ tiêu chuẩn để can thiệp cho bệnh nhân chạy ECMO (tuần hoàn tim phổi nhân tạo). Lúc 9h ngày 12/10, bệnh nhận được đặt ECMO.

Sau khi đặt ECMO, tình trạng bệnh cải thiện tích cực, đến 15h ngày 27/10, bệnh nhân được dừng ECMO chuyển sang thở máy. Đến ngày 11/11 bệnh nhân cải thiện nhanh, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện sức khoẻ của nữ bệnh nhân này đã phục hồi tích cực và cho xuất viện.

Tuần này TP.HCM hoàn thiện kế hoạch mở lại trường học

Tại Hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa tổ ĐBQH TP.HCM với cử tri huyện Củ Chi và Hóc Môn ngày 16/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố có 1,7 triệu học sinh nên việc mở lại trường là vấn đề lớn, rất khó, rất quan trọng.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gợi ý vùng xanh như huyện Củ Chi, Hóc Môn có thể tổ chức lại trường học trước.

Thời gian qua, học sinh ở nhà học trực tuyến đã xuất hiện những vấn đề đáng lưu tâm, đó là không chỉ không có phương tiện học trực tuyến, không được gặp gỡ bạn bè mà gia đình cũng phải ở nhà cùng cháu nhỏ học. "Dù chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng việc học trực tuyến chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải. Nếu kéo dài thì hiệu quả không cao, chi phí lớn" - Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết thời gian qua, thành phố tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, đồng thời giao Sở Y tế và Sở GD-ĐT chuẩn bị điều kiện để mở lại trường. Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) thí điểm mở lại lớp học: 1, 2, 6, 9, 12 để có thực tiễn rút kinh nghiệm.

Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM có nhiều cải thiện, có nhiều vùng xanh. TP HCM đang cố gắng thực hiện các tiêu chí trường học an toàn và xử lý tốt các tình huống có F0.

"Địa bàn vùng xanh của huyện Củ Chi và Hóc Môn có thể là những địa bàn tổ chức lại trường học trước. Trong tuần này, thành phố sẽ làm việc với ngành giáo dục, y tế để hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học với quy trình an toàn", ông Phan Văn Mãi thông tin.

Về vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện tiêm mũi 1, ngành y tế đang chuẩn bị tiêm mũi 2. Đây là điều kiện để chuẩn bị cho học sinh quay lại trường học.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.